Tái diễn hàng loạt sai phạm tại mỏ đá Nam Giới

(Baohatinh.vn) - Hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực núi Nam Giới (xã Thạch Bàn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Dù đã có kết luận thanh tra của UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu chấm dứt các sai phạm, song đơn vị khai thác lại phớt lờ…

Nổ mìn tùy tiện, gây ô nhiễm môi trường

Kể từ khi đi vào khai thác mỏ đá trên núi Nam Giới đã gặp nhiều phản ứng từ nhân dân trong vùng. Bởi theo người dân địa phương, núi Nam Giới là địa danh nổi tiếng của Hà Tĩnh, nơi có di tích lịch sử Đền thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi. Bên cạnh đó, khu vực khai thác nằm sát lạch Cửa Sót, nơi có nhiều thuyền, bè của ngư dân hoạt động. Sau thời gian dài khai thác, mỏ đá đã để lại nhiều hệ lụy, bất cập.

Tái diễn hàng loạt sai phạm tại mỏ đá Nam Giới

Hoạt động khai thác đá tại khu vực núi Nam Giới ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân khu vực lân cận.

Ông Dư Xuân Bình - người dân thôn Giang Hà, xã Thạch Kim không giấu nổi sự bức xúc: "Đứng từ cảng cá Thạch Kim, có thể nhận thấy cảnh quan của núi Nam Giới bị tàn phá nghiêm trọng. Mặc dù mỏ đá không nằm trên địa phận xã Thạch Kim, song chỉ cách thôn chúng tôi hơn 500m. Do vậy, khi khai thác, gió biển mang bụi đá vào đất liền, gây ô nhiễm môi trường sống của người dân. Ngoài ra, việc nổ mìn thường xuyên trong khai thác cũng gây nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống chúng tôi".

Tái diễn hàng loạt sai phạm tại mỏ đá Nam Giới

Thuyền của ngư dân bị mắc cạn do hiện tượng bồi lắng lạch Cửa Sót.

Như đã đề cập, mỏ đá núi Nam Giới nằm sát lạch biển vào cảng cá Thạch Kim, việc khai thác khoáng sản được coi là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng bồi lắng tại đây. Đặc biệt, hoạt động nổ mìn còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân đánh bắt thủy sản hoặc lưu thông trong khu vực.

Ông Trương Công Vân (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) - một chủ tàu cá thường xuyên giao thương tại cảng Thạch Kim chia sẻ: "Khi lưu thông trên lạch để vào cảng cá, một số lần chúng tôi gặp cảnh nổ mìn khai thác đá. Mỗi lần như vậy, rất nhiều viên đá nhỏ bị bắn xuống biển và rơi lên thuyền. Mặc dù chưa có ngư dân bị thương nhưng đã làm hư hại đến phương tiện".

Phớt lờ kết luận thanh tra

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỏ đá núi Nam Giới được cấp phép cho Công ty CP Xây dựng I lần đầu vào năm 2008 với diện tích 7,3 ha. Đến tháng 4/2011, doanh nghiệp được cấp phép lần 2 và điều chỉnh tổng diện tích lên 14,3 ha với thời hạn 20 năm. Lần điều chỉnh cấp phép khai thác tháng 4/2014 đã rút ngắn thời gian khai thác xuống còn 15 năm, diện tích cho thuê đất là 7,3 ha. Theo đánh giá của Sở TN&MT Hà Tĩnh, trữ lượng khoáng sản của mỏ đá khoảng 5.095.621 m3.

Tái diễn hàng loạt sai phạm tại mỏ đá Nam Giới

Hoạt động khai thác trong mỏ đá.

Nói về ảnh hưởng của mỏ đá, ông Phạm Xuân Lộc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thạch Kim - huyện Lộc Hà cho biết, hoạt động khai thác đá ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của nhân dân. Ngoài việc bụi đá gây ô nhiễm môi trường, thực tế, trong 10 năm qua, đất đá trong quá trình khai thác đã tuồn xuống, gây cản trở, bồi lắng dòng chảy trên lạch Cửa Sót. Việc này đã được cử tri Lộc Hà, nhân dân xã Thạch Kim nhiều lần kiến nghị lên cấp trên.

Được biết, với những sai phạm và ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra hoạt động khai thác đá của Công ty CP Xây dựng I. Mới đây nhất, tại Kết luận thanh tra số 126/KL-UBND ngày 13/4/2018, doanh nghiệp khai thác đã có hàng loạt lỗi vi phạm nghiêm trọng như: Xây dựng, lắp đặt các hạng mục của khu gia công chế biến đá xây dựng (gồm nhà làm việc 2 tầng, nhà ăn, nhà ở công nhân, nhà bếp, căng tin, kho chứa xăng dầu, nhà bảo vệ, khu chăn nuôi gà, bể nước sạch, nhà trực bảo vệ, hồ nhân tạo và máy xay đá…) sai mặt bằng quy hoạch được phê duyệt. Tự ý san lấp, lấn chiếm đất để xây dựng các công trình phục vụ chế biến đá khai thác; khai thác trên diện tích mỏ chưa được cho thuê đất.

Nghiêm trọng nhất là doanh nghiệp không thực hiện các nghĩa vụ tài chính bắt buộc, trong đó, chưa ký quỹ môi trường với số tiền gần 1,4 tỷ đồng; chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoảng sản gần 1,7 tỷ đồng, chưa đóng thuế tài nguyên hơn 2,5 tỷ đồng, nợ phí bảo vệ môi trường gần 800 triệu đồng.

Ngoài ra, Kết luật 126 cũng nêu rõ, doanh nghiệp không thực hiện nội dung các văn bản Kết luận số 126/KL-UBND ngày 13/4/2018 và Văn bản số 718/UBND-CN1 ngày 28/2/2014 của UBND tỉnh về việc khắc phục những sai phạm trước đó.

Chủ đề Khai thác tài nguyên trái phép

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast