Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản gửi giám đốc (thủ trưởng) các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc đảm bảo hoạt động của bộ phận một cửa và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, tổ chức trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy.
Để đảm bảo việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp không bị gián đoạn, chậm giải quyết và đảm bảo hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã trong thời gian tới; xét báo cáo, đề nghị của Văn phòng UBND tỉnh tại Văn bản số 115/VPUB-HCC ngày 21/02/2025; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc (thủ trưởng) các sở, ban, ngành cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã kịp thời tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm.

Theo đó, trong quá trình thực hiện và ngay sau khi thực hiện xong việc giải thể, chia tách, sáp nhập tổ chức, bộ máy phải xây dựng phương án bố trí nhân sự trực tại bộ phận một cửa phù hợp lĩnh vực, chuyên môn để đảm bảo việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Việc bố trí nhân sự phải tính đến khối lượng hồ sơ tiếp nhận của mỗi người theo mức độ phức tạp của từng lĩnh vực, từng nhóm thủ tục. Ưu tiên phương án giữ nguyên nhân sự trực bộ phận một cửa như hiện nay. Trường hợp có công chức đang trực tại bộ phận một cửa xin nghỉ theo chế độ, khẩn trương xây dựng phương án nhân sự thay thế phù hợp để tiếp cận ngay nhiệm vụ.
Đối với các đơn vị giải thể, chia tách: tập trung xử lý giải quyết TTHC, trả kết quả cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đối với các hồ sơ chưa giải quyết xong thì phải kịp thời bàn giao đầy đủ cho đơn vị mới để tiếp tục xử lý, giải quyết cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Nghiêm cấm việc kết thúc, trả hồ sơ trái quy định.
Rà soát bộ TTHC, phân tách TTHC, lĩnh vực theo tổ chức bộ máy mới để có hướng dẫn cho các nhân sự trực ở bộ phận một cửa tiếp cận đối với các TTHC sẽ được chuyển giao, tiếp nhận.
Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh (Trung tâm Công báo - Tin học) rà soát TTHC, quy trình điện tử mới, tài khoản người dùng tại đơn vị để kịp thời tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức sau khi chia tách, sáp nhập.
Văn phòng UBND tỉnh (Trung tâm Công báo - Tin học) - đơn vị Quản trị Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh xây dựng kế hoạch đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, kịp thời hỗ trợ các đơn vị xây dựng quy trình điện tử theo cơ cấu tổ chức mới để tiếp nhận hồ sơ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Kịp thời có văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương về đăng ký, điều chỉnh tài khoản người dùng, quy trình điện tử về tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ TTHC trên Hệ thống Thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Giao thông vận tải rà soát việc chuyển giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ của các lĩnh vực liên quan tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, kịp thời xây dựng phương án bố trí nhân sự, thiết bị, đường truyền... để đáp ứng việc hướng dẫn, tiếp nhận, xử lý, giải quyết các TTHC cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, không để gián đoạn, chậm trễ; kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh đối với các nội dung vượt thẩm quyền.
Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị liên quan; chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ chịu trách nhiệm chủ động thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện các nội dung liên quan. Đơn vị, địa phương nào để xảy ra tình trạng tồn đọng hồ sơ, chậm giải quyết, hủy, trả hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp hoặc bố trí nhân sự trực tại bộ phận một cửa không phù hợp thì người đứng đầu đơn vị, địa phương đó chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.