Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh “thắng lớn” mục tiêu phát triển dư nợ

(Baohatinh.vn) - Với nhiều giải pháp hỗ trợ nguồn lực để người dân, doanh nghiệp đầu tư SXKD, phục hồi sau đại dịch, dư nợ toàn ngành ngân hàng ở Hà Tĩnh có những tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng năm 2022.

Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng dư nợ lớn kể từ đầu năm đến nay. Đến thời điểm này, tổng dư nợ của chi nhánh đạt trên 12.200 tỷ đồng (tăng trên 1.900 tỷ đồng so với cuối năm 2021) với 45.676 khách hàng còn dư nợ.

Điều đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng dư nợ của Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II hiện đã đạt trên 19% so với cuối năm 2021. Như vậy, chi nhánh đã vượt 6% so với kế hoạch chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tối thiểu đặt ra trong năm 2022 là đạt 13%.

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh “thắng lớn” mục tiêu phát triển dư nợ

Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II “đỡ đầu” nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Gia đình chị Võ Thị Tân, thôn Tây Trà (xã Hương Trà, Hương Khê) được Agribank Chi nhánh Hương Khê (thuộc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II) “đỡ đầu” để phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao đa lĩnh vực gồm: chăn nuôi lợn, gà khép kín và trồng dưa lưới trong nhà màng.

Chị Tân chia sẻ: “Năm 2015, khi khởi động mô hình chăn nuôi lợn liên kết quy mô lớn, gia đình tôi đã được Agribank tiếp vốn. Khi “thử sức” ở lĩnh vực chăn nuôi gà quy mô 1,2 vạn con/lứa, trồng dưa lưới trong nhà màng trên diện tích 2.000m2, chúng tôi tiếp tục được ngân hàng tạo điều kiện cho vay thêm. Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay, gia đình đã thu về lợi nhuận khoảng 800 triệu đồng/năm”.

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh “thắng lớn” mục tiêu phát triển dư nợ

9 tháng, dư nợ của ngành ngân hàng Hà Tĩnh tăng trưởng mạnh.

Bên cạnh kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, những tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh đã hướng tín dụng vào sản xuất - kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Nếu như ở lĩnh vực xuất khẩu, Vietcombank Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh đồng hành “rót vốn” cho các doanh nghiệp bao bì xuất khẩu ở Cụm Công nghiệp Đức Thọ phát triển quy mô thì ở mảng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chi nhánh này lại hỗ trợ nguồn lực cho hàng nghìn hộ dân, doanh nghiệp tại các làng nghề truyền thống như: làng Mộc Thái Yên (huyện Đức Thọ), làng Rèn Trung Lương (TX Hồng Lĩnh)… phát triển thương hiệu.

Ngoài nguồn vốn trung và dài hạn đầu tư cho những chiến lược dài hơi của cơ sở, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng đồng hành, hỗ trợ nguồn vốn lưu động để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động.

Kinh doanh mặt hàng xăng dầu, những tháng gần đây, Công ty CP Xây dựng Hồng Sơn phải đối mặt nhiều khó khăn. Thậm chí, có nhiều thời điểm, doanh nghiệp này rơi vào tình trạng càng bán ra nhiều càng lỗ do chiết khấu của đầu mối cho cửa hàng xăng dầu bán lẻ rất thấp.

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh “thắng lớn” mục tiêu phát triển dư nợ

Công ty CP Xây dựng Hồng Sơn được ngân hàng hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ông Dương Duy Liên - Giám đốc Công ty CP Xây dựng Hồng Sơn cho biết: “Có thời điểm chiết khấu 0 đồng, doanh nghiệp không đủ chi phí để trang trải hoạt động. Tuy vậy, kinh doanh xăng dầu là ngành nghề có điều kiện nên dù có lỗ chúng tôi cũng không được tự ý tạm ngừng hoạt động. Trong những thời điểm kinh tế khó khăn vừa qua, nguồn vốn vay từ ngân hàng chính là nguồn lực quan trọng để doanh nghiệp tiếp tục ổn định chuỗi kinh doanh. Được ngân hàng Sacombank Chi nhánh Hà Tĩnh tạo điều kiện cấp hạn mức cho vay hơn 10 tỷ đồng nên đơn vị có nguồn vốn lưu động để duy trì hoạt động thường xuyên”.

Công ty CP Xây dựng Hồng Sơn là 1 trong 1.300 khách hàng đang được Sacombank Chi nhánh Hà Tĩnh hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Chính - Giám đốc Sacombank Chi nhánh Hà Tĩnh cho hay: “9 tháng 2022, đồng hành cùng sự phát triển của nền kinh tế tỉnh nhà, chi nhánh đã triển khai các gói vay ưu đãi sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với hạn mức ưu đãi lên đến 10.000 tỷ đồng. Chi nhánh cũng áp dụng cho các khách hàng vay thuộc đối tượng ưu đãi lãi suất với dư nợ vay gần 60 tỷ đồng, đồng thời thực hiện giảm lãi suất cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 để hỗ trợ họ khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh. Dư nợ của chi nhánh đến thời điểm này đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với đầu năm 2022”.

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh “thắng lớn” mục tiêu phát triển dư nợ

Khách hàng đến làm thủ tục xin vay vốn tại Sacombank Chi nhánh Hà Tĩnh.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, 9 tháng năm 2022, tình hình sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp sôi động đã tạo lực đẩy cho dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn tăng trưởng mạnh mẽ. Đến 30/9/2022, dư nợ toàn địa bàn ước đạt 86.812 tỷ đồng, tăng 20,95% so với cuối năm 2021, cao hơn mục tiêu tăng trưởng dư nợ toàn ngành (15 - 17% so với cuối năm 2021). Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ở mức thấp và giảm so với các năm trước, cho thấy dù tăng trưởng dư nợ cao, song các ngân hàng vẫn kiểm soát tốt chất lượng tín dụng.

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh “thắng lớn” mục tiêu phát triển dư nợ

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast