Khai thác "đất vàng" sai mục đích, chính quyền vẫn làm ngơ!

(Baohatinh.vn) - Sau hơn 5 năm được cấp đất, chủ đầu tư vẫn không triển khai thực hiện dự án. Chỉ đến khi bị “nhắc nhở”, ông Nguyễn Viết Tuấn (SN 1964, ở thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh) mới vội vàng thực hiện một số hạng mục mặt bằng và dùng khu đất này làm vốn góp để xây dựng các công trình không đúng với quy hoạch.

“Kịch bản” - bản vẽ thiết kế của dự án, bộ khung hình thành nên khu đất được cấp đã bị “đạo diễn” - chủ đầu tư thay đổi khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép. Thế nhưng, “phim” - nhà hàng vẫn được “công chiếu”, và khu đất vàng đã được khai thác sai mục đích ban đầu.

Thay đổi kịch bản

Năm 2007, UBND huyện Nghi Xuân cấp cho ông Nguyễn Viết Tuấn 5.650 m2 đất tại khối 1, thị trấn Xuân An để triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái khách sạn Phong Lan.

khai thac dat vang sai muc dich chinh quyen van lam ngo

Theo quy hoạch, đây là khách sạn 5 tầng nhưng thực tế chỉ là nhà ăn 2 tầng với các công trình phụ trợ giản đơn.

Đó là “mảnh đất vàng” ở vị trí giáp quốc lộ 1A và phía sau là sông Lam, rất thuận lợi cho thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm được cấp đất, chủ đầu tư vẫn chưa đưa vào sử dụng, dự án vẫn chưa triển khai hạng mục nào. Mãi đến tháng 12/2012, sau khi các cơ quan chức năng nhắc nhở, đôn đốc, chủ đầu tư mới hoàn thành việc san lấp mặt bằng, xây dựng tường rào, kè bờ chắn sóng phía sông Lam và làm nhà tạm để… “triển khai xây dựng công trình”.

khai thac dat vang sai muc dich chinh quyen van lam ngo

Đất cấp cho Dự án đầu tư xây dựng khu du kịch sinh thái khách sạn Phong Lan trở thành nhà hàng Gia Ân Huy.

Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ đây chỉ là động thái để giữ đất. Trên thực tế, các công trình dự án khu du lịch sinh thái như chủ đầu tư đã cam kết, hứa hẹn không thấy đâu. Có vẻ như ông Nguyễn Viết Tuấn biết rằng, nếu không tiếp tục triển khai các hoạt động trên đất thì sẽ bị thu hồi nên đã thực hiện một số hạng mục “chờ”. Điều đáng nói nữa là, do “tầm nhìn chiến lược và cơ hội”, nhận biết đây là khu đất vàng nên trong quá trình làm mặt bằng, ông Nguyễn Viết Tuấn đã “nhanh tay” bao chiếm thêm gần 1.000 m2 ra phía bờ sông Lam.

khai thac dat vang sai muc dich chinh quyen van lam ngo

Chủ đầu tư đã lấn chiếm thêm gần 1.000m2 ra phía bờ sông Lam.

Và, có vẻ như, những dự tính bao chiếm một khu đất tiềm năng của ông Nguyễn Viết Tuấn đã đúng khi vào tháng 5/2013, ông đã thực hiện việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất với Công ty TNHH Trường Đoán do ông Nguyễn Xuân Đoán làm Giám đốc. Cú “bắt tay đất - tiền” này mặc dù chưa thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn nhưng Công ty TNHH Trường Đoán đã sử dụng khu đất trên để xây dựng nhà hàng Gia Ân Huy. Điều đáng nói là, nhà hàng này được xây dựng hoàn toàn không có trong bản vẽ mặt bằng quy hoạch sử dụng đất của dự án du lịch sinh thái khách sạn Phong Lan.

Trên diện tích 1.148 m2 để xây dựng khách sạn 5 tầng theo bản vẽ của dự án nay mọc lên 1 nhà ăn 2 tầng, 3 nhà ăn 1 tầng với các công trình phụ trợ giản đơn, dàn trải. Có nghĩa là, kịch bản của dự án để hình thành nên khu đất vàng này đã bị “đạo diễn” thay đổi mà chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép. Nhiều người đặt câu hỏi, không biết bằng cách nào ông Nguyễn Viết Tuấn vẫn được “thâm canh” trên mảnh đất “màu mỡ” này? Và, khu nhà hàng đơn giản của Công ty TNHH Trường Đoán liệu có xứng với quy hoạch hoành tráng của dự án Phong Lan và tiềm năng của “khu đất vàng” bên bờ sông Lam?!

“Lãng quên” thực thi pháp luật?

Điều mà dư luận quan tâm nhất vẫn là những sai phạm nói trên diễn ra hàng chục năm trời nhưng các cấp, ngành liên quan vẫn chưa có phương án giải quyết thỏa đáng. Thậm chí, người dân xung quanh vùng quy hoạch đặt nghi vấn về sự “lãng quên” thực thi pháp luật của chính quyền huyện Nghi Xuân.

khai thac dat vang sai muc dich chinh quyen van lam ngo

Không chỉ lần chiếm, ông Tuấn còn đưa diện tích đất được cấp vào sử dụng sai mục đích

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai mươi bốn tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư”.

Đối chiếu với trường hợp này, việc ông Nguyễn Viết Tuấn không sử dụng đất (sau 5 năm) được giao, đất phải bị thu hồi. Tuy nhiên, mặc dù vào thời điểm tháng 12/2012, UBND huyện Nghi Xuân đã biết đến những sai phạm này nhưng vẫn không có biện pháp xử lý, không đề xuất việc thu hồi đất theo đúng quy định. Thậm chí, tại thời điểm đó, Phòng Tài nguyên - Môi trường phối hợp với UBND thị trấn Xuân An đã có cuộc làm việc với chủ đầu tư và thống nhất… không xử lý vi phạm!

Đặc biệt, hành vi lấn chiếm gần 1.000 m2 đất công của ông Nguyễn Viết Tuấn diễn ra trong quá trình san lấp mặt bằng có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến dòng chảy sông Lam và hành lang bảo vệ nguồn nước cũng chưa được UBND huyện Nghi Xuân xử lý dứt điểm. Mãi đến năm 2016, UBND huyện mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi lấn, chiếm đất đai. Nhưng, đối tượng điều chỉnh lúc này lại là Công ty TNHH Trường Đoán và mức phạt là… 8 triệu đồng!.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Tiến Anh, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Nghi Xuân cho biết: “Đúng là trong thời gian qua, UBND huyện Nghi Xuân chưa xử lý dứt điểm những sai phạm của cá nhân ông Nguyễn Viết Tuấn và dự án du lịch sinh thái khách sạn Phong Lan, lỗi một phần do các phòng chuyên môn không kiểm tra, tham mưu kịp thời. Hiện tại, các cấp, ngành đã kiểm tra, khảo sát và đang tìm phương án giải quyết. Tuy nhiên, đây ngày xưa là vùng đất sâu trũng, chủ đầu tư đã bồi đắp rất nhiều để mở nhà hàng. Vì thế, theo quan điểm của tôi, nên để Công ty TNHH Trường Đoán tiếp tục kinh doanh và xây dựng các hạng mục trên đất đã giao cho dự án Phong Lan”.

Về hướng xử lý những sai phạm, chiều 8/9, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân - Nguyễn Hải Nam cho rằng: Việc này HĐND tỉnh và các ngành liên quan đã kiểm tra, giám sát, huyện đang chờ phương án chỉ đạo giải quyết của tỉnh.

Lời kết

Sai phạm xảy ra đã nhiều năm, đến bây giờ UBND huyện Nghi Xuân - với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương vẫn đang chờ “chỉ đạo giải quyết” (!?). Một phương án hợp tình, hợp lý, bảo vệ được quyền lợi của các cá nhân, tổ chức có liên quan nhưng phải giữ nghiêm phép nước là đòi hỏi hết sức cấp thiết và khó khăn. Chỉ mong rằng, UBND huyện Nghi Xuân và các ngành liên quan có thái độ kiên quyết, đảm bảo pháp quyền được thực thi nhằm tạo niềm tin trong dư luận, giữ vững tình hình chính trị cơ sở.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast