Đòi hỏi phụ nữ “còn trinh” nhưng khi có xâm hại tình dục nhiều người lại im lặng

TS.Khuất Thu Hồng:

Xã hội đòi hỏi người phụ nữ phải giữ được tiết hạnh, ‘còn trinh’ đến khi kết hôn nhưng nếu xảy ra xâm hại tình dục thì nhiều người lại im lặng. Đây thực sự là một điều vô cùng khó hiểu, phi lý...

Đó là bức xúc của TS. Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội trong buổi tọa đàm "Xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng" vừa được tổ chức.

TS. Khuất Thu Hồng

Trước những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây, ba mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, bảo vệ quyền của người dễ bị tổn thương (RIM), bảo vệ và thúc đẩy quản trị tốt quyền trẻ em (CRG), và phòng ngừa bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái (GBVnet) đã có một cuộc tọa đàm bàn tròn mang tựa đề “Im lặng hay lên tiếng?!” để các tổ chức xã hội cảnh báo trước nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Trong cùng một thời điểm dịp 8/3/2017, ba vụ việc ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu đã tố giác về xâm hại tình dục trẻ em và gây ra những bức xúc rất lớn trên báo chí và mạng xã hội và cộng đồng.

TS. Hồng cho rằng, hễ cứ nói đến xâm hại tình dục, đặc biệt ở trẻ em thì dư luận lại sôi sục lên vì vấn đề quá nóng bỏng cần giải quyết ngay để đòi công lý cho người bị hại nhưng dường như nhiều vụ việc lại có dấu hiệu “chìm xuồng”. Và mặc dù, có những vụ xâm hại tình dục mà gia đình đã thu thập nhiều chứng cứ nhưng quá trình giải quyết của cơ quan chức năng vẫn chậm.

‘Nền văn hóa phương Đông rất ngại động chạm đến vấn đề tình dục. Xã hội đòi hỏi người phụ nữ phải giữ được tiết hạnh, ‘còn trinh’ đến khi kết hôn nhưng nếu xảy ra xâm hại tình dục thì nhiều người lại im lặng. Đây thực sự là một điều vô cùng khó hiểu, phi lý’ – TS. Hồng nói.

Lý giải điều này, TS. Hồng cho rằng, có vô vàn lý do khác nhau nhưng ngay cả bản thân người bị hại và gia đình của họ đã cảm thấy rất lo sợ nếu vụ việc phanh phui thì bị người đời dè bỉu, gia đình không có tương lai, thậm chí phải bán sinh kế đi nơi khác kiếm sống, danh tiếng bị hoan ố...

Bên cạnh đó, có một vấn đề vô cùng khó hiểu là mặc dù phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân bị xâm hại tình dục nhưng dường như xã hội vẫn luôn đổ lỗi cho phái yếu. Đâu đó vẫn có những lời bàn luận như "phải như thế nào thì mới bị hiếp dâm"; "ăn mặc hớ hênh"; "phụ nữ phải chịu trách nhiệm trước tiết hạnh của mình"… Chính điều này là rào cản, định kiến văn hóa khiến nhiều vụ loạn luân xảy ra nhưng họ vẫn giữ im lặng và coi đó là câu chuyện tế nhị, khó nói.

TS. Hồng cho rằng: "Luật hiện nay vẫn chưa đủ sức mạnh hoặc còn thiếu nên chưa giải quyết được câu chuyện dâm ô. Ở một số nước trên thế giới, chỉ cần có hành vi gợi ý, dụ dỗ trẻ xem tranh ảnh có nội dung sex là đã có thể bị trừng trị".

Bàn về vấn đề pháp luật, Luật sư Lê Văn Luân, chuyên gia về pháp luật hình sự - người đang giúp gia đình em bé ở Quận Hoàng Mai giải quyết vụ việc xâm hại tình dục cho rằng, luật pháp hiện nay đòi hỏi phải có dấu vết vật chất trong các vụ xâm hại tình dục nhưng trên thực tế không phải vụ việc nào cũng thu thập được chứng cứ rõ ràng. Nếu kẻ xấu chỉ có hành vi dâm ô, sờ soạng trẻ nhỏ… thì rất khó để lại dấu vết vật chất trên nạn nhân.

Trong khi đó, luật pháp nước ngoài chỉ rõ chỉ cần có hành vi gạ gẫm, dụ dỗ trẻ xem văn hóa phẩm đồi trụy, thậm chí gợi ý sex qua điện thoại là đều có thể cấu thành tội phạm. Luật sư Luân cho rằng, đây chính là khoảng trống trong pháp luật nước ta hiện nay trong việc bảo vệ trẻ em.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990.

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (nay là Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) cho thấy, mặc dù chỉ là phần nhỏ so với thực tế nhưng mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, thì số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%.

Thời gian gần đây, truyền thông và xã hội đã có rất nhiều phản ánh về tình trạng xâm hại trẻ em. Điều này khiến nhiều bậc cha mẹ lo âu là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đã không bị chặn đứng và có chiều hướng gia tăng.

Theo Dương Hải/SKĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói