Thuyền gỗ ba lá là phương tiện dễ đi lại trong thời điểm ngập lũ này
20h. Chúng tôi được anh Hồ Xuân Sinh (42 tuổi) trú xóm Ấp Tiến chở trên chiếc thuyền gỗ ba ván đi dọc một vòng quanh xã. Nhìn từ xa, cả xã chỉ một màu tối, còn nước vẫn đang cuồn cuộn chảy; thoảng hoặc đôi khi trên những nóc nhà lóe lên ngọn đèn dầu leo lét. 3 ngày ròng, dân Phương Mỹ gần như thức trắng để canh con nước bởi nó cứ lên xuống thất thường.
Họ đã ở suốt 3 ngày ngày trên chạn nhà hay những chiếc bè tạm
Khuơ mái chèo nhè nhẹ, anh Sinh đưa chúng tôi đến ngôi nhà của anh Nguyễn Văn Huỳnh (40 tuổi) trú thôn Ấp Tiến. Gia đình anh Huỳnh vừa dùng bữa cơm muộn bởi cả ngày nay vợ chồng anh chỉ loay hoay với việc đưa đàn gà lên chạn. Anh cho biết: “Năm nào cũng thế, trước mùa mưa lũ gia đình đã xay khoảng 50 kg gạo để dự trữ, muối hũ cà và một ít dưa để làm thực phẩm "đón" lũ. Ở đây tất cả các nhà đều có chạn, khi nước lũ lên thì nhanh chóng gác vật dụng lên, còn gia súc gia cầm thì cho lên các nhà phao được làm sẵn. Vậy mà cả 2 đợt lũ vừa qua, do nước lên quá nhanh nên trở tay không kịp. Ở vùng lũ này, nhà nào cũng có thuyền gỗ ba lá. Họ xem chiếc thuyền như vị cứu tinh”.
Bữa cơm muộn của gia đình anh Nguyễn Văn Huỳnh với "đặc sản" cà và dưa muối
Với người dân xã Phương Mỹ đặc sản trong những ngày bị nước cô lập là hũ cà, nhút mít và dưa muối. Chị Nguyễn Thị Hương (39 tuổi) đang ngồi trên chạn nhà, ngó xuống nói vọng: “3 ngày rồi toàn mỳ tôm với cơm cà, không có tý thịt hay rau quả nào. Cả nhà 5 người đều sinh hoạt trên cái chạn bé tý này đây”.
Cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng cả 2 trận lũ đã lấy đi tất cả trâu, bò, lợn gà, lúa và hoa màu. “Trôi hết rồi các chú ơi, chúng tôi làm nông thì trông vào hạt thóc, bắp ngô, nuôi con gà, con vịt giờ thì 2 trận lũ trôi hết rồi. Rồi đây, không biết làm sao mà sống, cứ vài năm lại lụt một lần thì làm gì cho lại đây…”, bà Nguyễn Thị Liêm (65 tuổi) bần thần bên chiếc bè nổi, nói.
Chờ nước rút không kịp, đôi vợ chồng trẻ đành đưa đứa con thơ đi gửi ở nhà cao hơn
Không chỉ có thiệt hại về tài sản, mà cuộc sống hàng nghìn hộ dân nơi đây gần một tháng nay đều bị đảo lộn hoàn toàn. Tội nhất là trẻ em phải nghỉ học dài ngày và luôn phải đối mặt với nguy cơ đuối nước.
Sự học không thể gián đoạn
22h. Thuyền chúng tôi đang nhẹ trôi trong màn đêm yên tĩnh bỗng giật mình với những tiếng kêu to: Nước rút mạnh rồi, dọn nhà thôi, nước rút rồi... Liền đó là loang loáng những ánh đèn dầu, tiếng xoong nồi, xô chậu, tiếng tát nước, cọ rửa.
Tranh thủ dọn dẹp trong đêm
Vừa cầm chiếc xô tát nước lên bờ tường, chị Nguyễn Thị Nguyệt (34 tuổi) nói: “Chờ mấy ngày rồi đấy, nước lũ xuống là phải dọn nhà ngay, chứ mai mốt nước rút hẳn, bùn non bao trùm cả nhà thì không thể dọn được đâu. Ở đây, cứ khi nước rút đến đâu là phải tranh thủ dọn dẹp, cọ rửa đến đó, có khuya hay mệt mấy cũng phải làm thôi, bởi mình sống giữa rốn lũ mà”.
Về lại tầng 2 trụ sở UBND xã khi đã sang ngày mới, nằm trên manh chiếu nhỏ, tôi cứ thao thức với bao suy nghĩ về cuộc sống của người dân nơi "rốn" lũ và câu nói của chị Nguyệt. Sống sót qua cơn lũ là một chuyện, nhưng ngày mai - khi nước lũ rút đi - chưa biết họ sẽ bắt đầu lại như thế nào?!.