Đừng để “chữa lành” lại có thêm “vết rách”

(Baohatinh.vn) - Khi gặp căng thẳng, áp lực trong công việc, cuộc sống, nhiều người trẻ Hà Tĩnh lại tìm cách “chữa lành” để cân bằng tinh thần.

“Chữa lành” đã trở thành xu hướng của giới trẻ, tuy nhiên, bên cạnh việc mang lại nhiều điều tích cực, nếu không hiểu và hành động đúng thì mặt trái của nó cũng sẽ gây nên những tác động tiêu cực.

Cuộc sống không thuận lợi, công việc áp lực, chuyện tình cảm không suôn sẻ… là những lý do để giới trẻ hiện nay tìm đến các phương pháp “chữa lành”. Cụm từ “chữa lành” (hay healing) là thuật ngữ dùng để thể hiện các biện pháp hàn gắn, phục hồi sức khỏe, thể chất cũng như cảm xúc, tâm lý, tình cảm con người sau các tổn thương. Để “chữa lành”, nhiều người trẻ chọn đi du lịch nghỉ dưỡng, đọc sách, nghe nhạc, tập thiền… với mong muốn ổn định lại tâm trạng.

Vừa học tập và làm việc tại nước ngoài, Nguyễn Thị Nga dành thời gian để đi du lịch "chữa lành".

Đang học thạc sỹ ngành Giáo dục Hán ngữ quốc tế tại Đại học Sư phạm Phúc Kiến (Trung Quốc), chị Nguyễn Thị Nga (SN 2001, quê xã Hòa Lạc, Đức Thọ) thường cảm thấy căng thẳng bởi cường độ học tập cao và công việc áp lực. Ngoài thời gian học, Nga còn nhận làm gia sư tại một trung tâm đào tạo tiếng Trung với 5 lớp học, mỗi lớp hơn 60 người để chủ động thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Nga tâm sự: “Cường độ học tập cao khiến tôi khá vất vả để bắt nhịp và theo kịp chương trình học. Bên cạnh đó, công việc áp lực và nỗi buồn khi sống ở nơi “đất khách quê người” khiến tôi thường rơi vào trạng thái chán nản và muốn buông bỏ hoặc nghỉ ngơi một thời gian ngắn”.

Để giảm bớt áp lực, Nga đã lên kế hoạch nhằm phân bố thời gian hợp lý, đảm bảo sức khỏe. Ngoài ra, Nga cũng xem việc đi du lịch như một phương pháp “chữa lành” cho sức khỏe tinh thần. Theo đó, mỗi tháng, Nga cùng một vài người bạn Việt Nam sẽ lên kế hoạch khám phá một địa điểm ở Trung Quốc như: thành phố Tây An, đảo Bình Đàm (tỉnh Phúc Kiến)… Tại đây, nhóm bạn sẽ thưởng thức ẩm thực địa phương, check-in các địa điểm đẹp, thả tâm hồn vào những khung cảnh bình yên…

Nói về việc đi du lịch “chữa lành” của mình, chị Nga chia sẻ: “Du lịch giúp tôi giải tỏa áp lực, lưu giữ những bức ảnh thật đẹp để ghi lại quãng thời gian du học. Mỗi khi tới những vùng đất mới, tôi lại quên hết mệt mỏi, lấy lại tinh thần sau những ngày dài học tập, làm việc căng thẳng”.

Còn với Từ Đăng Huy (SN 2003, quê xã Sơn Kim 1, Hương Sơn) những áp lực đồng trang lứa trong học tập và công việc cũng khiến bạn trẻ này thường xuyên rơi vào tình trạng “quá tải”. Hiện Đăng Huy là sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành Diễn viên (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh). Ngoài học tập, Huy còn làm sáng tạo nội dung trên các nền tảng số kết hợp kinh doanh online. Mong muốn khẳng định bản thân ở nhiều vai trò đã giúp Đăng Huy có thành tích học tập khá tốt và công việc thuận lợi. Song bạn trẻ này thường xuyên bị căng thẳng, mệt mỏi… Những lúc như vậy, Đăng Huy lại chọn “chữa lành” bằng âm nhạc hay đi du lịch, đi cà phê với bạn bè để thoải mái tinh thần.

Bạn Từ Đăng Huy dành nhiều thời gian "chữa lành" sau quá trình học tập, làm việc căng thẳng.

Đăng Huy chia sẻ: “Tham gia làm sáng tạo nội dung đã 3 năm nay, có những khoảng thời gian tôi bị mất cảm hứng trong công việc, không còn nhiều ý tưởng hay như trước. Trong khi đó, mạng xã hội mỗi ngày đều có những “trend” mới (xu hướng thịnh hành) nên nếu tôi chậm chân sẽ bị bỏ lại phía sau. Thế nên, tôi thường chọn tới các quán cà phê để thư giãn hay dành một buổi ở nhà nghỉ ngơi rồi nghe những bản nhạc yêu thích. Nếu có thời gian, tôi chọn đi du lịch như một giải pháp “chữa lành” nội tâm nhằm tìm lại cảm hứng, động lực mới trong công việc, thoát luồng suy nghĩ tiêu cực”.

Suy nghĩ và các phương pháp “chữa lành” mà Đăng Huy và Nguyễn Thị Nga tìm đến cũng đang là xu hướng mà giới trẻ hiện nay lựa chọn, đặc biệt là thế hệ gen Z. Những cách thức “chữa lành” đó giúp các bạn trẻ tự xoa dịu “vết thương” tâm lý, thoát khỏi tình trạng lo âu, căng thẳng.

Tuy nhiên, hiện nay, việc “chữa lành” đang bị một số bạn trẻ lạm dụng để sống buông thả và thỏa hiệp với những trắc trở trong công việc, cuộc sống, tình cảm… Họ luôn lấy cớ cần “chữa lành” để bao biện cho sự lười biếng của bản thân mà không tìm cách để giải quyết khó khăn, cân bằng cuộc sống. Nhiều người trẻ mỗi khi gặp chuyện không như ý lại chọn cách buông xuôi. Không ít bạn trẻ sau khi đi “chữa lành” còn gặp tình trạng cạn kiệt tài chính để rồi tiếp tục rơi vào lo lắng, khủng hoảng…

Nhiều người còn tham gia các khóa học tâm lý hay nghe những podcast dán mác "chữa lành" được đăng tải trên mạng xã hội. Tuy nhiên, tác dụng “chữa lành” đâu chưa thấy nhưng không ít người đã gặp thêm các vấn đề về tâm lý như là tăng cảm giác lo âu, bất an bởi các nội dung độc hại, lệch lạc tư tưởng đó. Nhiều người còn bị các “chuyên gia tâm lý” lợi dụng để lừa đảo, dẫn đến “tiền mất tật mang”, tâm lý vừa bất ổn, tiền bạc thì “không cánh mà bay”.

Môi trường sống tích cực cũng sẽ góp phần giúp bạn trẻ "chữa lành". (Ảnh: Internet).

Để “chữa lành” không trở thành trào lưu tiêu cực, người trẻ cần phải hình thành kỹ năng quản lý cảm xúc, học cách cân bằng cuộc sống, hướng tới lối sống tinh thần lành mạnh. Môi trường sống tích cực cũng sẽ góp phần giúp bạn trẻ tự tin, lạc quan. Ngoài ra, nếu sức khỏe tinh thần không ổn định, người trẻ có thể tìm đến các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ tư vấn, tránh tình trạng chưa kịp “chữa lành” còn thêm “vết rách” mới.

Chủ đề Tuổi trẻ Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói