Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, thúc đẩy sáng tạo trong dạy và học ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT đi vào thực tiễn đã mang đến “luồng gió” đổi mới, tạo bước chuyển mạnh mẽ của ngành giáo dục Hà Tĩnh.

Đến thời điểm hiện tại, phần lớn giáo viên ở các trường học trên địa bàn Hà Tĩnh đã thực hiện nhuần nhuyễn ứng dụng công nghệ thông tin khai thác tối đa hiệu quả của sách giáo khoa và các học liệu điện tử trong mỗi giờ học. Điều đó đã góp phần quan trọng trong việc triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Cô Phan Thị Thanh - giáo viên Trường Tiểu học Tượng Sơn (Thạch Hà) cho biết: “Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới một cách hiệu quả, nhuần nhuyễn, đòi hỏi bản thân mỗi giáo viên chúng tôi không ngừng nỗ lực học hỏi, đổi mới phương pháp dạy học. Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin, giáo viên phải là người tạo cảm hứng cho học sinh trong mỗi giờ lên lớp. Sự tương tác giữa cô, trò, giữa bạn học với nhau thông qua hoạt động nhóm sẽ tạo điều kiện để các em phát huy hiểu biết của mình đối với bài học”.

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, thúc đẩy sáng tạo trong dạy và học ở Hà Tĩnh

Sự tương tác giữa cô trò khiến những giờ học ở Trường Tiểu học Tượng Sơn (Thạch Hà) đã thực sự truyền cảm hứng tích cực cho học sinh.

Không phải bây giờ mà mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của người học theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện của ngành giáo dục Hà Tĩnh đã được các nhà trường chú trọng từ nhiều năm nay. Theo đó, các hình thức tổ chức dạy học được vận dụng linh hoạt một cách phong phú và đa dạng phù hợp với từng bậc học.

Ở bậc mầm non, các trường học đã triển khai hiệu quả các chuyên đề: “Phát triển vận động của trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non”; “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”; phương pháp STEAM, Montessri; “Xây dựng trường mầm non linh hoạt - xanh - an toàn - thân thiện”....

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, thúc đẩy sáng tạo trong dạy và học ở Hà Tĩnh

Phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm ở bậc mầm non giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn trong các hoạt động độc lập, hoạt động nhóm. (Ảnh chụp tại Trường Mầm non Thạch Sơn - Thạch Hà).

Ở bậc phổ thông, các nhà trường chú trọng phát triển chương trình gắn với vận dụng một số hình thức, phương pháp dạy học tiên tiến, tích hợp, đổi mới phương pháp dạy học tiếng Anh, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, đặc biệt là tăng cường thực hành thí nghiệm và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Từ đó, học sinh dần hình thành lối tư duy độc lập, phát huy tính sáng tạo, mở rộng môi trường giao lưu, học tập.

Em Nguyễn Phương Linh - học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Đức Thọ) chia sẻ: “Những giờ học kết nối đã trở nên cuốn hút, hấp dẫn hơn qua hoạt động tương tác với bạn bè trên khắp các vùng miền, nước ngoài qua ứng dụng công nghệ thông tin. Từ đó, giúp chúng em hiểu biết thêm nhiều kiến thức, có cơ hội quảng bá hình ảnh quê hương và rèn luyện kỹ năng giao tiếp với mọi người”.

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, thúc đẩy sáng tạo trong dạy và học ở Hà Tĩnh

Phong trào xây dựng trường học hạnh phúc giúp trẻ thêm yêu trường, yêu lớp, yêu cô giáo. (Ảnh chụp tại Trường Mầm non Thạch Hạ - TP Hà Tĩnh).

Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT đã tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà trong thời gian qua, tạo ra bước phát triển khá toàn diện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ đảm bảo; giáo dục phổ thông chất lượng đại trà, chất lượng mũi nhọn được nâng lên, khẳng định được vị thế trong cả nước; giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học có nhiều chuyển biến tích cực; giáo dục ngoài công lập phát triển về quy mô và chất lượng...

Qua đánh giá tại các nhà trường cho thấy: trẻ mầm non được phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách... tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm còn 3,2%. Thông qua các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, các câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp… học sinh phổ thông được quan tâm chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống; phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát triển năng khiếu và định hướng nghề nghiệp; năng lực ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống có những chuyển biến tích cực.

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, thúc đẩy sáng tạo trong dạy và học ở Hà Tĩnh

Việc xây dựng thư viện xanh, thư viện thân thiện khơi dậy phong trào đọc sách trong mỗi nhà trường.

Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình, tốt nghiệp đạt kết quả cao, việc phân luồng sau tốt nghiệp THCS có nhiều chuyển biến. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT hàng năm trên 98%; tỉnh Hà Tĩnh xếp thứ 9 trong cả nước về kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Bên cạnh việc củng cố và nâng cao chất lượng đại trà, giáo dục mũi nhọn Hà Tĩnh ngày khẳng định thương hiệu qua các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Hà Tĩnh vẫn luôn giữ vững vị trí là tỉnh nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng và số lượng học sinh tham gia dự thi đạt giải. Nhiều học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế và khu vực; đạt thành tích cao tại các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và những sân chơi trí tuệ khác.

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, thúc đẩy sáng tạo trong dạy và học ở Hà Tĩnh

Phong trào áp dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn đã khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của học sinh. (Ảnh:Dự án “Hệ thống khóa cửa thông minh” của học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng được lựa chọn tham gia cuộc thi cấp quốc gia năm học 2022-2023).

Trong 10 năm trở lại đây, Hà Tĩnh đẩy mạnh việc sắp xếp, hoàn thiện mạng lưới trường lớp, cơ sở giáo dục phù hợp với sự phát triển KT-XH vừa đảm bảo cân đối, hợp lý giữa quy mô và cơ cấu, giữa các vùng miền. Các địa phương chuyển 111 trường mầm non bán công sang công lập, thực hiện sáp nhập các trường phổ thông có quy mô nhỏ.

Năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 711 trường công lập thì đến nay còn 668 trường. Hệ thống giáo dục ngoài công lập được khuyến khích đầu tư mở rộng, đảm bảo thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục một cách hài hòa, phù hợp với lợi ích của người học, nguyện vọng của Nhân dân.

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, thúc đẩy sáng tạo trong dạy và học ở Hà Tĩnh

Giáo viên, học sinh Hà Tĩnh triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.

Với việc vận dụng linh hoạt các nguồn xã hội hóa, nguồn từ các dự án, nguồn xây dựng nông thôn mới và ngân sách của các địa phương, mỗi năm Hà Tĩnh đã huy động hàng trăm tỷ đồng đầu tư “thay áo mới” cho những mái trường.

Từ vùng núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang đến các huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà, Kỳ Anh…, phong trào xã hội hóa giáo dục để xây dựng và củng cố cơ sở vật chất dạy học được đẩy mạnh. Điều đó không chỉ nâng chất, tăng số lượng trường đạt chuẩn quốc gia mà còn tạo điều kiện thuận lợi, là động lực cho giáo viên và học sinh khắc phục khó khăn vươn lên dạy tốt, học tốt.

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, thúc đẩy sáng tạo trong dạy và học ở Hà Tĩnh

Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư đáp ứng nhu cầu dạy học trong tình hình mới.

Nhiều cán bộ, giáo viên tâm sự, đổi mới căn bản nhất đó là sự thay đổi trong suy nghĩ, trong đó, quan điểm “Giáo dục là quốc sách” đã thực sự được đặt lên hàng đầu. Điều này được thể hiện từ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân đối với ngành giáo dục và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường lớp.

Thầy Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh chia sẻ: Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện nghị quyết về đổi mới giáo dục ở Hà Tĩnh cho thấy phong trào thi đua học tập để nâng cao năng lực, trình độ, khơi dậy tâm huyết, niềm đam mê sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng trở nên sôi nổi, rộng khắp và hiệu quả. Luồng gió đổi mới giáo dục đã làm thay đổi tư duy, thúc đẩy sự sáng tạo của mỗi giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục. Đổi mới giáo dục cũng làm thay đổi thái độ, động cơ học tập của người học, hướng đến học thật, thi thật, học để có kiến thức, năng lực thực hành trong thực tế. Đó cũng là hành trang, động lực để Hà Tĩnh tự tin triển khai chương trình đổi mới giáo dục trong lộ trình tiếp theo.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.