Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

(Baohatinh.vn) - Một số người dân ở xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã bị cấm cản trái phép, thậm chí bị hành hung khi khai thác các loài nhuyễn thể tự nhiên ở khu vực bãi bồi ven Cửa Sót (thuộc địa phận xã Đỉnh Bàn). Sự việc chưa được giải quyết thấu đáo nên người dân viết đơn phản ánh lên Báo Hà Tĩnh.

Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

Ông Nguyễn Văn Báu chỉ khu vực bãi bồi ven Cửa Sót - nơi người dân đi khai thác nhuyễn thể bị cấm cản.

Báo Hà Tĩnh nhận được đơn thư của ông Nguyễn Văn Báu (SN 1966) ở thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn phản ánh việc bố con ông và một số người dân trên địa bàn bị gia đình anh Trần Văn Đạo (trú cùng thôn) cấm cản, hăm dọa khi đi lặn, cào nhuyễn thể 2 vỏ (hến, hàu, vẹm, dút…) ở khu vực bãi bồi ven Cửa Sót (thuộc địa phận xã Đỉnh Bàn). Thậm chí, bản thân ông Báu đã bị người thân nhà anh Đạo đánh do vào khu vực nói trên để lặn bắt vẹm.

Trong đơn, ông Nguyễn Văn Báu cho rằng: Khu vực mà anh Trần Văn Đạo đang chiếm dụng riêng là diện tích mặt nước được chính quyền địa phương (trước đây là xã Thạch Bàn, nay là xã Đỉnh Bàn) hợp đồng cho thuê trái thẩm quyền, đến năm 2019 thì xã buộc phải chấm dứt hợp đồng theo chỉ đạo của UBND huyện Thạch Hà. Do đó, anh Đạo không còn tư cách pháp nhân để sử dụng khu bãi bồi này, nên không được quyền độc chiếm để hưởng lợi.

Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

Bà Nguyễn Thị Vân (áo sọc đỏ) cho hay, bản thân cũng bị đẩy đuổi, cấm cản khi ra khai thác nhuyễn thể tại khu vực trước đây gia đình anh Trần Văn Đạo đã ký hợp đồng thuê với xã.

Ngoài phản ánh của ông Nguyễn Văn Báu, một số người dân thôn Tân Phong cũng bức xúc về việc gia đình anh Trần Văn Đạo cấm cản không cho người khác vào khai thác tại khu vực bãi bồi gần Cửa Sót. Bà Nguyễn Thị Vân ở thôn Tân Phong (xã Đỉnh Bàn) bức xúc: “Mẹ con tôi không có việc làm ổn định, cuộc sống khó khăn, chủ yếu dựa vào sông nước để mưu sinh qua ngày. Thế nhưng, khi ra đến bãi sông thì nhiều lần bị đẩy đuổi, chửi bới, thậm chí là xô xát”.

Em Hoàng Văn Tình (17 tuổi) ở cùng thôn Tân Phong cũng khẳng định: “Chúng em đi lặn vẹm, hàu tự nhiên ở khu vực này thường xuyên bị cản trở, đẩy đuổi. Có lần 2 mẹ con còn bị hành hung ngay tại khu vực khai thác”.

Theo phản ánh của người dân, hiện nay, ở thôn Tân Phong và vùng lân cận có khoảng 30 người thường xuyên hành nghề khai thác (chủ yếu là lặn) hàu, hến, vẹm và các loài hải sản khác. Mấy năm gần đây, nhiều người bị cấm cản khi khai thác vì bãi bồi đã bị chiếm dụng trái phép (trước đây xã đã ký hợp đồng trái thẩm quyền với một số cá nhân, trong đó có hộ anh Trần Văn Đạo, sau đó đã bị chấm dứt hợp đồng, nhưng vẫn tiếp tục chiếm dụng). Vì bị ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế nên khiến họ bức xúc.

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn cho biết: “Bà con phản ánh việc hộ anh Trần Văn Đạo đã hết hợp đồng với xã nhưng vẫn chiếm giữ một số diện tích mặt nước ở khu vực bãi bồi Cửa Sót dẫn đến xích mích, mâu thuẫn, va chạm là có thật. Về mặt pháp lý thì anh Trần Văn Đạo không có quyền làm như vậy nhưng xét về góc độ tình cảm thì cũng cần được chia sẻ vì trước đây gia đình anh Đạo đã bỏ kinh phí, công sức để sửa chữa, hiện đang bảo vệ khu vực này. Vì vậy, chúng tôi đã làm việc, trao đổi, vận động các bên liên quan cần giữ tình làng nghĩa xóm, chia sẻ hài hòa quyền lợi với nhau trước khi huyện, xã có hướng xử lý dứt điểm”.

Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

Danh sách thống kê của UBND xã Đỉnh Bàn về các hộ dân đề nghị cho thuê đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn cho biết thêm: “Trước đây, xã đã cho 77 hộ thuê đất trái thẩm quyền để nuôi trồng thủy sản. Đến năm 2019, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, xã đã ra ra thông báo chấm dứt hợp đồng trái thẩm quyền ký trước đây. Hiện tại, xã đã tiến hành rà soát trong số 77 hộ có: 24 trường hợp không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, 11 trường hợp thuộc quỹ đất công ích của xã, 1 trường hợp không có nhu cầu sử dụng. Chỉ còn lại 41 hộ đủ điều kiện để làm hồ sơ đề nghị huyện, tỉnh ký hợp đồng cho thuê đất nuôi trồng thủy sản.

Trong số 41 hộ này, có 19 hộ đã thành lập HTX Nuôi trồng thủy sản Đỉnh Bàn và đã được UBND tỉnh cho thuê đất; 12 hộ đã được huyện về trích đo để lập hồ sơ cho thuê đất, 4 trường hợp có hồ sơ gốc và có ranh giới bản đồ rõ ràng nên không cần phải trích đo. Hiện còn lại 6 trường hợp (trong đó có hộ anh Trần Văn Đạo) xã đang tiếp tục đề nghị huyện về đo để hoàn tất các thủ tục cho thuê đất theo quy định”.

Nói về nguyên nhân dẫn tới xô xát với ông Nguyễn Văn Báu, anh Trần Văn Đạo cho biết: “Trong thời gian chờ để làm thủ tục thuê đất với huyện, gia đình tôi vẫn tiến hành bảo vệ, khoanh nuôi. Tuy nhiên, từ trước tới giờ, gia đình vẫn để cho người dân khai thác gần bờ bãi bồi để đảm bảo sinh kế. Gia đình ông Báu cũng thường xuyên khai thác, nhưng gần đây họ đưa cả máy hút ra khai thác với quy mô lớn hơn, nên người nhà chúng tôi bức xúc, dẫn tới xô xát. Hơn nữa, hôm đó, do bận đưa em đi khám bệnh ở Hà Nội, tôi không có mặt ở nhà nên mới xảy ra sự việc trên…”.

Có thể khẳng định, việc cấm cản, hăm dọa, thậm chí là hành hung người dân khai thác nhuyễn thể tự nhiên ở khu vực bãi bồi ven Cửa Sót là sai trái, thậm chí là vi phạm pháp luật. Chính quyền xã chưa có biện pháp giải quyết thấu đáo để xảy ra tình trạng người dân mâu thuẫn, làm ảnh hưởng tới tình hình ANTT trên địa bàn.

Đề nghị xã Đỉnh Bàn và UBND huyện Thạch Hà cần phối hợp xử lý dứt điểm tình trạng này, tránh phát sinh những sự việc phức tạp hơn.

Chủ đề Gây rối - Trật tự - Phá hoại

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast