Lộc Hà hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất

(Baohatinh.vn) - Các địa phương ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) chú trọng đầu tư để cứng hóa, kéo dài hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng phục vụ tưới, tiêu cho các cánh đồng, góp phần mang đến những vụ mùa bội thu.

Lộc Hà hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất

Những tuyến kênh bê tông mang dòng nước mát về cho các cánh đồng ở Hồng Lộc.

Hệ thống kênh tưới chính Đầu Cầu (xã Hồng Lộc) là một trong những hạng mục quan trọng vừa được HĐND huyện Lộc Hà phê duyệt 15 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp. Bà con nông dân ở đây rất phấn khởi vì các loại hồ sơ, thủ tục liên quan đến tuyến kênh chính dài hơn 4 km này đang được gấp rút chuẩn bị để đầu tư xây dựng. Theo dự kiến, đến năm 2024, tuyến kênh chính này sẽ nâng cấp xong, đưa nước về cho hệ thống kênh phụ, phục vụ tưới cho toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã Hồng Lộc.

Ông Hồ Sỹ Liên – cán bộ khuyến nông xã Hồng Lộc cho biết: “Hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng của xã đang từng bước được đầu tư kiên cố, mở rộng từng năm (hiện đã có 25/40 km được cứng hóa) phục vụ cho gần 500 ha đất nông nghiệp của toàn xã. Sắp tới, việc đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương sẽ được gắn với mở rộng hệ thống đường nội đồng và công tác chuyển đổi ruộng đất lần 3 của xã. Riêng năm 2022 này, xã đăng ký làm 8 tuyến với tổng chiều dài 2,7 km để đảm bảo tưới, tiêu tốt hơn cho 92 ha”.

Lộc Hà hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất

Kênh chính Đầu Cầu (xã Hồng Lộc) bị sạt lở, xuống cấp vừa được HĐND huyện Lộc Hà phê duyệt kinh phí nâng cấp, sửa chữa.

Được đánh giá là xã có hệ thống kênh mương kiên cố và đồng bộ nhất huyện Lộc Hà, xã Ích Hậu vẫn không ngừng đầu tư nâng cấp, mở rộng để phục vụ sản xuất. Theo đó, toàn xã có hơn 31 km kênh mương thì đã có đến 27 km được cứng hóa, nối từ 11 trạm bơm của xã phủ kín nguồn nước cho 495 ha đất lúa trên địa bàn. Hiện, địa phương này đang gấp rút chuẩn bị vật liệu, mặt bằng, nhân lực… để giữa tháng 4 có xi măng hỗ trợ là tiến hành làm mới và sửa chữa thêm hơn 5 km.

Chủ tịch UBND xã Ích Hậu Nguyễn Xuân Quân cho biết: “Là xã trọng điểm sản xuất nông nghiệp nên việc đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh mương luôn được chúng tôi ưu tiên. Kinh phí xây dựng (khoảng 1,2 - 1,3 tỷ đồng/km) được thực hiện theo cơ chế tỉnh, huyện hỗ trợ xi măng và kinh phí với tổng mức khoảng 60%, địa phương 40% (trong đó người dân đóng góp khoảng 17%, còn lại ngân sách xã). Riêng năm nay, xã có kế hoạch cứng hóa 1 km kênh mương đất ở thôn Phù Ích và sửa chữa, nâng cấp 4 km kênh bê tông đã xuống cấp”.

Lộc Hà hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất

Tuyến mương kiên cố được đầu tư xây dựng hơn 1 năm đưa nước tưới từ trạm bơm Trầy Đập đến tận chân ruộng của thôn Phù Ích (xã Ích Hậu).

Theo kế hoạch, năm nay và năm 2023, huyện Lộc Hà sẽ bố trí hoàn toàn kinh phí để nâng cấp, xây mới các tuyến kênh mương chính, quan trọng, có chi phí đầu tư cao như: 4 km kênh tưới chính Đầu Cầu ở xã Hồng Lộc (15 tỷ đồng); 1 km kênh tiêu ở thôn Vĩnh Phong và thôn Yên Thọ của xã Hộ Độ (mức đầu tư 9 tỷ đồng, phục vụ cho 120 ha đất sản xuất nông nghiệp và 33 ha nuôi trồng thủy sản); 2 km kênh tiêu Đồng Đèm ở xã Thịnh Lộc (mức đầu tư gần 12 tỷ đồng, phục vụ cho 100 ha đất nông nghiệp); 1,5 km kênh tưới ở thôn Tân Phú của xã Thạch Mỹ (mức đầu tư 7,5 tỷ đồng, phục vụ 100 ha đất nông nghiệp); 1,4 km kênh tiêu úng Bình An (mức đầu tư 10 tỷ đồng, phục vụ cho 90 ha đất sản xuất).

Lộc Hà hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất

Nông dân thôn Tân Thượng (xã Tân Lộc) kiểm tra nước ở kênh chính để chuẩn bị đưa nước vào ruộng trong giai đoạn lúa đẻ nhánh.

Ngoài ra, để phục vụ sản xuất, năm 2022 này, các xã, thị trấn ở Lộc Hà cũng đã đăng ký làm gần 30 km kênh mương theo cơ chế “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”; trong đó các xã đăng ký nhiều là Ích Hậu (hơn 5 km), Thịnh Lộc (5,2 km), Bình An (3,5 km), Thạch Châu và Thạch Mỹ (3 km)… Khi hoàn thành thì hệ thống kênh mương mới này sẽ đảm bảo tưới, tiêu tốt hơn cho 1.075 ha đất nông nghiệp.

Lộc Hà hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất

Những dòng kênh kiên cố luôn đầy ắp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở xã Bình An.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Võ Tá Bình cho biết: “Để vừa phục vụ sản xuất vừa hoàn thành tiêu chí thủy lợi trong xây dựng NTM, 10 năm qua, huyện Lộc Hà đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để kiên cố hóa 208 km kênh mương nội đồng, nâng chiều dài kênh mương nội đồng được cứng hóa lên 232/278 km, đạt gần 84%. Nhờ vậy, diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, cấp nước chủ động tính chung cho các xã đạt 94,5%; diện tích được tiêu chủ động tính chung cho các xã đạt 94%. Qua đó, góp phần sản xuất phủ kín diện tích theo kế hoạch hằng năm và nâng cao năng suất, sản lượng cho các vụ mùa”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.