Trao đổi bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, việc đầu tư hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế xã hội là ưu tiên hàng đầu, rất cần thiết. Song cần tính toán đến khả năng bố trí nguồn vốn cho dự án này.
Dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ được trình ra kỳ họp thứ 3 để xin ý kiến của Quốc hội |
Theo tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng chiều dài tuyến cao tốc Bắc - Nam khoảng hơn 2.100 km, chạy qua 32 tỉnh thành phố được và đầu tư theo 3 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2017 đến 2020, dự kiến đầu tư khoảng hơn 650 km, chia thành 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh thành. Giai đoạn hai (2021-2025): Chính phủ đề xuất đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang, nâng cấp, đưa vào sử dụng đoạn La Sơn - Túy Loan từ 2 lên 4 làn xe.
Giai đoạn sau năm 2025: đầu tư, khai thác đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau. Hai giai đoạn này sẽ đầu tư thêm hơn 700 km cao tốc. Nguồn vốn thực hiện dự án được nêu tại tờ trình là từ nguồn vốn Nhà nước và nguồn vốn do nhà đầu tư huy động.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị cho rằng: Việc đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam là cần thiết để phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng- an ninh, nhất là trong điều kiện hạ tầng giao thông của nước ta còn yếu kém.
Song, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị, đầu tư phải đồng bộ, thống nhất, có quy hoạch và tầm nhìn dài hạn chứ không đầu tư theo kiểu chắp vá, manh mún: "Đầu tư được đến đâu, chưa đầu tư được cả tuyến thì phải làm từng đoạn một, phải làm từ 8 đến 10 làn. Lúc này việc đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế xã hội là ưu tiên hàng đầu rất cần thiết. Nếu chúng ta làm tốt, làm đúng định hướng, làm bài bản, quy mô lớn như các nước Trung Quốc, Thái Lan… thì hy vọng cao tốc Bắc Nam này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cũng như kêu gọi thu hút đầu tư cũng như tạo cú hích cho phát triển kinh tế xã hội sắp tới".
Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn thành phố Hồ Chí Minh, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp thì cần xác định khu vực ưu tiên đầu tư để triển khai dự án cao tốc Bắc- Nam nhằm tạo nguồn thu ngân sách mới, bù đắp tiếp để tái đầu tư. Đồng thời, ở những địa phương có đường cao tốc đi qua, khi con đường được hoàn thành sẽ có tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương đó.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích: "Người ta thường hay nói nếu mà lộ thông thì tài chính sẽ thông vì đi liền đó sẽ tiết kiệm được chi phí xã hội, chi phí vận chuyển, giao thông hàng hóa sẽ phát triển nên sẽ tạo điều kiện để phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, điều này cũng làm giảm đi các trường hợp quy hoạch treo. Đó là định làm con đường đó thì mình treo rồi. Trong quá trình treo dự án thì việc xây dựng, sửa chữa, lãng phí đất đai rất nhiều cho nên khi làm sẽ tạo ra sức bật mới cho việc tăng trưởng."./.