Nỗ lực thích nghi
Đầu năm 2023, vợ chồng anh Đỗ Minh Thảo (31 tuổi, ở Tam Nông, Phú Thọ) cùng sang Nhật lao động, nuôi giấc mơ thay đổi cuộc sống cho gia đình. Anh Thảo là thực tập sinh ngành xây dựng ở tỉnh Kanagawa, còn chị Quyên vợ anh làm trong ngành chế biến thực phẩm ở tỉnh Tochigi.
"Cưới nhau cuối năm 2021, đầu năm 2022 vợ chồng tôi quyết định đăng ký đi học tiếng Nhật để đi xuất khẩu lao động, chuẩn bị mãi, sang tới đầu năm nay mới được bay. Kinh tế chưa vững nên vợ chồng tôi tính sang “cày” mấy năm, kiếm chút vốn về làm ăn rồi mới sinh con. Không ngờ sang Nhật rồi mà tình hình năm nay lại khó khăn vậy", anh Thảo nói.
Đồng yên giảm giá không chỉ khiến vợ chồng anh Thảo gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc sống ở Nhật Bản mà còn “bào mòn” số tiền họ chắt chiu gửi về quê (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Hiện tại, thu nhập mỗi tháng của đôi vợ chồng trẻ rơi vào khoảng 16 man, tức gần 30 triệu đồng/tháng. Anh tính, sau khi trừ các chi phí sinh hoạt, hai vợ chồng có thể gửi về Việt Nam 30-40 triệu đồng/tháng và sẽ sớm trả hết số tiền nợ 400 triệu đồng vay ngân hàng để sang Nhật.
Tuy nhiên, mọi tính toán của anh Thảo đều đổ bể khi đồng yên Nhật liên tục mất giá. Khoản lương anh nhận được mỗi tháng giờ đây quy đổi ra tiền Việt chỉ khoảng 23 triệu đồng.
"Lương của hai vợ chồng tôi ngang nhau, cầm về tay mỗi tháng chỉ còn 13-14 man, tức khoảng 23 triệu đồng. Trừ chi phí sinh hoạt khoảng 6 man mỗi tháng, số còn lại vợ chồng tôi gửi hết về Việt Nam để gia đình trả nợ ngân hàng, đâu đó 30-35 triệu/tháng.
Tính ra thu nhập cả năm của hai vợ chồng bị hụt gần 100 triệu đồng so với tính toán ban đầu. Trong khi chi phí sinh hoạt ở Nhật đắt đỏ, giá cả mỗi lúc tăng cao, ngoài chợ bán 50.000 đồng 1 quả cà chua, rau đắt ngang thịt, cá. Những tưởng sang đây khoảng 1 năm sẽ trả hết nợ, nhưng có lẽ việc này sẽ kéo dài hơn", anh Thảo tâm sự.
Vợ chồng anh Thảo áp dụng biện pháp tiết kiệm, chắt chiu hơn, chỉ mua đồ giảm giá để gom tiền trả nợ nhanh nhất có thể (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Trong bối cảnh đồng yên chưa thể tăng giá trở lại, vợ chồng anh Thảo và các lao động Việt Nam ở Nhật Bản đang tìm cách thích nghi với hoàn cảnh khó khăn hiện tại.
Ngoài những khoản bắt buộc phải chi tiêu như tiền thuê nhà, ăn uống... vợ chồng anh bảo nhau tiết kiệm hết mức có thể. Thu nhập hàng tháng cao hay thấp cũng chỉ tiêu trong số tiền đã định hoặc ít hơn.
"Đồng tiền mất giá thế này, đi làm kể ra cũng tiếc công, nhưng đã xác định xa quê hương sang đây kiếm tiền thì ai cũng như ai, đều phải cố gắng thích nghi. Ngay từ khi dự định sang đây, vợ chồng tôi bảo nhau cố gắng bám trụ 5-6 năm kiếm chút vốn rồi mới về", anh Thảo chia sẻ.
Biến động tiền tệ tác động đến quyết định của người lao động
Sang Nhật Bản làm việc trong ngành thực phẩm đã được 5 năm, anh Hoàng Tiến Mạnh (28 tuổi, quê Đông Anh, Hà Nội) cho biết, thời điểm này người lao động Việt gặp nhiều khó khăn tại nước bạn do đồng tiền bản địa rớt giá.
Hiện, lương tháng của chàng trai trẻ được 200.000 yên, quy đổi ra tiền Việt khoảng 33 triệu đồng. Số tiền này thấp hơn gần 10 triệu đồng so với thời điểm anh Mạnh mới sang Nhật.
Khi đồng yên mất giá, anh Mạnh đã tự điều chỉnh mức chi tiêu của bản thân bằng việc ở nhà thay vì đi chơi, mua sắm mỗi ngày nghỉ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"5 năm trước, 1 yên Nhật đổi được hơn 200 đồng tiền Việt, nay chỉ khoảng 163 đồng, giảm khoảng 30% giá trị. Càng đi làm, đồng yên càng giảm, thu nhập tại Nhật giờ không khác Việt Nam là mấy vì phải bù trừ chi phí sinh hoạt rất cao", anh Mạnh thở dài.
Anh chia sẻ: "Vào ngày nghỉ, tôi xin đi làm thêm để có tiền trang trải sinh hoạt, xem như bù khoản tiền mất giá. Hà tiện quá thì rất khổ, tôi thấy phải ăn uống đảm bảo mới có sức đi làm".
Theo anh Mạnh, chi phí ăn uống, tiền sinh hoạt mỗi tháng anh hết khoảng 50.000 yên (khoảng 8 triệu đồng). Để tiết kiệm, giờ đây, thay vì đi chơi, thăm bạn bè, nam thanh niên lựa chọn ở nhà vào ngày nghỉ, hạn chế mua sắm quần áo, đồ dùng.
"Sau khi gửi tiền về trả hết nợ, 2 năm nay tôi chia đôi thu nhập, một nửa giữ lại trong tài khoản, nửa còn lại gửi tiền Nhật về nhờ bố mẹ giữ giúp, cần lắm mới bán. Thời điểm này chẳng may nhà có việc, tiền đổi ra giảm đáng kể nên cũng tiếc.
Giờ tôi chỉ đi siêu thị khi có giảm giá, đồ gia dụng cũng dùng đồ cũ. Tôi còn vừa tạm nghỉ ở đội bóng vì mỗi buổi chơi cũng mất kha khá tiền", anh Mạnh nói, không có cách nào đối phó với việc đồng yên mất giá ngoài tiết kiệm.
Mấy tháng qua, anh Mạnh (số áo 32) nghỉ chơi thể thao để tiết kiệm chi phí (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Theo anh Mạnh, đồng yên xuống thấp ảnh hưởng nhiều đến quyết định của người lao động, người muốn về nước, người cố ở lại ít năm kiếm thêm chút vốn. Bản thân anh xác định làm hết hợp đồng năm nay rồi tính tiếp.
"Tôi chưa tính chuyện về nước bởi giờ về chưa biết sẽ làm gì, ở bên này tuy đồng yên mất giá nhưng so với mức thu nhập ở Việt Nam vẫn để ra được nhiều. Thời gian rảnh, tôi đang học thêm ngành điều dưỡng, hi vọng sau khi học xong có thể xin được việc ở ngành này và thu nhập sẽ ổn hơn", anh Mạnh bộc bạch.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có hơn 370.000 thực tập sinh Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Tính đến hết tháng 9/2023, cả nước đưa được 111.507 lao động ra nước ngoài làm việc. Trong đó, riêng thị trường Nhật Bản có khoảng 55.690 người. |