Nguy cơ khủng hoảng từ vụ SVB phá sản

Silicon Valley Bank (SVB), một trong những ngân hàng lớn nhất Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ (tài sản khoảng 209 tỷ USD), đã tuyên bố phá sản.

Nguy cơ khủng hoảng từ vụ SVB phá sản

Khách hàng trước trụ sở của SVB

Động thái khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này và làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu khi hàng tỷ USD tiền gửi của nhiều công ty và nhà đầu tư “mắc kẹt”.

89% tiền gửi của SVB không có bảo hiểm

SVB sụp đổ sau khi khách hàng đổ xô tới rút tiền trong tuần này do lo lắng về tình trạng tài chính của ngân hàng. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ nhì trong lịch sử Mỹ, sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính. Giới chức điều hành ngân hàng bang California ngay lập tức đóng cửa SVB và chỉ định Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) là nơi nhận tiền bán các tài sản của SVB sau này.

Theo thông báo của FDIC, trụ sở chính cũng như toàn bộ chi nhánh của SVB sẽ được mở cửa lại vào ngày 13-3 và tất cả những khách hàng có bảo hiểm tiền gửi sẽ được rút hết số tiền của mình, chậm nhất là trong sáng hôm đó. Tuy nhiên, theo FDIC, tính tới cuối năm 2022, có tới 89% trong tổng số 175 tỷ USD tiền gửi ở SVB là không có bảo hiểm tiền gửi. Để giải quyết vấn đề này, FDIC cho biết sẽ tìm cách bán tài sản của SVB để sau này chi trả cổ tức cho những khách hàng không có bảo hiểm tiền gửi. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã gặp các nhà quản lý ngân hàng của Mỹ vào ngày 11-3 và bày tỏ “hoàn toàn tin tưởng” vào khả năng xử lý vụ sụp đổ của SVB.

SVB chủ yếu phục vụ giới nhân viên công nghệ và công ty khởi nghiệp. Nhiều công ty, như Roblox Corp chuyên sản xuất trò chơi điện tử hay Roku Inc chuyên sản xuất thiết bị xem video trực tuyến, cho biết đã gửi hàng trăm triệu USD ở SVB. Phần lớn tiền gửi của Roku Inc không có bảo hiểm, khiến giá cổ phiếu của công ty sụt giảm tới 10%.

Do sự sụp đổ của SVB, các chỉ số chứng khoán chính ở Wall Street như Dow Jones, S&P 500, Nasdaq Composite “bốc hơi” từ 1,3% - 1,8%. Thị trường chứng khoán châu Âu cũng khép phiên giao dịch trong xu hướng giảm điểm mạnh như FTSE 100 của Anh mất 1,7%; chỉ số CAC 40 của Pháp và chỉ số DAX của Đức cùng giảm 1,3%. Còn tại thị trường châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lao dốc 1,7%; chỉ số Composite Thượng Hải giảm 1,4%; chỉ số Hang Seng (Hong Kong) mất 3%.

“Bóng ma” khủng hoảng tài chính

Theo Reuters, các ngân hàng của Mỹ đã mất hơn 100 tỷ USD giá trị trên thị trường chứng khoán trong 2 ngày qua, trong khi các ngân hàng châu Âu mất thêm khoảng 50 tỷ USD. Các chi tiết cụ thể về sự sụp đổ đột ngột của SVB có thể bắt nguồn từ việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm 2022, gây khó khăn cho các điều kiện tài chính trong không gian khởi nghiệp mà ngân hàng này này đóng vai trò chính. Tỷ phú Bill Ackman, sáng lập và giám đốc điều hành của Pershing Square Capital Management, một công ty quản lý quỹ phòng hộ của Mỹ đã so sánh sự sụp đổ của SVB với “bear Stearns” - ngân hàng đầu tiên sụp đổ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.

Theo ông Vivek Ramaswamy, doanh nhân người Mỹ gốc Ấn ra tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 cho đảng Cộng hòa, nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là việc sử dụng các yếu tố xã hội để cho vay (thời đó khuyến khích quyền sở hữu nhà). Lịch sử có thể sẽ lặp lại vì Thung lũng Silicon cũng đi vào con đường như vậy. Trên Tờ Financial Times, nhà bình luận tài chính Mỹ Robert Armstrong cho rằng sự sụp đổ của SVB không phải là điềm báo cho một năm 2008 khác.

Nguy cơ lây lan sự phá sản trong hệ thống ngân hàng dường như bị hạn chế. Nhưng theo ông Armstrong, vào cuối mỗi chu kỳ tăng lãi suất của FED, sẽ có một giai đoạn mà mọi thứ trong hệ thống tài chính bắt đầu đổ vỡ. Những đổ vỡ này, dù nhỏ hay lớn, đều làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư và người tiêu dùng, làm tăng khả năng xảy ra suy thoái.

Theo SGGP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast