Lộc Hà chú trọng đầu tư hạ tầng, phục vụ sản xuất

(Baohatinh.vn) - Để phục vụ sản xuất gắn với phòng ngừa thiên tai, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã ưu tiên nguồn lực, lồng ghép tốt các dự án để xây dựng kênh mương, hồ đập, đê điều và các hạng mục thiết yếu.

Lộc Hà chú trọng đầu tư hạ tầng, phục vụ sản xuất

Thi công đê tả Nghèn kết hợp đường giao thông phục vụ sản xuất Cụm công nghiệp Thạch Bằng.

Những ngày này, công nhân trên công trường Dự án Xử lý đê tả Nghèn (đoạn qua các xã Ích Hậu, Thạch Kim, thị trấn Lộc Hà) đang hối hả thi công để đầu năm 2024 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng tiến độ. Dự án này có tổng chiều dài trên 10 km, có tổng mức đầu tư 182 tỷ đồng, khởi công đầu năm 2020 và đã đạt khoảng 80% khối lượng.

Ngoài tạo điểm nhấn về cảnh quan môi trường, kết hợp làm đường giao thông, các đoạn đê đang nâng cấp này còn có chức năng bảo vệ và khép kín hệ thống công trình đê điều chống lũ, ngăn triều cường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn cho hơn 12.000 người dân. Đặc biệt, đây được xem là công trình thiết yếu để bảo vệ hàng trăm hecta đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trước xói lở, nước mặn xâm thực, ảnh hưởng các đợt thiên tai...

Lộc Hà chú trọng đầu tư hạ tầng, phục vụ sản xuất

Công nhân Công ty CP Xây dựng công trình Anh Đào thi công đê tả Nghèn để phòng chống thiên tai, bảo vệ mùa màng.

Anh Nguyễn Văn Toán - cán bộ phụ trách thi công Công ty CP xây dựng công trình Anh Đào (thị xã Hồng Lĩnh) cho biết: “Đơn vị chúng tôi trúng thầu 1,3 km nâng cấp đê tả Nghèn ở xã Ích Hậu. Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành được trên 70% khối lượng và hiện đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ để xong trước mùa mưa lũ năm nay, góp phần đảm bảo an toàn mùa màng, ao hồ chăn nuôi cũng như các hoạt động sản xuất trong vùng”.

Lộc Hà chú trọng đầu tư hạ tầng, phục vụ sản xuất

Xã Hồng Lộc làm đường nội đồng phục vụ sản xuất sau tích tụ ruộng đất quy mô lớn.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Lê Hồng Cơ thông tin: Ngoài các tuyến đê lớn do cấp trên đầu tư, từ năm 2013 đến nay, Lộc Hà đã nâng cấp, kiên cố hóa được 154 km kênh mương tưới tiêu nội đồng (tỷ lệ kiên cố hóa hiện đạt 80%) và 150 km đường trục chính nội đồng (tỷ lệ kiên cố hóa hiện đạt 82%). Huyện cũng đã phối hợp với tỉnh triển khai xây dựng hệ thống kênh trục sông Nghèn với 5 trạm bơm và 68 km kênh mương tưới, tiêu trên địa bàn.

Ngoài ra, huyện cũng đã đầu tư nâng cấp, tu sửa 3 hồ chứa, 1 cống tạo nguồn, 36 trạm bơm điện và nhiều hạ tầng khác phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, cấp nước chủ động đạt 95%, diện tích tiêu chủ động đạt 94%.

Lộc Hà chú trọng đầu tư hạ tầng, phục vụ sản xuất

Bảo dưỡng trạm bơm chính ở thôn Phù Ích (xã Ích Hậu) để phục vụ tưới tiêu lúa hè thu.

Cùng với sản xuất nông nghiệp, hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản ở Lộc Hà cũng được quan tâm đầu tư. Theo đó, nhiều hệ thống điện, trạm điện, đê bao chính, kênh lấy nước chung, kênh tiêu thoát nước chung... ở Thạch Mỹ, Phù Lưu, Hộ Độ, Mai Phụ, Thạch Châu, thị trấn Lộc Hà đã được xây mới, nâng cấp.

Đặc biệt, Lộc Hà đã nâng cấp, quản lý, khai thác tốt 45 km đê sông, đê biển, bờ kè kéo dài từ Ích Hậu đến giáp huyện Nghi Xuân (có 21 km được xây dựng kiên cố từ năm 2013 đến nay do Trung ương, tỉnh đầu tư và huyện lồng ghép từ các chương trình, dự án) và 34 cống, tràn dưới đê. Qua đó, đảm bảo an toàn, phục vụ sản xuất cho 510 ha đất mặt nước (trong đó có 263 ha mặn lợ, còn lại nước ngọt), cho sản lượng nuôi trồng trên 3.400 tấn/năm.

Lộc Hà chú trọng đầu tư hạ tầng, phục vụ sản xuất

Các mỏ hàn mới được đầu tư xây dựng ở âu thuyền Thịnh Lộc để phục vụ neo đậu tàu thuyền và ngăn ngừa xói lở.

Ngoài ra, Lộc Hà cũng luôn quan tâm hạ tầng phục vụ đánh bắt và chế biến hải sản giúp đảm bảo thuận lợi cho sản xuất và thu hút đầu tư đa ngành nghề, trong đó trọng tâm là các ngành nghề chế biến thủy, hải sản, hậu cần nghề cá. Hiện nay, sản lượng đánh bắt trên địa bàn đạt khoảng 5.000 tấn/năm; sản lượng chế biến hải sản hằng năm 8.000 tấn (cấp đông), 1 triệu lít nước mắm, 1.000 tấn ruốc, hàng trăm tấn hải sản khô...

Ông Nguyễn Đức Dũng – Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lộc Hà thông tin: “Cùng với đảm bảo an toàn cho cảng cá, sửa chữa 2 âu thuyền (Thạch Kim và Thịnh Lộc) để đáp ứng yêu cầu neo đậu, tránh trú thiên tai, trung chuyển hải sản sau đánh bắt, huyện cũng đang đầu tư nâng cấp, lấp đầy cụm công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim. Ngoài ra, hiện nay huyện cũng đang tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm công nghiệp Thạch Bằng với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường với tổng mức đầu tư trên 71 tỷ đồng”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast