Thúc đẩy đổi mới phương pháp giảng dạy từ cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Cuộc thi giáo viên giỏi các cấp cơ sở là đợt sinh hoạt chuyên môn quan trọng của ngành GD&ĐT Hà Tĩnh nhằm tìm kiếm các nhân tố điển hình cho cuộc thi cấp tỉnh, đồng thời tạo không khí đổi mới trong giảng dạy ở các nhà trường.

Giờ sinh hoạt lớp với chủ đề “Biết ơn chú bộ đội” của các em học sinh lớp 5B - Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) trở nên hấp dẫn bởi phương pháp đổi mới. Trong đó, giáo viên chủ nhiệm là người dẫn dắt, định hướng nội dung; học sinh, đặc biệt là đội ngũ ban cán sự lớp phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc nhận xét, đánh giá từng bạn trong tổ, trong lớp về những hoạt động học tập rèn luyện trong tuần.

Thúc đẩy đổi mới phương pháp giảng dạy từ cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở ở Hà Tĩnh

Giờ sinh hoạt của lớp 5B - Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) trở nên nhẹ nhàng, hấp dẫn, thông qua những trò chơi; các tổ trưởng khuyến khích các bạn trong tổ tự nhận xét những ưu điểm khuyết điểm trong tuần học.

Việc đánh giá cũng được các tổ, nhóm đổi mới linh hoạt một cách nhẹ nhàng thông qua các trò chơi. Qua đó, mỗi thành viên trong tổ tự nhận rõ những ưu điểm, khuyết điểm để tiếp tục đề ra phương hướng hoạt động trong tuần tới.

Em Nguyễn Bảo Ngọc - học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên cho biết: “Việc tự nhận xét khiến chúng em dũng cảm hơn khi nói về những hạn chế, từ đó có quyết tâm khắc phục và phát huy những ưu điểm đã đạt được”.

Thúc đẩy đổi mới phương pháp giảng dạy từ cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở ở Hà Tĩnh

Tại buổi sinh hoạt, học sinh ở các tổ thảo luận phương hướng nhiệm vụ tuần tới.

Hình thức sinh hoạt lớp theo chủ đề trong từng tháng đã trở thành một hoạt động hấp dẫn, cuốn hút học sinh. Trong tháng 12, chủ đề “Biết ơn chú bộ đội” đã được dẫn dắt qua những câu chuyện kể, những thước phim tư liệu, những câu hỏi gợi mở… Qua đó, giáo viên chủ nhiệm đã cung cấp cho học sinh về lịch sử ngày truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam, về những đóng góp, hy sinh của các anh hùng liệt sỹ cho độc lập tự do của dân tộc. Từ đó, giáo dục các em truyền thống yêu nước, lòng tự hào về quê hương và ý thức trách nhiệm của bản thân trong học tập, rèn luyện.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh - giáo viên Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên cho biết: “Giáo viên chủ nhiệm có vai trò hết sức quan trọng đối với học sinh tiểu học, bởi cô không chỉ là người hướng dẫn các em tiếp cận các kiến thức, mà còn góp phần giáo dục, rèn luyện các kỹ năng sống cho học sinh. Chính vì thế, cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi hết sức bổ ích với chúng tôi, bởi đây là cơ hội để chúng tôi học hỏi chia sẻ kinh nghiệm với mong muốn thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình”.

Những ngày này, giáo viên tại 28 trường mầm non ở huyện Thạch Hà cũng đang trong một không khí thi đua hưởng ứng cuộc thi giáo viên giỏi cấp trường. Với 2 phần thi: báo cáo sáng kiến kinh nghiệm và tiết dạy thực hành, cuộc thi đã tạo nên một đợt sinh hoạt chuyên môn sâu rộng, góp phần đưa chủ đề dạy học lấy trẻ làm trung tâm đi vào thực tiễn.

Thúc đẩy đổi mới phương pháp giảng dạy từ cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở ở Hà Tĩnh

Giáo viên Trường Mầm non Thạch Trị (Thạch Hà) báo cáo giải pháp thực hiện chủ đề dạy học lấy trẻ làm trung tâm tại cuộc thi giáo viên giỏi cấp trường.

Cô Lê Thị Thái Hà - chuyên viên mầm non Phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà thông tin: “Ngay từ đầu năm học, công tác chuẩn bị cho cuộc thi đã được các cô giáo hưởng ứng tích cực. Nét mới của Thạch Hà là ngoài đánh giá 2 phần thi theo hướng dẫn của ngành, chúng tôi còn kiểm tra việc thực hiện các sáng kiến của đội ngũ giáo viên khi áp dụng tại lớp học như hiệu quả của việc rèn luyện kỹ năng lễ giáo, thói quen sinh hoạt hằng ngày của bé… Như thế, tinh thần của cuộc thi, của chủ đề giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, tạo cơ hội, điều kiện để giúp trẻ chủ động học tập và phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất… mới thực sự phát huy hiệu quả”.

Thúc đẩy đổi mới phương pháp giảng dạy từ cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở ở Hà Tĩnh

Giờ dạy của giáo viên Trường Mầm non Thạch Khê (Thạch Hà).

Tại huyện Lộc Hà, các thầy cô giáo bậc THCS cũng đã có những trải nghiệm khó quên sau cuộc thi giáo viên giỏi THCS toàn huyện.

“Sau cuộc thi, địa phương sẽ lựa chọn những điển hình để tham gia cuộc thi cấp tỉnh diễn ra vào đầu năm tới. Thế nhưng, điều quan trọng đối với 90 giáo viên ở 7 trường THCS trên địa bàn khi tham gia cuộc thi là cơ hội được cọ xát, được giao lưu học hỏi và tích lũy những kinh nghiệm trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Từ đó, vận dụng linh hoạt đối với chương trình hiện hành và triển khai thực hiện tốt chương trình đổi mới”, thầy Phan Thanh Dân - Trưởng phòng GD&ĐT Lộc Hà nhận xét.

Thúc đẩy đổi mới phương pháp giảng dạy từ cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở ở Hà Tĩnh

Giáo viên Trường THCS Mỹ Châu (Lộc Hà) báo cáo giải pháp nâng cao chất lượng ôn thi chuyển cấp môn tiếng Anh cho học sinh lớp 9.

Từ những giờ dạy của các giáo viên bộ môn, những giờ sinh hoạt lớp của giáo viên chủ nhiệm cho thấy, quá trình chuẩn bị cho cuộc thi tại các trường rất chu đáo, nghiêm túc. Theo đánh giá của ban giám hiệu các nhà trường và ban tổ chức cuộc thi cấp huyện, nhiều tiết dạy được các giáo viên chuẩn bị công phu, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, ứng dụng công nghệ thông tin hợp lý, hiệu quả; tiến trình tổ chức bài dạy đã được phát huy đúng theo xu thế mới là “khởi động - khám phá kiến thức - luyện tập, thực hành - vận dụng”; giáo viên đã chú trọng đến việc phát triển phẩm chất và năng lực người học, gợi dẫn để học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức. Đó là tín hiệu vui của các nhà trường trong việc vận hành hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, thời gian qua, ngành đã có kế hoạch hướng dẫn cho các địa phương, nhà trường tổ chức cuộc thi từ cơ sở với tinh thần nhẹ nhàng, không ép buộc giáo viên. Đây được xem là đợt sinh hoạt chuyên môn sâu rộng nhằm phát hiện, công nhận, tôn vinh giáo viên giỏi, nhân rộng những điển hình tiên tiến, đồng thời tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, qua đó, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học.

Thầy Nguyễn Quốc Anh
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.