Thắt chặt quản lý giá, mua sắm công - bước đột phá ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Với việc triển khai thẩm định giá Nhà nước đối với các gói mua sắm tài sản công từ 500 triệu đồng trở lên, Hà Tĩnh đang có bước đi đột phá trong quản lý nhằm thay đổi tư duy, trách nhiệm của các chủ đầu tư, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính và tiết kiệm NSNN.

Thay đổi tư duy lãnh đạo

Hàng loạt vụ việc trên toàn quốc và dư luận Hà Tĩnh hẳn vẫn đang còn rất “nóng” về sai phạm trong vụ án nâng khống giá thiết bị y tế, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại 5 bệnh viện tuyến huyện: Thạch Hà, Can Lộc, Hương Sơn, Đức Thọ, Nghi Xuân bị khởi tố vào năm 2021.

Thắt chặt quản lý giá, mua sắm công - bước đột phá ở Hà Tĩnh

Công ty CP Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể, từ tháng 8/2018 đến cuối năm 2019, bà Mai Thị Hoa - Giám đốc Công ty CP đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh đã thông đồng cùng các đối tượng, nâng khống giá máy giặt, máy sấy khoảng 500 triệu đồng lên đến gần 3 tỷ đồng/máy để bán cho các bệnh viện qua hình thức đấu thầu. Để nâng giá trót lọt, các đối tượng đã sử dụng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý, không có báo cáo thẩm định giá kèm theo đúng quy định. Sau đó, để được trúng thầu, đối tượng đã có hành vi thông thầu, nhờ hồ sơ pháp lý của các doanh nghiệp tại Hà Nội, nhờ người thân bạn bè dự thầu.

Sự việc cụ thể này đã gióng lên hồi chuông về những vụ việc đã và đang có nguy cơ xảy ra sai phạm rất lớn trong toàn xã hội về mua sắm tài sản công thông qua quy trình dịch vụ thẩm định giá, đấu thầu hình thức, gây thất thoát NSNN, giảm hiệu quả đầu tư, tạo gánh nặng xã hội và bất bình trong dư luận Nhân dân.

Thắt chặt quản lý giá, mua sắm công - bước đột phá ở Hà Tĩnh

Sở Tài chính là cơ quan được giao chủ trì Hội đồng thẩm định giá Nhà nước thường xuyên cấp tỉnh.

Xác định rõ sự cấp thiết trong thắt chặt quản lý giá và hoạt động đấu thầu mua sắm tài sản công, ngày 27/8/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 3052/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng thẩm định giá Nhà nước thường xuyên cấp tỉnh. Ngày 24/9/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải ban hành Quyết định số 39/2021/QĐ-UBND về việc sửa đổi một số điều theo Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 13/10/2017 của UBND tỉnh Hà Tĩnh trong Quy định quản lý Nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Theo đó, những gói thầu mua sắm tài sản Nhà nước có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên phải thực hiện thẩm định giá Nhà nước để làm căn cứ xây dựng dự toán và giá tối đa của các gói thầu. Với việc ban hành Quyết định số 39/2021/QĐ-UBND, Hà Tĩnh trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập Hội đồng thẩm định giá Nhà nước thường xuyên ở cấp tỉnh và cấp địa phương trong thực hiện nhiệm vụ thẩm định giá mua sắm tài sản công.

Thắt chặt quản lý giá, mua sắm công - bước đột phá ở Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Quốc Hương, Phó Giám đốc Sở Tài chính - Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá Nhà nước thường xuyên cấp tỉnh.

Trước đây, chỉ những dự án, gói thầu mua sắm lớn, UBND tỉnh mới thành lập Hội đồng thẩm định giá cấp tỉnh còn đại đa số là thực hiện các thủ tục mua sắm qua phương thức thẩm định giá của các doanh nghiệp; trong khi năng lực, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của nhiều đơn vị tư vấn thẩm định giá rất yếu nên chất lượng, qui trình pháp lý không đảm bảo, chưa nói đến những hành vi cố tình đẩy giá sai lệch tăng so với thị trường dẫn tới việc lập dự toán ở một số dự án thường cao hơn rất nhiều so với giá trị thực tế. Cùng với đó, quy trình đấu thầu của không ít đơn vị, địa phương chưa thực sự minh bạch, gây thất thoát và lãng phí NSNN.

Việc UBND tỉnh ban hành quy định thẩm định giá Nhà nước đối với tất cả các gói mua sắm công từ 500 triệu đồng trở lên là một bước đột phá, thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và là sự thay đổi trong tư duy quản lý nhà nước của lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan về công tác thẩm định giá nói riêng và quản lý Nhà nước về giá, mua sắm trên địa bàn tỉnh nói chung.

Ông Nguyễn Quốc Hương, Phó Giám đốc Sở Tài chính – Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá Nhà nước thường xuyên cấp tỉnh

Thay đổi nhận thức, cách làm, trách nhiệm

Không chỉ đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, việc triển khai thẩm định giá với các gói mua sắm tài sản công từ 500 triệu đồng trở lên còn góp phần thay đổi nhận thức, cách làm, trách nhiệm trong lập dự toán của các chủ đầu tư, phát huy vai trò, trọng trách và năng lực của các thành viên Hội đồng trong thẩm định giá Nhà nước giúp tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu những sai phạm trong mua sắm tài sản công.

Việc xảy ra tình trạng sau thẩm định giá dự toán giảm sâu, trách nhiệm trước hết thuộc về các chủ đầu tư, đơn vị mua sắm. Hiện nay, trước khi trình thẩm định giá Nhà nước thay vì trước đây phó thác cho đơn vị tư vấn lập dự toán và các doanh nghiệp tư vấn thẩm định giá, các chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm tiến hành khảo sát và tìm hiểu giá cả trị trường, tìm các nhà cung cấp có uy tín, có năng lực, giá cả cạnh tranh… khi trình giá dự kiến mua sắm tài sản.

Thắt chặt quản lý giá, mua sắm công - bước đột phá ở Hà Tĩnh

Hội đồng thẩm định giá Nhà nước thường xuyên cấp tỉnh phải có sự tham gia của tất cả các ngành liên quan nên phát huy được vai trò, trách nhiệm, phối hợp nhịp nhàng.

Theo Quyết định của UBND tỉnh, Hội đồng thẩm định giá Nhà nước thường xuyên cấp tỉnh phải có sự tham gia của tất cả các ngành liên quan, bao gồm: Tài chính, Tư pháp, Công an, Thanh tra… Xác định trách nhiệm trước Nhà nước, tuân thủ tuyệt đối pháp luật, trong thời gian qua, các thành viên của Hội đồng thẩm định giá đã phát huy vai trò, trách nhiệm, sự hiểu biết, sự phối hợp nhịp nhàng, đồng thuận của các các sở, ngành để làm tốt hơn hoạt động thẩm định giá Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê, từ sau Quyết định số 3052/QĐ-UBND (tháng 8/2021) đến nay, Hà Tĩnh đã thành lập 75 hội đồng thẩm định giá Nhà nước thường xuyên cấp tỉnh. Tổng giá trị tài sản mua sắm được các đơn vị (chủ đầu tư) đề xuất ước tính hơn 1.163 tỷ đồng. Sau thẩm định, tổng giá trị tài sản mua sắm được định giá còn 1.075 tỷ đồng. So với số tiền các đơn vị đề xuất, các hội đồng thẩm định giá Nhà nước đã tiết giảm dự toán cho NSNN khoảng 88 tỷ đồng (trên 8,5%). Các ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị có đề xuất thẩm định giá nhiều như: y tế, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường...

Thắt chặt quản lý giá, mua sắm công - bước đột phá ở Hà Tĩnh

Hoạt động thẩm định giá Nhà nước của Hội đồng thẩm định giá Nhà nước thường xuyên cấp tỉnh.

Phó Chánh Thanh tra Sở Tư pháp Nguyễn Thị Kim Lành - thành viên Hội đồng thẩm định giá Nhà nước thường xuyên cấp tỉnh cho hay: “Một số dự án sau khi Hội đồng thẩm định giá Nhà nước thường xuyên cấp tỉnh vào cuộc đã đưa mức dự toán được lập trước đó xuống rất thấp, có khi chỉ bằng một nửa dự toán ban đầu nhưng sau đó đấu thầu vẫn thành công. Có thể thấy, nếu như không được Nhà nước thẩm định giá thì không biết các dự án này sẽ gây thất thoát ngân sách lớn đến mức nào”.

Đơn cử một số dự án có kết quả thẩm định giá giảm sâu so với mức giá đề nghị của chủ đầu tư như: Thiết bị, phần mềm thuộc Dự án Tăng cường năng lực quan trắc môi trường và nâng cấp hệ thống nhận, truyền, quản lý dữ liệu quan trắc tự động, liên tục tỉnh Hà Tĩnh (Tài nguyên môi trường) giá trị thẩm định 38,557 tỷ/44,55 tỷ chủ đầu tư trình, giảm 14%; Mua sắm vật tư, hóa chất phục vụ thực hiện nhiệm vụ quan trắc và GS chất lượng môi trường (Tài nguyên môi trường) giá trị thẩm định 1,581 tỷ/1,994 tỷ chủ đầu tư trình, giảm 21%; Thuê mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (Thông tin và truyền thông) giá trị thẩm định 50,515 tỷ/ 61,786 tỷ chủ đầu tư trình, giảm 19%; Trang thiết bị Dự án Cung cấp thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh sử dụng vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc giá trị thẩm định 51,206 tỷ/ 68,044 tỷ chủ đầu tư trình, giảm 25%...

Đáng nói hơn, một số dự án đã đấu thầu thành công, sau thẩm định giá về mức thấp hơn rất nhiều nhưng đơn vị trúng thầu vẫn chấp nhận triển khai như: dự án mua sắm trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm quản lý đào tạo Trường Đại học Hà Tĩnh (giá trị trúng thầu hơn 14,2 tỷ đồng, giá trị thẩm định còn hơn 10,2 tỷ đồng, giảm so với giá đã trúng thầu gần 30%); Dự án mua sắm phần mềm giáo dục của Sở GD&ĐT (giá trị trúng thầu hơn 6,1 tỷ đồng nhưng giá trị thẩm định chỉ còn 3,6 tỷ đồng, giảm 41% so với giá trúng thầu)... Đơn cử đây là những dự án chưa lớn nhưng nếu không có bước “hậu kiểm” thẩm định giá Nhà nước thì riêng hai dự án này khẳng định Nhà nước đã thất thoát trên 6,5 tỷ đồng.

Thắt chặt quản lý giá, mua sắm công - bước đột phá ở Hà Tĩnh

Tăng cường hoạt động thẩm định giá Nhà nước, Hà Tĩnh đang thắt chặt quản lý giá và mua sắm công. Ảnh minh hoạ.

Với những kết quả bước đầu trong thời gian qua, Hà Tĩnh đang từng bước khẳng định vai trò và hiệu quả của công tác thẩm định giá Nhà nước, thắt chặt và làm lành mạnh hơn trong công tác quản lý tài chính. Tin tưởng rằng, bước đột phá trong công tác quản lý nhà nước về mua sắm tài sản công sẽ tạo tiền đề tiếp tục đổi mới về quản lý ngân sách, đầu tư của Hà Tĩnh trong thời gian tới; góp phần tích cực, thực hiện hiệu quả việc tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn.

Thời gian tới, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thực thi nhiệm vụ nhưng các thành viên trong Hội đồng thẩm định giá Nhà nước sẽ phát huy những thành quả, bài học, kinh nghiệm đã qua, nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ cùng với hàng loạt các giải pháp căn bản như xây dựng cơ sở dữ liệu về giá, ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa quy trình làm việc...

Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, chúng tôi tin tưởng rằng hoạt động thẩm định giá nhà nước ở địa phương sẽ tiếp tục là một trong những công cụ sắc bén và hiệu quả của công tác quan lý nhà nước về tài chính trên địa bàn tỉnh nhà.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Quốc Hương

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast