Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh góp ý Luật Giáo dục đại học (sửa đổi)

(Baohatinh.vn) - Chiều nay (12/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi). Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Trường Đại học Hà Tĩnh) tham gia nhiều ý kiến sát thực.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh góp ý Luật Giáo dục đại học (sửa đổi)

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ thảo luận tại hội trường Quốc hội

Đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo thẩm định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục của Ủy ban Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng. Để góp phần hoàn hiện văn bản Luật, đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực với các nội dung sau:

Về Hội đồng trường, hội đồng đại học

Dự thảo Luật 2018 quy định chi tiết, rõ ràng và minh bạch về chức năng, nhiệm vụ của hội đồng trường (HĐT) so với Luật 2012. Với quy định đó, các thành viên HĐT phải là người có năng lực chuyên môn cao, có uy tín khoa học, đào tạo, năng lực quản lý và điều hành. Đặc biệt, chủ tịch HĐT phải là người có uy tín, có khả năng điều hành cao, định hướng phát triển nhà trường.

Khoản 3 Điều 16 thành viên HĐT, dự thảo Luật quy định tối thiểu là 17 người, trong đó ngoài thành viên trong cơ sở giáo dục, các thành viên ngoài cơ sở giáo dục đại học gồm: ”Đại diện cộng đồng xã hội bao gồm các nhà lãnh đạo, quản lý uy tín; nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học uy tín, doanh nhân; đại diện cơ quan, tổ chức sử dụng lao động; đại diện cựu sinh viên” và “đại diện cơ quan quản lý có thẩm quyền”.

Quy định trên nhìn chung đã bao gồm đầy đủ các thành phần đại diện cộng đồng xã hội có liên quan, tuy nhiên, đại biểu đặt vấn đề: Thứ nhất, đại diện cựu sinh viên sẽ khó có thể thực hiện các nhiệm vụ của hội đồng trường tại Khoản 2, Điều 16, chưa kể để tăng hiệu lực thực hiện, những người này nếu được chọn vào hội đồng trường phải là người có học lực tốt, có uy tín và vị trí xã hội, những người này thường không có nhiều thời gian để quan tâm hay tham gia vào các hoạt động điều hành trường đại học. Tương tự đối với doanh nhân, thành phần doanh nhân được đưa vào hội đồng trường nhằm thỏa mãn mục tiêu tiêu đào tạo của các trường đại học là gắn với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đại biểu băn khoăn liệu một doanh nhân hay cựu sinh viên không liên quan đến trường đại học nhiều, lại tham gia quyết định các vấn đề quan trọng khác của nhà trường ví dụ như nhân sự thì có ổn không?

Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo luật không nên quy định mức tối thiểu là 17 người, có thể giao động trong mức từ 15 - 17 người và quy định rõ các thành viên trong cơ sở giáo dục đại học là thành phần bắt buộc, còn các thành viên ngoài cơ sở giáo dục chiếm từ 25% - 30% nhưng sẽ là “được chọn từ những thành phần sau:”, bởi các thành viên HĐT phải là người gắn liền với sự tồn tại và phát triển của trường đại học đó.

Thứ hai, vị trí chủ tịch HĐT, điểm a, Khoản 4, Điều 16 quy định: “chủ tịch HĐT không kiêm nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và các chức vụ quản lý do hiệu trưởng bổ nhiệm”; bên cạnh đó, tại điểm b, lại quy định quy định “chủ tịch HĐT có kinh nghiệm quản lý giáo dục”, vậy kinh nghiệm quản lý ở đây phải có tiêu chí gì? Nếu hiểu một cách cứng nhắc, kinh nghiệm quản lý là những người trưởng khoa trở lên, theo phương pháp loại trừ thì chủ tịch HĐT chỉ có thể là một cán bộ quản lý giáo dục về hưu có trình độ tiến sỹ trở lên.

Do vậy, đại biểu nhấn mạnh: Ban soạn thảo cần có sự cân nhắc, điều chỉnh lại yêu cầu đối với chức danh chủ tịch HĐT theo hướng mở hơn, có thể chọn được nhiều người hơn vào vị trí này và hoạt động của hội đồng trường phải có tính hiệu lực, chủ tịch HĐT phải là người có khả năng điều hành thực sự.

Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 35. Quy định: “Đào tạo trình độ đại học được thực hiện tương đương từ 3 đến 5 năm học tập trung liên tục tùy theo ngành đào tạo đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông”. Tuy nhiên, đối với ngành đại học Y thời gian đào tạo hiện nay đang là 6 năm. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu và xây dựng dự thảo luật bao trùm được các ngành đào tạo có liên quan.

Tại Điểm 4, Điều 52 quy định, “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học và yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình đào tạo”. Tuy nhiên, theo tinh thần tự chủ tại các trường đại học về nhân sự, tài chính tài sản và chương trình đào tạo (quy định tại điều 32) thì liệu quy định trên có phù hợp?

Thực tiễn đào tạo ở các trường đại học cho thấy, hầu hết tất cả các trường đại học phải đào tạo khối kiến thức đại cương, khối kiến thức ngành và chuyên ngành, trong đó có một số học phần bắt buộc các trường phải đưa vào chương trình đào tạo (hiện nay theo quy định của Bộ GD&ĐT có 10 tín chỉ bắt buộc trong các trường đại học). Rất nhiều ý kiến từ các giảng viên, sinh viên và các nhà tuyển dụng cho rằng các học phần đó là không cần thiết trong nhiều chương trình đào tạo.

Trách nhiệm của Nhà nước về phát triển KH&CN

Khoản 2, Điều 42: CP quy định về hoạt động KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học. Thực tiễn hoạt động ở các trường đại học cho thấy, một trong những quy định của Chính phủ liên quan đến KHCN trong các cơ sở giáo dục đại học là Nghị định 99/2014/NĐ-CP. Nghị định này quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KHCN trong các cơ sở giáo dục đại học, tại Điều 12, Khoản 5 và 6: “hàng năm dành tối thiểu 5% kinh phí từ nguồn thu hợp pháp của cơ sở giáo dục đại học để đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ ở cơ sở giáo dục đại học”, “dành tối thiểu 3% kinh phí từ nguồn thu học phí của cơ sở giáo dục đại học để cho sinh viên và người học hoạt động NCKH” . Việc quy định như trên rất khó thực hiện cho các trường đại học, đặc biệt đại học địa phương. Và theo kết quả kiểm định chất lượng giáo dục các trường đại học trong thời gian vừa qua, khó có trường đại học nào đạt được tiêu chí này.

Vì vậy, theo đại biểu một khi thực tiễn hiện tại chưa thể thực hiện được các quy định pháp luật thì các văn bản pháp Luật cũng nên thay đổi cho phù hợp, không nên quy định mức cứng như vậy, đại biểu đề xuất Nghị định trên chỉ nên quy định các trường có nhiệm vụ ưu tiên dành số kinh phí để bù đắp toàn bộ hoặc một phần số chi cho hoạt động KHCN.

Một vấn đề quan trọng là dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 32 điều, nhưng có đến hơn 20 điều giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định chi tiết các nội dung. Do đó, đại biểu băn khoăn tại sao nhiều vấn đề không quy định trong dự thảo Luật mà lại phải chờ quy định sau đến 20/32 điều? Như vậy, Luật này khi ban hành gần như chưa thực hiện được nếu như Chính phủ hay Bộ GD&ĐT chưa ban hành hướng dẫn chi tiết. Vì vậy, đề nghị bộ phận soạn thảo ngay từ khi soạn dự án Luật đã phải có sự lượng hóa, dự báo những vấn đề phát sinh chi tiết để quy định trong luật, để luật ban hành sớm đi vào cuộc sống, hạn chế việc phải chờ văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành.

Chủ đề ĐẠI HỌC HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast