Dưa hấu hữu cơ “bén rễ” vùng đất pha cát ở xã ven biển Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sau 1 vụ trồng thử nghiệm, đến nay, dưa hấu hữu cơ của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đã “bén rễ” ở vùng đất pha cát thuộc xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh).

DSC_6341 - Copy.JPG
Bà Phan Thị Síu ở thôn Nam Sơn (xã Thịnh Lộc) hối hả thu hoạch dưa hấu sau hơn 2 tháng vun trồng, chăm sóc.

Những ngày này, bà Phan Thị Síu ở thôn Nam Sơn (xã Thịnh Lộc) rất phấn khởi vì hơn 1 sào dưa hấu trồng theo quy trình hữu cơ liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm rất sai quả, đã cho lứa thu hoạch đầu tiên.

Vì hai vợ chồng thu hoạch không kịp tiến độ thu mua của doanh nghiệp đỡ đầu và nhu cầu thị trường nên bà Síu phải thuê thêm người làm. Chiều ngày 10/5, hơn 5 tạ sản phẩm loại 1 (mỗi quả nặng 3 – 5 kg) đã được cắt bán hết ngay tại chân ruộng.

DSC_6394 - Copy.JPG
Bà Síu phải thuê thêm nhân công thu hoạch để kịp tiến độ.

Bà Phan Thị Síu phấn khởi: “Đây là vụ thứ 2 tôi trồng dưa hấu hữu cơ. Là người trồng dưa lâu năm nhưng tôi chưa thấy loại dưa nào lắm quả, quả to, chất lượng tốt như loại này. Hiện nay, Công ty Quế Lâm cho xe về thu mua với mức giá 10 nghìn đồng/kg nên chúng tôi rất mừng”.

DSC_6294 - Copy.JPG
Anh Nguyễn Công Đành kiểm tra trọng lượng dưa sau thu hoạch.

Hòa chung niềm vui trên ruộng dưa, gia đình anh Nguyễn Công Đành (cùng ở thôn Nam Sơn) cũng đang hối hả lao động trên vùng đồng Thả Con. Sau hơn 2 tháng vất vả chăm bón, bảo vệ, đến nay ruộng dưa hấu rộng 600 m2 của gia đình đã cho thu hoạch lứa đầu tiên và hứa hẹn sẽ có một vụ mùa bội thu. Chỉ trong 1 buổi chiều, gia đình anh đã bán được 4 tạ dưa loại trên 2 kg/quả cho doanh nghiệp liên kết và một số khách hàng trên địa bàn.

Dự kiến, lứa đầu tiên, ruộng dưa của anh Đành sẽ thu hoạch được khoảng 1,5 tấn, chủ yếu bán cho Công ty Quế Lâm để đưa vào siêu thị, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Gia đình anh sẽ tiếp tục chăm sóc, bảo vệ để thu hoạch lứa thứ 2 và thứ 3 với tổng sản lượng dự kiến khoảng 3 tấn; trong đó có 2,2 tấn loại 1 được bán cho doanh nghiệp, khoảng 8 tạ loại 2 (trọng lượng dưới 2 kg) bán lẻ cho người tiêu dùng địa phương.

DSC_6402 - Copy.JPG
Được chăm sóc cẩn thận, đúng quy trình nên các ruộng dưa của 5 gia đình thực hiện mô hình rất sai quả, quả lớn, chất lượng tốt.

Anh Nguyễn Công Đành chia sẻ: “Tham gia mô hình sản xuất này, chúng tôi phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc đảm bảo an toàn của công ty như không dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, chất bảo quản, không chất kích thích tăng trưởng. Sau các vụ sản xuất dưa hấu (2 vụ/năm) thì đất này sẽ được trồng khoai lang (1 vụ) nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc trên để đảm bảo đất sản xuất luôn “sạch”, không tồn đọng các loại hóa chất độc hại”.

DSC_6331 - Copy.JPG
Người dân tập kết dưa để chờ xe của Công ty Quế Lâm đến thu mua.

Để xây dựng mô hình này, vào vụ hè thu năm 2023, Hội Nông dân huyện Lộc Hà, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện phối hợp với xã Thịnh Lộc đã tổ chức khảo sát, tham quan học tập kinh nghiệm, quy hoạch đất đai, đầu tư hạ tầng sản xuất (điện, nước, hàng rào...) để 5 hộ dân thực hiện sản xuất 3.000 m2 dưa hấu hữu cơ.

Cùng với đó, các hộ này còn được Công ty Quế Lâm cung ứng trước giống (dưa Mỹ), phân bón, quy trình sản xuất, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm... với tổng chi phí 2,3 triệu đồng/sào. Số tiền đầu tư này sẽ được doanh nghiệp khấu trừ sau khi mua lại sản phẩm.

123 - Copy.jpg
Sau khi thu hoạch, sản phẩm loại 1 được dán nhãn mác để bán ra thị trường.

Hiện nay, ngoài doanh nghiệp liên kết thu mua, người tiêu dùng trên địa bàn Lộc Hà cũng rất ưa chuộng loại dưa này. Chị Lê Thị Huệ (ở thị trấn Lộc Hà) cho biết: “Từ năm ngoái, khi nghe Hội Nông dân huyện Lộc Hà giới thiệu loại dưa đặc biệt này, tôi đã gọi điện đặt hàng ngay để về ăn, biếu và làm món tráng miệng cho khách hàng đặt mâm cỗ. Dưa ít hạt, vị ngọt thanh, thơm ngon”.

DSC_6417 - Copy.JPG
Các phòng, ngành chuyên môn huyện Lộc Hà và lãnh đạo xã Thịnh Lộc kiểm tra, đánh giá mô hình.

Ông Trần Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc thông tin: “Địa phương chúng tôi có lợi thế về vùng đất pha cát và bà con có kinh nghiệm sản xuất nên khá thuận lợi trong thực hiện mô hình. Trong 3 tháng kể từ ngày xuống giống đến khi thu hoạch xong (2-3 lứa/vụ), mỗi sào có thể cho sản lượng 2 tấn dưa loại 1 và khoảng 5-7 tạ dưa loại 2. Với giá bán bình quân từ 10 - 11 nghìn đồng/kg ngay tại chân ruộng, mỗi sào dưa sẽ cho giá trị sản xuất khoảng 27 - 30 triệu đồng, cao gấp 5 lần trồng các loại cây hoa màu khác. Do hiệu quả kinh tế cao nên chúng tôi đang dự kiến sẽ mở rộng mô hình thêm 3 ha nữa”.

Những thành công ban đầu từ mô hình trồng dưa hấu hữu cơ tại thôn Nam Sơn là cơ sở để chúng tôi tiếp tục làm việc với doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, khảo sát, khuyến khích mở rộng diện tích ra nhiều vùng đất pha cát ở các xã: Thịnh Lộc, Bình An, Thạch Mỹ, Thạch Châu, Mai Phụ và thị trấn Lộc Hà. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị canh tác, đa dạng hóa các loại cây trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân và cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn

Ông Nguyễn Duy Lam – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Hà

Chủ đề Cây trồng - Mùa vụ

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.