Đội tàu sân bay Mỹ sắp thăm Việt Nam uy lực cỡ nào?

Nhóm tác chiến tàu sân bay số 1 (CSG-1), với kỳ hạm là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson (CVN-70), sở hữu năng lực công thủ mạnh mẽ với nhiều máy bay chiến đấu hiện đại.

Là nhóm tác chiến tàu sân bay đầu tiên được thành lập sau Chiến tranh lạnh, CSG-1 gồm USS Carl Vinson (CVN-70), tuần dương hạm USS Lake Champlain (CG-57) và các khu trục hạm USS Michael Murphy (DDG-112), USS Wayne E. Meyer (DDG-108).

Được đặt theo tên của nghị sĩ Carl Vinson vì những đóng góp của ông này cho hải quân, USS Carl Vinson là 1 trong 10 tàu sân bay của Hải quân Mỹ, trực thuộc hạm đội 3 đóng tại San Diego, bang California (Mỹ).

"Đại bàng vàng" của hải quân Mỹ đã can dự vào hầu hết các cuộc xung đột quân sự và sự kiện đáng chú ý trên thế giới. USS Carl Vinson là nơi cuối cùng người ta nhìn thấy thi thể của trùm khủng bố Osama bin Laden trước khi y bị thủy táng theo "phong tục Hồi giáo".

Đối lập với bề dày chinh chiến của USS Carl Vinson, các tàu khu trục lớp Arleigh Burke như DDG-112 và DDG-108 chỉ mới được biên chế chưa tới 10 năm.

CSG-1 do USS Carl Vinson dẫn đầu đang tiến hành nhiệm vụ huấn luyện và tuần tra ở biển Philippines trước khi tiến vào Biển Đông và thăm thành phố Đà Nẵng của Việt Nam dự kiến từ ngày 5-3.

TTXVN cho biết được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam, đoàn tàu hải quân Hoa Kỳ gồm tàu sân bay USS CARL VINSON, tàu tuần dương USS LAKE CHAMPLAIN và tàu khu trục USS WAYNE E. MEYER sẽ thăm thành phố Đà Nẵng từ ngày 5 đến 9-3-2018.

USS Carl Vinson là một trong những tàu sân bay có thời gian phục vụ lâu nhất của Hải quân Mỹ, là tàu thứ 3 trong các siêu tàu sân bay thuộc lớp Nimitz. Được biên chế năm 1982, trải qua thời gian phục vụ hơn 20 năm, năm 2005 USS Carl Vinson được cho nghỉ ngơi, bắt đầu quá trình đại tu kéo dài 4 năm - Ảnh: Hải quân Mỹ

USS Carl Vinson, cùng với các tàu chiến khác, được xem là tài sản nổi di động của nước Mỹ. Con tàu trị giá 3,8 tỉ USD này có thể mang theo ít nhất 90 máy bay các loại. Trong chuyến thăm đến Philippines hồi tuần rồi, USS Carl Vinson mang theo khoảng 72 máy bay, gồm tiêm kích F/A-18 Super Hornet và Hornet, EA-18G Growlers, trực thăng Nighthawk, các máy bay giám sát, cảnh báo và chỉ huy trên không - Ảnh: REUTERS

Các máy bay của USS Carl Vinson khi được đưa lên boong. Khi tác chiến và huấn luyện, các máy bay sẽ được đưa xuống khoang, nhường chỗ trống trên đường băng - Ảnh: AP

Không kể các tiêm kích, vũ khí của USS Carl Vinson chỉ dừng lại ở mức phòng thủ tầm gần. Trách nhiệm được giao cho 3 hệ thống pháo Phalanx CIWS, 4 hệ thống phòng thủ tên lửa RIM-7 Sea Sparrow và RIM-116 RAM - Ảnh: Hải quân Mỹ

Với thủy thủ đoàn hơn 5.800 người, bao gồm các sĩ quan chỉ huy, vận hành vũ khí, USS Carl Vinson có hẳn một bệnh viện với nhiều giường, các phòng phẫu thuật và chụp X-quang ngay trên tàu. Phòng khám nha khoa trên tàu có thể tiếp nhận ít nhất 50 - 60 bênh nhân mỗi ngày - Ảnh: Hải quân Mỹ

Không phải tất cả máy bay có trong biên chế đều xuất hiện trên boong tàu USS Carl Vinson. Trong các trường hợp đặc biệt như bão và sóng lớn, các tiêm kích trị giá hàng triệu USD được đưa xuống khoang bên dưới bằng hệ thống thang máy đặc biệt. Trong ảnh là hoạt động nạp vũ khí cho tiêm kích trong khoang tàu sân bay - Ảnh: Hải quân Mỹ

Với đường băng cất và hạ cánh được thiết kế chéo góc có chiều dài ngắn (dưới 300m), hệ thống máy phóng điện từ trên boong cho phép các tiêm kích Mỹ tiết kiệm năng lượng mà vẫn đảm bảo mang theo tối đa tải trọng vũ khí. Trong ảnh là 2 chiếc tiêm kích F/A-18 cất cánh cùng lúc khỏi tàu sân bay USS Carl Vinson - Ảnh: Hải quân Mỹ

Siêu tàu sân bay hơn 100.000 tấn này còn có các nhà máy sửa chữa máy bay riêng ngay bên dưới boong tàu. Điều này cho phép kéo dài thời gian phục vụ và số lượng các loại máy bay sẵn sàng chiến đấu ngay trong thời gian đi biển. Trong ảnh là tàu USS Carl Vinson được tiếp liệu nhu yếu phẩm từ trực thăng ngay trên biển - Ảnh: Hải quân Mỹ

Ông Douglas Verissimo, hạm trưởng của USS Carl Vinson, tự hào nhấn mạnh "con tàu là một thành phố nổi thật sự" với chiều dài 333m, rộng 77m và lượng choán nước 103.000 tấn - Ảnh: Hải quân Mỹ

USS Carl Vinson (CVN-70) trong lần tập trận chung với Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản - Ảnh: REUTERS

Thông lệ đặt tên người cho tàu sân bay hạt nhân tiếp tục được duy trì trên các tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Được đặt theo tên của chuẩn đô đốc Wayne E. Meyer, USS Wayne E. Meyer (DDG-108) là một trong những tàu chiến mới nhất của Hải quân Mỹ với tuổi đời chỉ gần 10 năm - Ảnh: Hải quân Mỹ

Với lượng choán nước hơn 9.200 tấn, USS Wayne E. Meyer là một tàu chiến đa chức năng, vừa công vừa thủ trong đội hình tác chiến tàu sân bay Mỹ. Trái tim của USS Wayne E. Meyer và các khu trục hạm lớp Arleigh Burke nằm ở hệ thống chiến đấu Aegis, với các hệ thống rađa có thể theo dõi ít nhất 100 mục tiêu ở khoảng cách 190km - Ảnh: Hải quân Mỹ

USS Wayne E. Meyer là tàu được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis thứ 100 của Hải quân Mỹ. Ít ai biết chuẩn đô đốc Wayne E. Meyer chính là cha đẻ của hệ thống này. Con số 100 do vậy càng thêm ý nghĩa với tàu khu trục này - Ảnh: Hải quân Mỹ

Sức mạnh của USS Wayne E. Meyer nằm ở số lượng hàng trăm tên lửa các loại mà nó mang theo. Hàng chục ống phóng trong hệ thống phóng thẳng đứng Mk41 trước (32 ống) và sau (64 ống) có thể phóng đồng thời cùng lúc tên lửa hành trình, tên lửa phòng không hay tên lửa chống tàu ngầm - Ảnh: Hải quân Mỹ

USS Wayne E. Meyer có thể mang theo tối đa 2 trực thăng SH-60 Seahawk. Nhà chứa nằm ngay trước sàn đáp cuối boong tàu - Ảnh: Hải quân Mỹ

Tuần dương hạm là mảnh ghép cuối cùng của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ. USS Lake Champlain là 1 trong số 22 tuần dương hạm hiện còn hoạt động của Hải quân Mỹ với tuổi đời đã gần 30 năm. Trong ảnh: USS Lake Champlain dẫn đầu nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson - Ảnh: Hải quân Mỹ

USS Lake Champlain có chiều dài 173m, lượng choán nước gần 10.000 tấn. Khác với các khu trục hạm, các tuần dương hạm được đặt tên theo các trận chiến lớn có sự can dự của quân đội Mỹ. USS Lake Champlain được đặt trên theo trận chiến ở hồ Champlain trong Chiến tranh Anh - Mỹ 1812 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Là sản phẩm của Chiến tranh lạnh, các tuần dương hạm của Mỹ được vũ trang rất mạnh, đảm bảo san phẳng mục tiêu khi tập trung toàn bộ hỏa lực. Kích thước to lớn cho phép USS Lake Champlain mang theo nhiều tên lửa và ống phóng hơn USS Wayne E. Meyer. Trong ảnh: vị trí các hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng trên USS Lake Champlain - Ảnh: AP

Với 122 ống phóng, USS Lake Champlain có thể phóng đồng thời tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa phòng không SM-2 và SM-3, RIM-162 ESSM, tên lửa chống hạm Harpoon. Tàu cũng được trang bị các súng máy và hệ thống pháo phòng thủ tầm cực gần Phalanx - Ảnh: Hải quân Mỹ

Các nhiệm vụ đầu tiên của USS Lake Champlain diễn ra tại vùng Vịnh, khởi đầu bằng Chiến dịch Lá chắn sa mạc, tiếp nối sau đó là Chiến dịch bão sa mạc. Tháng 5-2017, con tàu va chạm với một tàu cá của Hàn Quốc trên vùng biển quốc tế nhưng rất may không có người bị thương, thiệt hại ở mức tối thiểu - Ảnh: Hải quân Mỹ

Các tàu sân bay Mỹ chạy bằng năng lượng hạt nhân chưa bao giờ cập cảng Việt Nam. Vậy nên, sự xuất hiện của cả nhóm tác chiến tàu sân bay số 1, bao gồm USS Carl Vinson, được báo chí nước ngoài đánh giá là sự hiện diện quân sự lớn chưa từng có của Mỹ tại Việt Nam kể từ sau năm 1975.

Trong một tuyên bố hôm 26-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Bắc Kinh không phản đối chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Đà Nẵng miễn là những hợp tác đó có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói