Sau 2 năm thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, xã hội hóa chợ, toàn tỉnh đã chuyển đổi mô hình quản lý đối với 87/130 chợ, đạt 67% so với kế hoạch, nâng tổng số chợ do doanh nghiệp, HTX quản lý trên địa bàn lên 96 chợ.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, cải tạo và nâng cấp 82 chợ với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến 855, 991 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Trong đó, xây mới 20 chợ với kinh phí 777,916 tỷ đồng, cải tạo 62 chợ với kinh phí 77,907 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Cự Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT: Thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, xã hội hóa xây dựng chợ, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường được phối hợp thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, ở các chợ, việc sắp xếp bố trí ngành hàng còn lộn xộn, công tác niêm yết giá chưa được thực hiện nghiêm túc…
Sau khi giao cho doanh nghiệp, HTX quản lý, xã hội hóa xây dựng chợ, hoạt động kinh doanh tại các chợ hiệu quả hơn nhiều so với trước; hạ tầng thương mại được cải thiện rõ nét; trình độ quản lý được nâng lên, công tác quản lý thị trường, kiểm soát chất lượng hàng hóa, ATVSTP, vệ sinh môi trường, PCCN bảo đảm; thu ngân sách tăng hơn trước…
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh: Tại Co.opmart Hà Tĩnh, trên 95% là hàng Việt Nam. Ngoài ra, mỗi năm, Co.opmatr Hà Tĩnh còn tổ chức 60 chuyến hàng Việt về nông tôn, vùng sâu, vùng xa…
Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sau 2 năm triển khai đã có những chuyển biến khá tốt. Trong 2 năm, Hà Tĩnh đã tổ chức 8 phiên chợ hàng Việt về vùng sâu, vùng xa, 12 hội chợ ở các địa phương; đưa hàng trăm chuyến hàng Việt về nông thôn; hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho 8 sản phẩm, tập huấn nghiệp vụ kinh doanh cho gần 2.000 hộ...
Ông Trần Đình Hồng - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh: Tại các chợ xã hội hóa, cơ sở kinh doanh khang trang, đảm bảo vệ sinh môi trường, kiểm soát tốt về chất lượng hàng hóa, đảm bảo vệ sinh ATTP…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Dương Tất Thắng biểu dương, ghi nhận các ngành, địa phương trong việc thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, xã hội hóa xây dựng chợ cũng như thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ rõ: Về chuyển đổi, xã hội hoá chợ, một số địa phương còn lúng túng, chuyển đổi chậm; chưa quyết liệt trong dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm; tăng thu ngân sách ít.
Việc tuyên truyền người Việt dùng hàng Việt còn yếu; sự phối hợp giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu dùng chưa cao; sản phẩm trong tỉnh còn hạn chế về chất lượng, số lượng, mẫu mã, nhãn mác nên tiêu thụ còn hạn chế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công thương tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương đánh giá lại hiệu quả các chợ; rà soát lại những khó khăn, vướng mắc tại các chợ chưa chuyên đổi, chưa xã hội hóa; thường xuyên kiểm tra, rà soát, đảm bảo chợ phải đúng quy hoạch; thực hiện đúng quy trình đấu thầu.
Tập trung hỗ trợ các chợ đang xã hội hóa để đưa vào hoạt động đúng kế hoạch; tham mưu thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; đảm bảo ATVSTP; thu hút, xã hội hóa các cụm công nghiệp; ưu tiên cho doanh nghiệp đưa hàng Việt về nông thôn; tiếp tục động viên, hỗ trợ ngư dân, diêm dân phục hồi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn; tập trung thực hiện chuyển đổi, xã hội hóa xây dựng chợ; tăng cường thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…