Ông Lê Xuân Từ - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 21 cụm công nghiệp (CCN) được thành lập, quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 544,68 ha. Trong số 10 CCN do doanh nghiệp (DN) làm chủ đầu tư có 5 CCN đã cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được phê duyệt và đi vào hoạt động; 11 CCN do Nhà nước làm chủ đầu tư có những khó khăn nhất định về nguồn vốn nên nhìn chung nhiều CCN chưa hoàn thành đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật theo dự án. Đến nay, các CCN trên địa bàn đã thu hút khoảng 330 dự án, cơ sở đăng ký SXKD với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy các CCN đạt 58,32%”.

Thời gian qua, Nhà nước đã triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào các CCN và tỉnh Hà Tĩnh có chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo Nghị quyết số 96/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 về một số chính sách hỗ trợ và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025. Tuy vậy, nhìn chung tỷ lệ lấp đầy CCN trên địa bàn Hà Tĩnh trong những năm gần đây còn chậm (cuối năm 2023, tỷ lệ lấp đầy các CCN là 49,98%, cuối năm 2024 là 55,56% - PV) và việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các CCN còn khó khăn.
Theo lý giải của ngành chuyên môn, nguyên nhân của thực trạng này có yếu tố khách quan từ quốc tế và trong nước. Cụ thể, ảnh hưởng đại dịch COVID-19 cùng với những bất ổn về chính trị, lạm phát, chiến tranh thương mại trên thế giới đã tác động đến nền kinh tế Việt Nam nên việc thu hút đầu tư vào các CCN trên địa bàn cũng gặp khó khăn.
Tuy nhiên, ngoài lý do khách quan, phải thẳng thắn thừa nhận việc chậm trễ trong thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các CCN tại Hà Tĩnh còn xuất phát từ sự hạn chế về năng lực của nhà đầu tư, do vậy, việc triển khai đầu tư hạ tầng tại một số cụm còn ì ạch, chậm tiến độ.
Theo lãnh đạo UBND huyện Đức Thọ, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN Đức Thọ tại xã Tùng Ảnh và xã Tân Dân được phê duyệt chủ trương đầu tư lần đầu vào tháng 12/2020. Dự án do Công ty CP Đầu tư GS Miền Trung (TP Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư trên diện tích 68,17 ha; tiến độ thực hiện dự án giai đoạn 1 (hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 3/2022 kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư) và giai đoạn 2 (bắt đầu từ tháng 7/2022, hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 10/2023). Tuy vậy, Công ty CP Đầu tư GS Miền Trung đã phải xin gia hạn tiến độ hoàn thành dự án giai đoạn 1 đưa vào sử dụng trong quý I/2024 và giai đoạn 2 hoàn thành, đưa vào sử dụng trong quý I/2025. Cam kết là vậy, song đến nay dự án vẫn chưa thể “về đích” do nhà đầu tư chưa tập trung cho công tác xây dựng hạ tầng CCN theo đúng quy hoạch được phê duyệt.

Theo tìm hiểu, sự chậm trễ trong công tác GPMB, xác định giá đất hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để bàn giao đất cho nhà đầu tư của cơ quan quản lý Nhà nước cũng là một yếu tố khiến việc thu hút các dự án đầu tư vào CCN gặp khó. Điển hình như dự án đầu tư hạ tầng CCN huyện Can Lộc, CCN Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên)…
Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN huyện Can Lộc được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 9/2020, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Tân Hà Đô (TP Hà Tĩnh). Diện tích CCN là 24,45 ha (đã bao gồm diện tích đất thuộc dự án Nhà máy Thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc: 3,66 ha); đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên diện tích còn lại khoảng 20,79 ha. Dự án chia thành 2 giai đoạn (giai đoạn 1 khoảng 14,64 ha và giai đoạn 2 khoảng 6,15 ha); tiến độ giai đoạn 1 hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 10/2021 kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư; giai đoạn 2 hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 12/2022. Tuy vậy, đến nay dự án vẫn còn dang dở.
Ông Mai Quốc Quân - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Tân Hà Đô cho biết: “Phần đầu tư hạ tầng giai đoạn 1 đã có quyết định giao đất và công ty đã chi 40 tỷ đồng thực hiện công tác GPMB, đầu tư một số hạ tầng tại CCN. Tuy vậy, DN vẫn chưa được thuê đất giai đoạn 1 do vướng về cách tính giá thuê đất và đối với giai đoạn 2 của dự án, UBND huyện Can Lộc vẫn chưa hoàn thiện thủ tục GPMB, do vậy, đơn vị chưa được bàn giao mặt bằng để đầu tư hạ tầng.
Chúng tôi kiến nghị, UBND huyện Can Lộc ưu tiên hoàn thiện công tác GPMB dự án giai đoạn 2, hoàn thành chuyển đổi mục đích sử dụng đất để DN triển khai các bước tiếp theo; kiến nghị UBND tỉnh tạo điều kiện cho DN thuê đất giai đoạn 2 và có phương án tính tiền thuê đất cho cả 2 giai đoạn (theo hình thức thuê đất 1 lần) để DN sớm được bàn giao đất thực hiện đầu tư hạ tầng dự án, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp”.

Ngày 24/4/2025, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 2523/UBND-KT1 về việc tập trung thực hiện một số nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng hạ tầng CCN. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nội dung: Với các CCN do Nhà nước làm chủ đầu tư hạ tầng, giao UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương rà soát, nghiên cứu, đề xuất các hạng mục còn thiếu để tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng CCN trên địa bàn đáp ứng thu hút đầu tư, khai thác, vận hành theo đúng quy định.
Với các CCN do DN đầu tư hạ tầng, các CCN đang có vướng mắc về GPMB, chưa giao đất cho nhà đầu tư, giao UBND các huyện tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB, khẩn trương bàn giao đất cho các nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định, hoàn thành trước ngày 30/5/2025.

Thực tế cho thấy, do nhiều nguyên nhân nên việc hoàn thiện hạ tầng các CCN trên địa bàn còn chậm trễ dẫn đến mất cơ hội trong thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào cụm.
Để tăng tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan cần tiếp tục tăng cường các giải pháp thu hút đầu tư, đồng hành cùng nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đôn đốc các nhà đầu tư tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo quy định...