Theo ThS.BS Trần Thu Nguyệt - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, các loại gia vị chúng ta ăn hằng ngày và sử dụng trong mâm cỗ Tết có tác dụng làm thuốc. Dưới đây là một số thông tin rất thú vị về các loại gia vị.
ThS.BS Trần Thu Nguyệt - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
1. Hạt tiêu
Hạt tiêu từ lâu đã trở thành gia vị không thể thiếu trong món ăn hằng ngày và trong mâm cỗ ngày Tết.
Hạt tiêu có vai trò kháng khuẩn, giúp quá trình tiêu hóa tốt. Đặc biệt, hạt tiêu kích thích sự phân hủy của chất béo nhanh chóng nhờ vậy có tác dụng giảm cân.
2. Gừng
Trong ngày Tết, gừng là loại gia vị không những xuất hiện ở các món ăn mà còn là là món mứt nhâm nhi mời khách tới nhà.
Gừng được sử dụng khi chế biến các món như: cá kho, rang thịt gà, nấu canh cải. Gừng đóng vai trò là một vị thuốc quý có tác dụng chữa nhiều thể bệnh bởi khả năng kháng khuẩn và ngăn ngừa quá trình oxy hóa.
Gừng làm giảm buồn nôn ruột và dạ dày và cũng được chứng minh là có tác dụng chống viêm và các chứng cảm lạnh, cúm, ho, tăng cường hệ miễn dịch và chống oxy hóa mạnh mẽ.
Gừng không thể thiếu trong bếp ăn của mọi nhà và giúp giải độc nhanh trong trường hợp ngộ độc thực phẩm nhẹ. Trong trường hợp cấp bách chỉ cần giã vài lát gừng hoặc một muỗng bột gừng pha trong một cốc nước ấm rồi uống ngay.
Ngoài ra, theo một số nghiên cứu cho thấy gừng có tác dụng làm giảm đau và sưng đối với người bị viêm khớp, hạn chế chứng đau nửa đầu, cân bằng quá trình tiêu hóa, cải thiện tuần hoàn máu; hỗ trợ điều trị đối với các chứng đau khớp, buồn nôn, đái tháo đường, hen suyễn.
Gừng.
Ngoài làm gia vị, từ rất lâu, y học cổ truyền phương Đông đã dùng gừng để phòng và chữa cảm lạnh, bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh đường tiết niệu, thần kinh vận động...
3. Nghệ
Ngày Tết, nghệ thường được sử dụng để làm màu thực phẩm, tăng độ hấp dẫn trong các món ăn. Nghệ có tác dụng trung hòa tính acid trong dạ dày, giúp khí huyết lưu thông, giúp hỗ trợ giảm đau trong các chứng viêm khớp, hỗ trợ các tế bào gan khi phải làm việc quá sức, giúp làm lành da, lành vết loét.
Nghệ.
4. Húng quế
Húng quế (húng chó) là loại rau ăn kèm không thể thiếu trong món phở truyền thống. Húng quế chống lại sự hình thành của các tế bào gây ung thư có hại cho cơ thể. Một vài lá húng quế trong các món ăn giúp tăng cường hoạt động của bộ máy tiêu hóa, chống đầy bụng.
Húng quế.
5. Tỏi
Tỏi là gia vị hằng ngày quen thuộc của người Việt. Việc ăn tỏi hằng ngày giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim lên đến 76%, giảm nồng độ cholesterol và tác dụng như chất chống oxy hóa.
Tỏi chứa hàm lượng vitamin B1 khá cao, giúp tăng khả năng đề kháng của cơ thể. Hợp chất lưu huỳnh có trong tỏi giúp ngăn ngừa nguy cơ ung thư đặc biệt là ung thư đại tràng.
Tỏi.
6. Hành lá (hành ta)
Hầu như tất cả các món ăn trong bếp Việt ngày thường cũng như ngày Tết đều có thể sử dụng hành để xào, nấu, chiên, chưng, làm chả... từ những món ăn sống như salad, nộm, gỏi cho đến những món ăn chín…
Hành lá là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày. Hành lá vừa có hương vị hấp dẫn và vừa là chi tiết trang trí khiến màu sắc của món ăn trở nên bắt mắt, sinh động.
Không chỉ dùng chế biến món ăn, theo kinh nghiệm dân gian, hành lá có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe như trong bệnh cảm cúm, nhức đầu, tắc ruột do giun đũa, hành củ còn chữa long đờm...
Nhiều nghiên cứu còn cho thấy, hành lá giúp xương chắc khỏe, điều hòa lượng đường trong máu, thực phẩm thân thiện với tim mạch, chống viêm nhiễm, giúp tăng cường thị lực, tăng cường miễn dịch, trị đầy hơi cho trẻ…
Hành lá là gia vị không thể thiếu trong món bún, phở.
7. Hành tây
Hành tây thường được bào trong món nem, nộm, dưa góp, các món xào... Các hoạt chất sulfur trong hành tây có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn rất mạnh. Ăn hành tây còn làm giảm cholesterol trong máu, ổn định huyết áp, ngăn ngừa thiếu máu cơ tim, tốt cho người bị viêm khớp và bệnh gout.
Đặc biệt, chất fructo - oligosaccharides trong hành tây kích thích sự tăng trưởng của vi khuẩn có lợi ở ruột, giúp giảm nguy cơ phát triển khối u ở ruột kết.
Nhiều thử nghiệm lâm sàng cho thấy, hành tây có tác dụng hỗ trợ giảm cholesterol trong máu, giảm kết vón tiểu cầu và hình thành cục máu đông - nguyên nhân của nhồi máu cơ tim đột quỵ. Các nhà khoa học phát hiện ra trong hành tây có phytoncid - một chất diệt khuẩn dễ bị bay hơi, diệt được nấm và các vi trùng khác.
8. Cần tây
Cần tây có hương vị đặc biệt bởi có chất selinene và butyl phthalide. Cần tây chứa rất nhiều các vitamin và chất khoáng. Chất xơ trong rau cần tây làm gia tăng tính mẫn cảm của insulin giúp hạ đường huyết. Cần tây hỗ trợ bảo vệ tuyến tụy , ngừa xơ cứng mạch, tinh dầu có tính kháng khuẩn, kích thích tiêu hóa.
Cần tây đặc biệt có tác dụng hỗ trợ làm hạ huyết áp, giảm béo, kích thích tuyến thượng thận, giải nhiệt, lợi tiểu, thông mật, chống hoại huyết (chảy máu), kháng khuẩn, làm lành vết thương, hỗ trợ điều trị thấp khớp kể cả thống phong (gút), sỏi tiết niệu, các bệnh phổi, viêm miệng họng. Cần tây dùng ngâm chân, chữa nứt nẻ, gội đầu sạch gầu.
Nước ép cần tây phối hợp với nước ép cà chua có tác dụng kích thích thần kinh và bổ dưỡng cho cơ thể. Nếu súc miệng hằng ngày bằng nước ép rau cần tây thì có thể ngăn ngừa chứng lở loét miệng, viêm họng và khản tiếng.
Cần tây.
9. Bạc hà
Bạc hà có thể dùng cho vào trà để uống hoặc trộn các loại salat. Trong lá bạc hà chứa nhiều tinh dầu kháng sinh thực vật hỗ trợ bộ máy tiêu hóa, làm ấm bụng, chống nôn mửa chướng bụng khó tiêu. Khi thấy đầy bụng, chỉ cần dùng 5-10 lá bạc hà tươi thả vào cốc nước ấm rồi uống sẽ đỡ chướng bụng.
Bạc hà.
10. Rau thì là
Thì là là gia vị không thể thiếu khi chế biến món cá, mực, chả cá, chả mực... Thì là có chứa tinh dầu monoterpenes và một enzyme có tên là glutathione-S- transferase. Enzyme này trung hòa các gốc tự do. Các chất dầu có trong rau thì là giúp tăng nhu động ruột, tăng tiết các sắc tố mật và dịch tiêu hóa, chống đầy hơi, tránh ngộ độc thực phẩm và tốt cho tiêu hóa.
Rau thì là cho vào cá.
11. Tía tô
Tía tô thường được cho vào các món ốc, cua, cá hoặc món cháo giải cảm. Ngày Tết, bát canh riêu ốc, riêu cua với hương vị tía tô lan tỏa sẽ giúp bạn khỏi ngán những món ăn quá nhiều đạm.
Khi đầy bụng, có thể dùng lá tía tô tươi 50 gam giã lấy được cốt uống giúp giảm đau chướng bụng, ngộ độc cua cá.
Tía tô có vị cay, tính ấm, lá tía tô có tác dụng chữa cảm mạo, sốt, ho, làm ra mồ hôi và kích thích tiêu hóa; cành tía tô có tác dụng an thai; quả tía tô chữa ho, trừ đờm và hen suyễn.
Tía tô.
12. Rau răm
Rau răm có hương thơm đặc biệt, được sử dụng làm gia vị cho một số món ăn trứng vịt lộn, canh trai hến, muối dưa bắp cải... rau răm còn là vị thuốc chữa đau bụng, đầy hơi, nôn mửa, say nắng, khát nước. Dùng ngoài có thể chữa hắc lào, ghẻ lở, tê chân tay.
Rau răm.
13. Củ sả
Sả không chỉ là gia vị để chế biến món ăn mà còn là nguyên liệu để làm trà thảo mộc. Sả rất giàu vitamin và khoáng chất, chất chống ôxy hóa và đặc tính kháng khuẩn, đồng thời cũng làm giảm viêm trong cơ thể…
Lá sả chứa 0,4-0,8% tinh dầu dễ bay hơi, thành phần chính của thân cây sả chứa 75-85% hương thơm mùi chanh tự nhiên và các tinh chất đặc biệt khác. Củ sả chứa 1 – 2% tinh dầu màu vàng nhạt, thơm mùi chanh mà thành phần chủ yếu là citral (65 – 85%), geraniol (40%).
Sả có nhiều kali và giúp tăng sản xuất nước tiểu trong cơ thể. Điều này sẽ làm giảm huyết áp và tăng cường lưu thông máu. Theo một nghiên cứu, sả có hiệu quả trong việc giảm huyết áp.
Sả là một thành phần có trong công thức thảo dược có thể giúp giảm lo lắng và căng thẳng. Các đặc tính kháng khuẩn của sả giúp chống lại vi khuẩn streptococcus sanguinis, vi khuẩn gây sâu răng.