Đất nghèo nuôi chữ...

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh từ xưa đã nổi danh với truyền thống hiếu học và khoa bảng. Ngày nay, truyền thống ấy vẫn được tiếp nối bởi những nỗ lực của thế hệ cháu con, làm giàu thêm bản sắc con người Hà Tĩnh…

Đất nghèo nuôi chữ...

Làng khoa bảng Đông Thái, xã Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh)

Trong tiến trình lịch sử của đất nước, thời kỳ nào, Hà Tĩnh cũng xuất hiện những anh hùng, chí sĩ, danh nhân văn hóa… Ở bất kỳ miền quê nào cũng có những dòng họ khoa bảng danh giá. Hậu thế sẽ còn mãi nhắc về dòng họ Nguyễn Tiên Điền (Nghi Xuân) với các tên tuổi: Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Du, Nguyễn Khản…; Nguyễn Huy ở Trường Lưu (Can Lộc) với 3 cha con ông cháu Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ; Phan Huy ở Thạch Châu (Lộc Hà) với những tên tuổi Phan Huy Ích, Phan Huy Chú.

Hậu thế cũng mãi tự hào về dòng họ Nguyễn Khắc và Đinh Nho (xã Sơn Hòa, nay là An Hòa Thịnh, Hương Sơn) với những nhân tài như: Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, Viện sĩ Nguyễn Khắc Viện, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi, nhà văn Nguyễn Khắc Phê, Tiến sĩ Đinh Nho Công, Nhị giáp Tiến sĩ Đinh Nho Hoàn…

Đất nghèo nuôi chữ...

Việc đổi mới phương pháp giảng dạy tạo hứng thu cho học sinh trong mỗi giờ học.

Ngoài ra, còn có rất nhiều tên tuổi như: Hoàng giáp Nguyễn Văn Giai ở xã Ích Hậu (Lộc Hà) có 13 con trai đều đỗ từ Hương cống trở lên; cha con Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy ở Đức Thuận (TX Hồng Lĩnh) đều đỗ trạng nguyên đời Trần; làng Đông Thái (Tùng Ảnh) có gần 1.000 giáo sư, tiến sĩ, trong đó có những tên tuổi như: Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, Luật sư Phan Anh, Giáo sư Phan Mỹ, đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng… Những tên đất, tên người ấy góp phần kiến tạo bản sắc văn hóa Hà Tĩnh để trao truyền cho đời sau.

Tiếp nối truyền thống hiếu học của ông cha, người Hà Tĩnh thời kỳ nào cũng rất coi trọng việc học. Trong kháng chiến chống Mỹ, người Hà Tĩnh vẫn vừa đánh giặc, vừa chăm chỉ học hành. Phong trào bình dân học vụ, ngọn đèn làng học Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) đã thắp sáng, chiếu rọi trên mọi miền quê. Để sau những trận đánh khốc liệt, sau những mất mát, hy sinh, những lớp học tạm bợ vẫn được dựng lên ngay cạnh chiến hào, học sinh vẫn đội mũ rơm đến trường, ngọn đèn dầu dưới hầm chữ A vẫn tỏa sáng từng trang giáo án của các thầy cô giáo…

Đất nghèo nuôi chữ...

Sự quan tâm của quỹ khuyến học đã tạo động lực giúp các thế hệ học sinh nghèo ở Hà Tĩnh vượt khó học giỏi ( ảnh tư liệu)

Bước vào thời kỳ đổi mới, sự nghiệp giáo dục càng được quan tâm bởi những chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và toàn xã hội. Nhiều chỉ thị, nghị quyết về giáo dục đi vào cuộc sống, góp phần làm thay đổi diện mạo của những mái trường, thay đổi đời sống của giáo viên. Đặc biệt, sự xuất hiện ngày càng nhiều những tổ chức khuyến học, khuyến tài cũng đã tạo động lực để học sinh khắc phục khó khăn, vươn lên học tập tốt.

Ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh thông tin: “Ngoài Quỹ Khuyến học, khuyến tài Nguyễn Du, Quỹ Khuyến học, khuyến tài Hồng Lam, các huyện, thị, thành phố đều đã có cách làm riêng để gây quỹ khuyến học. Mỗi năm, quỹ trao thưởng cho hàng ngàn lượt học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó. Chúng tôi hy vọng, việc làm của mình sẽ gieo lên những hạt giống mới cho thế hệ trẻ trên con đường chinh phục tri thức”.

Đất nghèo nuôi chữ...

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tôn vinh học sinh 3 tốt

Từ sự quan tâm của gia đình và toàn xã hội, các thế hệ học sinh của Hà Tĩnh cùng nhau viết nên những trang sử vàng, làm rạng danh Tổ quốc. Đó là Trịnh Kim Chi - HCB Olympic Toán Đông Nam Á; Phan Mạnh Tân - quán quân Đường lên đỉnh Olympia; Lê Nam Trường - HCB Toán quốc tế; Võ Anh Đức - HCV Toán quốc tế, Phan Nhật Duy - HCV Olympic Toán quốc tế… Trong số đó có những em hoàn cảnh khó khăn, từ xã miền núi xa xôi đã bứt phá, mở tương lai tươi sáng như Phan Nhật Duy. Chị Võ Thị Lài, mẹ của Duy tự hào: “Giành được suất học bổng toàn phần, giờ đây cháu đang có những ngày tháng trau dồi kiến thức ở chuyên ngành Toán tại Hồng Kông. Cháu vẫn giữ tinh thần vượt khó, luôn cố gắng hết mình trong học tập để không phụ sự kỳ vọng của gia đình, thầy cô, bạn bè”.

Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Thương hiệu giáo dục Hà Tĩnh còn được khẳng định và củng cố qua mỗi mùa thi học sinh giỏi quốc gia. Nhiều năm liên tục, Hà Tĩnh vẫn giữ vững vị trí một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về kết quả này. Kết quả thi tốt nghiệp THPT hằng năm đạt trên 97%; riêng năm học 2019-2020, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,12%, xếp thứ 25 của cả nước và đứng thứ nhất Bắc Trung Bộ”.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Trường Mầm non Thụ Lộc (xã Phù Lưu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) được xây dựng từ nguồn Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup và nguồn xã hội hóa của địa phương. Ngôi trường khang trang, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
Những tiết học không smartphone tại Hà Tĩnh

Những tiết học không smartphone tại Hà Tĩnh

Nhiều trường học trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua đã có những cách làm hay trong việc quản lý học sinh sử dụng điện thoại thông minh, giúp các em tập trung hơn cho việc học.