Theo báo cáo của Sở Tài chính, 9 tháng năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Hà Tĩnh được giao theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ là hơn 8.746 tỷ đồng. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh đã giao cho các địa phương, đơn vị là gần 11.172 tỷ đồng (bao gồm nguồn năm trước chuyển sang). Đến ngày 30/9, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn Hà Tĩnh đạt hơn 5.745 tỷ đồng, đạt 65,7% kế hoạch Thủ tướng giao và đạt 51,4% kế hoạch địa phương triển khai.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh đạt tỷ lệ giải ngân 28,6%.
Theo đánh giá, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng còn chậm so với kế hoạch vốn được giao, đặc biệt nhóm nguồn vốn ODA giải ngân chỉ mới đạt 15% vốn Thủ tướng giao và 13,8% vốn đã phân bổ; Chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân đạt 7,7% vốn Thủ tướng giao và 29,4% vốn đã phân bổ; nguồn dự phòng ngân sách Trung ương giải ngân đạt 2% vốn giao và đã phân bổ.
Đến hết tháng 9, có 35 đơn vị, địa phương giải ngân đạt trên 50% như: Trường Đại học Hà Tĩnh (100%), Cục Thi hành án dân sự huyện Hương Khê (95,4%), Cục Hải quan tỉnh (95,2%), Sở Ngoại vụ (94,6%), Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh (91%)...
Có 38 địa phương, đơn vị tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50% kế hoạch vốn giao, cụ thể như: Sở GTVT (5,9%), Sở TN&MT (18,5%), UBND huyện Lộc Hà (21,1%), Hương Khê (27,8%), Ban QLDA ĐTXD công trình Dân dụng và công nghiệp (26,6%), Bệnh viện Đa khoa tỉnh (14,5%), Tòa án Nhân dân tỉnh (0,6%)...
Có 18 chủ đầu tư chưa giải ngân vốn như: Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ, Sở Y tế, Trường Cao đẳng Nguyễn Du, Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn...
Nhà thầu thi công dự án đường vành đai phía Đông TP Hà Tĩnh.
Để phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong triển khai, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Sở Tài chính đề nghị các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như: thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách địa phương cấp tỉnh quản lý được giao bổ sung kế hoạch vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách tỉnh năm 2021, 2022; hoàn thiện các hồ sơ pháp lý, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đối với các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đã được HĐND tỉnh thông qua nhưng đến nay nguồn vốn kế hoạch năm 2022, năm 2023 chưa thực hiện phân bổ hết.
Cùng đó, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án; ưu tiên giải ngân trước các nguồn vốn năm 2022 được phép kéo dài thanh toán sang năm 2023; chủ động rà soát, phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở Tài chính tham mưu điều chuyển vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn trong năm 2023.