Video: Nạo vét kênh mương đảm bảo nguồn nước tưới cho lúa vụ xuân
Chiều 6/12, trên tuyến kênh chính N1 thuộc địa phận xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) do Trạm khai thác thủy lợi Bắc Hà quản lý, 23 công nhân phân chia thành từng tốp nạo vét bùn, cỏ dại những km kênh cuối cùng. Tất cả đang tập trung cao độ, phấn đấu hoàn thành trong vài ngày tới.
Công nhân Trạm khai thác thủy lợi Bắc Hà nạo vét những km kênh mương cuối cùng
Ông Nguyễn Văn Hải – Trạm trưởng Trạm khai thác thủy lợi Bắc Hà cho biết, trạm quản lý 3 hồ và 41km kênh mương chính. Để đảm bảo phục vụ khâu làm đất và tưới cho 2.000 ha lúa vụ xuân các xã phía Bắc Thạch Hà, từ đầu tháng 11 trạm đã triển khai gia cố lại những điểm bị sạt lở, “hàn khẩu” những đoạn kênh bị hư hỏng, xuống cấp.
Đến nay, trạm đã đạt hơn 70% khối lượng công việc, phấn đấu trong 3 ngày tới sẽ hoàn thành đảm bảo dẫn đủ nước phục vụ cho sản xuất vụ xuân.
Chỉ sau vài tháng, cỏ đã mục dày 2 bên bờ kênh làm cản trở dòng chảy
Tại Cụm khai thác thuỷ lợi Sông Rác 3 (phục vụ tưới cho huyện Kỳ Anh), những ngày này các công nhân cũng đang khẩn trương thực hiện nạo vét, dọn sạch cỏ trên bờ kênh.
Cụm khai thác thuỷ lợi Sông Rác 3 có 19 cán bộ, công nhân đảm nhiệm quản lý, khai thác hồ Sông Rác và 46km kênh tưới phục vụ cho 2.100 ha lúa của 11 xã thuộc huyện Kỳ Anh.
Công nhân Cụm khai thác thuỷ lợi Sông Rác 3 ra quân nạo vét kênh mương
“Do đặc thù các tuyến kênh dài, mặt cắt trơn nên trong quá trình nạo vét khá khó khăn, phải mất nhiều thời gian, nhân lực. Tuy nhiên, nhờ thời tiết khá thuận lợi, anh em chủ động công việc hằng ngày nên vào vụ sản xuất không bị động. Đến nay, đơn vị đã cơ bản hoàn thành việc nạo vét lòng kênh” - ông Cao Sỹ Dũng, Cụm phó Cụm khai thác thuỷ lợi Sông Rác 3 cho hay.
Do đặc thù các tuyến kênh độ dốc lớn nên trong quá trình nạo vét khá khó khăn, phải mất nhiều thời gian, nhân lực.
Một người làm, 1 người phải dùng dây neo giữ để bám bờ kênh
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý 33 hồ chứa, 5 đập dâng, 1 cống ngăn mặn giữ ngọt và 464 km kênh mương. Do lượng mưa trong các tháng 8, 9 và 10 năm 2021 cơ bản đạt cao so với trung bình nhiều năm nên mực nước và dung tích các hồ chứa trên địa bàn tỉnh hiện đạt thiết kế và cao tương đương cùng kỳ năm 2020.
Với dung tích của các hồ đập như hiện nay đảm bảo phục vụ tưới cho diện tích lúa thuộc các huyện phía Nam Hà Tĩnh.
Công nhân Cụm khai thác thuỷ lợi N579 nạo vét kênh mương
Ông Đặng Hoà Bình – Trưởng phòng Quản lý, khai thác Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết, với phương châm chủ động, đảm bảo tối đa nước tưới phục vụ sản xuất, từ đầu tháng 11, công ty đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuỳ vào thời điểm điều động lực lượng nạo vét các tuyến kênh chính, làm cỏ, dọn rác để khơi thông dòng chảy; gia cố lại những điểm bị sạt lở, bồi đắp; “hàn khẩu” những đoạn kênh bị xuống cấp; kiểm tra các cửa đóng mở của cống điều tiết, sửa chữa, nâng cấp các trạm bơm phục vụ làm đất và chuẩn bị cho gieo cấy sắp tới.
“Công ty đã phối kết hợp chặt chẽ với các địa phương, tổ chức, cá nhân dùng nước trong việc quản lý, vận hành, khai thác các công trình thủy lợi. Tổ chức họp hội đồng hệ thống, hội đồng liên kênh để thống nhất lịch tưới; làm việc với các đơn vị sử dụng nước để ký hợp đồng tưới nước phục vụ sản xuất nhằm tiết kiệm nước vụ xuân, dành nước cho vụ hè thu” – ông Bình cho hay.
“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” – khâu quan trọng đầu tiên trong sản xuất lúa đã được Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cho bà con nông dân có mùa vụ sản xuất thuận lợi.