Hà Giang trong mắt chàng trai người Tày

Hoàng An nặng tình với mùa xuân, sắc hoa và nhịp sống bình dị trên cao nguyên đá.

Hà Giang trong mắt chàng trai người Tày

Hoàng An (tên thật là Hoàng Văn Hoàn), 34 tuổi, là người Tày sinh ra và lớn lên tại Hà Giang. Với chàng trai mê xê dịch và chụp ảnh film, Hà Giang quyến rũ nhất vào độ xuân về khi khoác lên mình chiếc áo mới rực rỡ. Trên ảnh là thôn Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn ngập tràn sắc hoa cải vào đầu năm. Lao Xa nằm tách biệt quốc lộ 4C nên chưa được nhiều du khách biết đến. Nơi này còn giữ vẻ đẹp tự nhiên khá nguyên vẹn.

Hà Giang trong mắt chàng trai người Tày

Mùa hoa cải vàng thu hút du khách tại làng văn hóa Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn. Cải vàng không chỉ tạo cảnh quan du lịch, mà còn gắn bó lâu đời với đời sống địa phương. Hạt cải sau khi thu hoạch được dùng để chế biến dầu ăn, mù tạt, tăng thu nhập cho người dân.

Hà Giang trong mắt chàng trai người Tày

Những đứa trẻ tại Lũng Cẩm. Không khó để du khách bắt gặp những em nhỏ gùi trên lưng giỏ cải vàng, trắng rực rỡ trong chuyến thăm Hà Giang mùa xuân.

Hà Giang trong mắt chàng trai người Tày

Sắc xuân tại Lô Lô Chải, ngôi làng nằm dưới chân núi Rồng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, cách cột cờ Lũng Cú khoảng một kilomet.

Hoàng An hiện làm giám đốc một công ty du lịch. Không chỉ cung cấp tour, Hoàng An còn quảng bá du lịch Hà Giang bằng cách hỗ trợ tư vấn miễn phí trên các diễn đàn, hội nhóm Facebook.

“Tôi sống và trải qua nhiều mùa xuân ở Hà Giang nhưng cảm xúc trong lòng vẫn thật khó tả. Cảnh vật bình dị, thân quen nhưng qua mỗi chuyến hướng dẫn khách hay săn ảnh, tôi lại thấy góc nhìn mới, trải nghiệm mới”, anh chia sẻ.

Hà Giang trong mắt chàng trai người Tày

Bé gái người H“Mông trong váy hoa rực rỡ. Hà Giang là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như H”Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô... Cộng đồng các dân tộc nơi đây lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống và trở thành “sản phẩm du lịch” đặc trưng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Giang.

Hà Giang trong mắt chàng trai người Tày

Thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn vào dịp xuân về. Từ trung tâm huyện Đồng Văn, du khách đi ngược lại khoảng 20 km, qua thung lũng Sủng Là, rồi từ quốc lộ 4C rẽ vào 5 km là đến Phó Bảng. Khám phá thị trấn, du khách sẽ thấy những ngôi nhà trình tường, pha nét kiến trúc người Hoa với mái ngói, cửa gỗ mộc mạc, đèn lồng đỏ treo cao trước cửa, xen kẽ với cả nhà cao tầng.

Hà Giang trong mắt chàng trai người Tày

Một thoáng Lao Xa với sắc hoa đào điểm xuyết trên ngôi nhà và bờ rào đá. Điều Hoàng An trăn trở là khung cảnh này không còn nhiều như xưa. “Tôi sẽ cố gắng nhiều hơn để cùng người dân gìn giữ những bản sắc vốn có, hỗ trợ tư vấn miễn phí cho khách du lịch để có chuyến đi tốt đẹp nhất đến với Hà Giang”, Hoàng An nói.

Hà Giang trong mắt chàng trai người Tày

Đường qua Phố Cáo trong sắc hoa đào phai và hoa mận. Phố Cáo nằm trên quốc lộ 4C, cách trung tâm thị trấn Đồng Văn hơn 30 km. Mỗi lần đi ngang qua đây Hoàng An luôn có cảm giác như phố nhỏ dẫn về nhà, thân quen và tràn đầy yêu thương.

“Tôi yêu mảnh đất mình đang sống hàng ngày. Vào mùa xuân, tôi yêu màu hồng rực rỡ của hoa đào, màu trắng của hoa mận, tất cả dường như hòa quyện với tiết trời se lạnh và để lại trong lòng mỗi người những bâng khuâng khó tả”, Hoàng An bộc bạch.

Hà Giang trong mắt chàng trai người Tày

Du Già, huyện Yên Minh, vào mùa hoa gạo, nhiều người còn gọi là “mùa mộc miên thắp lửa”. Hoa gạo ở Hà Giang nở vào đầu tháng 3, tiếp nối mùa hoa đào mới bung nở trước đó. Địa phận huyện Yên Minh, dọc quốc lộ 4C dẫn lên trung tâm Đồng Văn và con đường về từ huyện Mèo Vạc, cùng hai bên sườn đồi dòng Nho Quế là nơi có nhiều hoa gạo nhất.

Mùa xuân Hà Giang ngày nay đang thay đổi rất nhiều. Thay vì để du khách hỏi mua cây đào, mận mang về xuôi, nay người dân đã ý thức hơn về việc giữ gìn sắc màu cao nguyên. Một số nơi người dân cũng góp công, mua phân và giống về trồng, để tạo nên mùa hoa, phục vụ khách du lịch.

Theo VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast