Đây là hệ thống thành lũy được xây dựng theo trục từ Tây sang Đông, đoạn qua địa phận xã Kỳ Lạc dài khoảng 10km. Khi phát hiện thành lũy còn khá nguyên vẹn dài 500m, kéo dài từ chân đèo Bụt lên tận đỉnh núi, một nhánh của dãy Hoành Sơn quan, hệ thống thành lũy này kéo dài qua các xã Kỳ Lạc, Kỳ Hoa, Kỳ Lâm và đến tận biên giới tỉnh Quảng Bình.
Lãnh đạo Sở VH-TT&DL, huyện Kỳ Anh trao bằng công nhận cho chính quyền và nhân dân xã Kỳ Lạc
Về kỹ thuật xây dựng thành, người xưa đã tận dụng địa thế hiểm trở núi non của dãy Hoành Sơn quan hùng vĩ với độ dốc thẳng đứng về hướng nam để xây thành, phía sau thành về phía Đông - Bắc là dãy Hoành Sơn quan, có đỉnh có độ cao hơn 1000m, phía trước thành về hướng Tây - Nam là thung lũng có độ dốc kéo dài theo triền núi đèo Bụt. Mặt trước thành hướng về phía Nam, toàn bộ hệ thống thành lũy được ghép cùng một loại đá bằng tự nhiên của cư dân bản địa, thường được gọi là đá son.
lũy đá cổ Kỳ Anh
Kích thước chiều cao thành là 6m, phía trên mặt thành rộng 3m, chân thành rộng 5m, ở mỗi đoạn thành cứ cách nhau khoảng 5m được trổ hỏa hiệu kiểu dạng hình phểu, mặt trước to mặt sau thu nhỏ lại, mặt trước có kích thước 1m, mặt sau 0.80m, có công dụng vừa thoát nước vừa quan sát để đánh trả kẻ địch khi công phá thành. Ở vị trí đặt hỏa hiệu hai bên có xây bậc cho quân sỹ lên xuống thành, đồng thời có địa điểm để tập kết quân sỹ được đào sâu dưới chân thành về phía Bắc gọi là Học đong quân, vị trí này có kích thước hình vuông mỗi chiều dài 9m.
Bước đầu nhận định lũy đá cổ Kỳ Anh được xây dựng và tu bổ thêm vào thời kỳ chiến tranh Trịnh Nguyễn, do nhà Trịnh xây dựng làm phòng tuyến quân sự đề phòng quân Nguyễn từ đàng trong đánh ra.