Để thuốc nội “lên ngôi”

(Baohatinh.vn) - Có không ít trường hợp, người dân tự “kê đơn, bốc thuốc” và nhất quyết chọn mua thuốc ngoại nhập chỉ vì “đắt xắt ra miếng”; hoặc bác sỹ kê thuốc nội, bệnh nhân lại nằng nặc đòi dùng thuốc ngoại, trong khi thuốc của Việt Nam rẻ hơn cả chục lần và đã được chứng minh tương đương về chất lượng…

Tâm lý “sính” ngoại

Sau khi đưa con trai 2 tuổi bị viêm hô hấp đi khám bệnh ở một phòng khám tư nhân, chị Nguyễn Thị Hà Lan (Can Lộc) yêu cầu nhân viên quầy thuốc trên địa bàn TP Hà Tĩnh bán đúng loại mà bác sĩ đã kê là Augmentin 500 và Enterogermina cho 5 ngày uống. Khi nhân viên bán thuốc đưa ra giá Augmentin (thuốc kháng sinh) gần 20.000 đồng/gói và Enterogermina (men vi sinh) khoảng 7.000 đồng/ống, tổng cộng gần 300.000 đồng thì chị Lan ngần ngừ. Thấy vậy, nhân viên bán hàng tư vấn chuyển sang thuốc nội với hoạt chất tương đương, nhưng giá chỉ bằng 1/3 thì chị Lan lắc đầu nguầy nguậy. “Mua thuốc ngoại cho yên tâm, không phải bỗng dưng mà nó… đắt” - chị Lan quả quyết. Cũng theo nhân viên bán hàng ở đây, lượng thuốc nội bán ra mỗi ngày chỉ chiếm khoảng 30–40% tổng số thuốc, chủ yếu là thuốc trị các bệnh thông thường, còn thuốc đặc trị thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Để thuốc nội “lên ngôi” ảnh 1

Để nâng cao tỉ lệ tiêu thụ sản phẩm trên "sân nhà", Công ty CP Dược phẩm Hà Tĩnh vừa chú trọng đầu tư chất lượng sản phẩm, vừa mở rộng thị trường thông qua tuyên truyền, mở hội thảo về thuốc.

Không chỉ ở hiệu thuốc, tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, nhiều bác sĩ cho biết, có khi họ kê thuốc nội, nhưng bệnh nhân hoặc người nhà một mực đòi dùng thuốc ngoại. Trường hợp của bệnh nhân Lê Hùng Phong (TP Hà Tĩnh) là một ví dụ. Anh Phong bị viêm chân lông dạng mủ nên vào trạm y tế xã để thăm khám, sau khi được bác sỹ kê đơn thuốc uống trong 3 ngày với giá 25.000 đồng thì anh Phong gãi đầu, gãi tai, đề nghị bác sĩ kê cho loại thuốc ngoại nào “đắt tiền một tý”. Vậy là, lẽ ra chỉ cần 25.000 đồng cho 1 lượt điều trị, anh Phong đã sẵn lòng chi gấp 5 lần.

Khảo sát thị trường dược phẩm trên địa bàn tỉnh, điểm chung mà chúng tôi nhận thấy là thuốc ngoại có giá cao hơn rất nhiều so với thuốc được sản xuất trong nước. Cụ thể, thuốc Savi Bromyst 100 mg với hoạt chất Acetylsalicylic do đơn vị Savipharm của Việt Nam sản xuất có giá 950 đồng/gói, trong khi Aspegic 100mg cũng có cùng hoạt chất trên do Sanofi của Pháp sản xuất 1.490 đồng/gói; thuốc Osarinol 300 mg, hoạt chất Allopurinol do LD Osaka Poliphar Thái Lan sản xuất giá 4.400 đồng/viên nhưng cũng loại thuốc này được sản xuất tại Domesco Việt Nam có giá 750 đồng/viên; Hadiclaxin do Công ty CP Dược Hà Tĩnh sản xuất giá 7.000 đồng/viên, trong khi thuốc ngoại được bán với giá 30.000 đồng/viên…

Trao đổi về vấn đề này, dược sĩ Trần Thái Sơn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Thuốc ngoại đắt hơn nhiều so với thuốc được sản xuất trong nước do thuế nhập khẩu, thương hiệu, chi phí vận chuyển… Trong khi đó, rất nhiều sản phẩm thuốc sản xuất trong nước đã được chứng minh tương đương sinh học (ngang bằng với thuốc ngoại cùng loại về hoạt chất, hàm lượng, đường dùng, dạng bào chế…) và đạt đầy đủ tiêu chuẩn GMP-WHO (thực hành sản xuất thuốc tốt), có giá trị chữa bệnh tương đương như thuốc sản xuất tại các nước khác. Thế nhưng, tình trạng chuộng thuốc ngoại, “bỏ bê” thuốc nội ở tỉnh ta vẫn tồn tại ngay trong một bộ phận cán bộ y tế và trong suy nghĩ của không ít người dân”.

Nâng cao vị thế thuốc nội

Ngoài chất lượng thuốc đã được chứng minh tương đương so với các sản phẩm ngoại nhập cùng loại, đáp ứng được sự cạnh tranh về giá, phù hợp với đời sống của người dân, thuốc Việt muốn xây dựng được vị thế trên thị trường còn cần có sự tác động của các ngành, đơn vị liên quan.

Thời gian qua, thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” do Bộ Y tế phát động, ngành Y tế Hà Tĩnh đã đạt một số kết quả bước đầu như tỷ lệ sử dụng thuốc nội ở bệnh viện các tuyến có tăng hàng năm, loại khỏi danh mục những thuốc nhập khẩu không cần thiết, tập trung nghiên cứu và sản xuất được nhiều loại thuốc có uy tín trên thị trường… Theo dược sĩ Lê Thị Xinh - chủ một quầy thuốc ở TP Hà Tĩnh: “Gần đây, người dân đã sử dụng thuốc nội thay cho thuốc ngoại, vì hiệu quả gần ngang nhau mà giá lại rẻ hơn 5-20%. Khi nhập hàng, chúng tôi cũng nhập nửa nọ, nửa kia, vì nhu cầu, điều kiện của mỗi khách hàng khác nhau. Rất mừng, gần đây, thuốc nội phong phú hơn nên cũng thu hút được sự chú ý của khách hàng, giúp họ có nhiều sự lựa chọn”.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa “chỗ đứng” của thuốc Việt trong tâm lý người sử dụng, ngành đã lên kế hoạch xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm tác động tới việc kê đơn của bác sĩ, làm giảm tỷ lệ tiền thuốc trong chi phí điều trị. Dược sĩ Trần Thái Sơn cho biết: “Thời gian tới, ngành tăng cường công tác chỉ đạo hội đồng thuốc và điều trị của các đơn vị nghiên cứu, lựa chọn, ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước. Đồng thời, mỗi bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trong quá trình thăm khám, kê đơn có trách nhiệm tư vấn, cung cấp các thông tin về thuốc sản xuất trong nước để giúp người bệnh nhận thức đầy đủ về chất lượng, giảm chi phí điều trị, hạn chế lạm dụng kê đơn thuốc ngoại đắt tiền…”.

Song song với đó, các doanh nghiệp sản xuất thuốc trên địa bàn tỉnh nên tiếp tục đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ mới, không ngừng phát triển hệ thống lưu thông, phân phối sản phẩm thuốc sản xuất trong nước để có thể cạnh tranh với thuốc nhập khẩu nhằm từng bước thay đổi nhận thức của người dân.

Dược sĩ Võ Đức Nhân - Phó Giám đốc Công ty CP Dược Hà Tĩnh chia sẻ: “Mặc dù, có trên 100 sản phẩm thuốc có mặt trên thị trường, nhưng tỷ lệ tiêu thụ tại Hà Tĩnh chỉ mới đạt hơn 10%. Để nâng cao tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm trên “sân nhà”, thời gian tới, công ty tập trung thực hiện 2 mũi tiến công: vừa đẩy mạnh sản xuất, nghiên cứu, chuyển giao KHKT, công trình khoa học để nâng cao chất lượng thuốc, vừa mở rộng thị trường, phát triển mạng lưới phân phối thông qua nhiều hình thức như tổ chức hội thảo giới thiệu thuốc, các đợt tư vấn, sử dụng thuốc…”.

Chủ đề Đình chỉ thuốc

Đọc thêm

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, danh mục thuốc đó còn nhiều bất cập, hạn chế, cho nên Bộ Y tế đang xây dựng quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của người tham gia BHYT.
“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.