Gần 20 năm có bìa đỏ nhưng không được giao đất: Cần sự vào cuộc quyết liệt, “thấu lý, đạt tình”!

(Baohatinh.vn) - Đã nộp tiền 19 năm, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng trên thực tế, ông Trần Văn Tuấn ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn chưa được cấp đất. Ngoài một phần lỗi của công dân thì chính quyền địa phương có nhiều sai sót, tắc trách trong vụ việc này.

Mỗi lần kiểm tra hồ sơ lô đất được cấp cách đây 19 năm, ông Trần Văn Tuấn lại buồn rầu, bức xúc.

Cấp đất kiểu ... “bán vịt trời”

Ông Trần Văn Tuấn (nguyên quán ở thị trấn Tiên Điền, hiện trú quán ở thôn Hương Hòa, xã Xuân Thành, Nghi Xuân) phản ánh: “Năm 2004, tôi được xã Tiên Điền (nay là thị trấn Tiên Điền) xét duyệt cấp 250m2 đất ở thôn An Mỹ và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ngay trong năm đó. Do hoàn cảnh khó khăn, phải vào quê vợ ở xã Xuân Thành sinh sống nên chưa thể làm nhà, dẫn đến bị gia đình ông Đặng Văn Hòa (hộ liền kề) lấn chiếm hết”.

Cũng theo ông Tuấn, từ năm 2017 đến nay, ông đã nhiều lần lên chính quyền địa phương đề nghị xuống kiểm tra, xử lý để mình được nhận lại đất làm nhà nhưng chưa được trả lời, giải quyết thỏa đáng. Thế rồi, đến ngày 29/5/2023, UBND huyện Nghi Xuân có Thông báo số 2216/TB-UBND yêu cầu thu hồi GCNQSDĐ đã cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của gia đình.

Quá trình xác minh chúng tôi thấy, việc ông Tuấn xin được cấp đất, nộp tiền và đã được cấp GCNQSDĐ là có thật. Biên lai lưu giữ và sổ sách kế toán xã có thể hiện ông Tuấn đã 2 lần nộp tiền để được cấp đất và xây dựng quê hương vào ngày 22/9/2004 và 17/6/2005, mỗi lần 5 triệu đồng. Ông Tuấn cũng đã được UBND huyện Nghi Xuân cấp GCNQSDĐ lần đầu vào ngày 15/11/2004 (số M597335, diện tích 250m2, số thửa 94, tờ bản đồ số 4) và cấp đổi ngày 4/4/2016 (số CB 823875, thửa đất số 168, tờ bản đồ số 22).

Đơn thư và phiếu thu tiền liên quan đến nội dung ông Tuấn khiếu nại.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là ông Tuấn đã thực hiện nghĩa vụ tài chính gần 20 năm nhưng chưa hề được nhận đất. Trong hồ sơ lưu trữ tại địa phương đều không có các giấy tờ bắt buộc như: đơn xin giao đất, tờ trình xin giao đất, quyết định giao đất, biên bản bàn giao thực địa... Bản thân ông Tuấn cũng thừa nhận mình chưa từng được đo đạc, bàn giao đất tại hiện trường, chỉ có cán bộ địa chính đi khảo sát vị trí dự kiến giao.

Vì chưa được giao đất nên việc ông Tuấn cho rằng, đất của mình bị hộ ông Đặng Văn Hòa lấn chiếm là không thuyết phục. Lúc đến hiện trường cùng phóng viên, ông Tuấn không chỉ được chính xác đâu là phần đất của mình, không tồn tại dấu tích (hàng rào, cọc mốc, cây cối, móng...), không có căn cứ pháp lý chứng minh đây là tài sản của mình. Mặt khác, hộ ông Hòa ra ở vào năm 2002 (trước lúc ông Tuấn được cấp đất) và đất được sử dụng ổn định, đã xây dựng nhà ở và công trình phụ trợ, xác định ranh giới.

Ông Hoàng Tiến Anh - Trưởng phòng TN&MT huyện Nghi Xuân khẳng định: “Việc ông Tuấn nộp tiền cấp đất và UBND xã Tiên Điền thời điểm đó có chủ trương giao cấp đất xen dắm có thu tiền là có thật. Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra, làm việc với những người có liên quan đều cho thấy, việc cấp đất mới chỉ dừng lại ở mức nộp tiền, chính quyền địa phương chưa thực hiện bàn giao đất nên ông Tuấn chưa có đất. Vì vậy, việc ông Tuấn cho rằng đất của mình bị hàng xóm lấn chiếm là thiếu cơ sở”.

Đây là khu đất mà ông Tuấn cho rằng mình đã bị lấn chiếm (hiện thuộc quyền sử dụng của ông Đặng Văn Hòa).

Chính quyền địa phương tắc trách, mắc nhiều sai sót

Việc cấp theo kiểu... “bán vịt trời” xảy ra ở thị trấn Tiên Điền ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của công dân. Ngoài một phần lỗi của ông Tuấn, thì chính quyền địa phương đã thể hiện sự tắc trách, lỏng lẻo trong công tác quản lý đất đai.

Việc sai sót được thể hiện ngay từ khi xây dựng hồ sơ khống, kê sai thông tin, đẩy lùi mốc cấp đất, thay đổi bản chất vấn đề để cấp đất xen dắm (có thu tiền) cho ông Trần Văn Tuấn. Theo đó, để dễ làm thủ tục cấp đất cho ông Tuấn, ngày 10/10/2004, Chủ tịch UBND và địa chính xã Tiên Điền thời điểm đó đã xác nhận khống khu vực bãi đất hoang vu, không nhà ở (dự định cấp cho ông Tuấn) là “đất được UBND xã cấp ở riêng năm 1988, đã xây dựng nhà ở ổn định, không tranh chấp, lấn chiếm”.

Mặt khác, dù chưa giao thực địa, công dân chưa nhận đất nhưng xã vẫn xây dựng hồ sơ cấp GCNQSDĐ lần đầu (năm 2004) với đầy đủ thông tin về “tứ cận”, diện tích, nguồn gốc... Sau đó 12 năm, đất chưa đến tay người dân nhưng chính quyền vẫn tiếp tục “vô tư” kiểm tra, đo đạc, lấy phiếu xác nhận kết quả, kê khai vào đơn đề nghị cấp đổi, xét duyệt, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp trên đổi GCNQSDĐ... theo diện “đất có nguồn gốc sau ngày 18/12/1980 đã được Nhà nước công nhận QSDĐ”. Chính quyền xã làm “chính xác” đến mức, ông Tuấn nghiễm nhiên là 1 trong số 34 hộ được xét duyệt cấp đổi GCNQSDĐ năm 2016 (toàn xã có 116 hộ đề nghị cấp đổi nhưng chỉ có 34 hộ đủ điều kiện).

Phóng viên Báo Hà Tĩnh làm việc với công chức địa chính thị trấn Tiên Điền về các vấn đề liên quan đến vụ việc.

Ngoài ra, UBND xã Tiên Điền cũng đã thu sai quy định tiền đóng nộp khiến ông Tuấn chịu thiệt hại nặng thêm về kinh tế. Trong Kết luận số 1268/KL-UBND ngày 5/4/2023 của UBND huyện Nghi Xuân về việc kiểm tra, xác minh giao đất và cấp giấy CNQSDĐ cho ông Trần Văn Tuấn, Đặng Văn Hòa và các hộ liên quan tại khu vực TDP An Mỹ, thị trấn Tiên Điền (Đoàn kiểm tra do UBND huyện Nghi Xuân thành lập, thực hiện nhiệm vụ từ ngày 3/10/2022 đến 18/3/2023) cũng xác định: “Xã Tiên Điền đã thu 5 triệu đồng tiền “đóng góp xây dựng quê hương” theo biên lai số 48 ngày 22/9/2004 là trái thẩm quyền theo quy định tại khoản 2, điều 37, Luật Đất đai năm 2003 và khoản 2, điều 7, Quyết định 936/QĐ-UB ngày 25/8/1992 của UBND tỉnh Hà Tĩnh”.

Ông Trần Văn Tuấn bức xúc: “Tôi nộp tiền mua đất là một gia tài, cao gấp 6 - 7 lần so với các hộ được cấp cùng thời điểm đó ở khu vực này. Nhưng khi tôi có nhu cầu làm nhà và phát hiện dấu hiệu bất thường, đề nghị làm rõ thì chính quyền địa phương lại liên tục “nại” ra các lý đo để trốn tránh, vào cuộc thiếu kiên quyết, thiếu trách nhiệm. Đến lúc tôi “làm căng” thì họ lại làm việc thiếu công tâm, không gửi đầy đủ các văn bản, thông tin có liên quan về cho gia đình biết”.

Ông Trần Đức Bình – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tiên Điền giải thích: “Vụ việc xảy ra từ lâu, mang yếu tố lịch sử, chúng tôi là những cán bộ tiếp cận công việc sau này nên không thực sự rõ bản chất vấn đề. Các phần việc cần làm, các nội dung cần giải quyết thì địa phương đều làm theo chỉ đạo, hướng dẫn của UBND huyện và các phòng, ngành cấp trên”.

Tiền đã nộp 19 năm, quỹ đất vẫn còn nhưng theo các quy định hiện hành thì không thể giao đất cho ông Tuấn. (Ảnh khu vực giáp với nhà ông Đặng Văn Hòa).

Ông Hoàng Tiến Anh - Trưởng phòng TN&MT huyện Nghi Xuân cho hay: “Hiện nay, UBND huyện đã ra quyết định thu hồi GCNQSDĐ số CB 823875, không cấp đất cho ông Tuấn và hoàn lại tiền theo quy định. Điều này là đáng tiếc, gây thiệt thòi cho công dân nên chúng tôi cũng đã tìm mọi cách để giải quyết hợp lý, hợp tình. Tuy nhiên, tất cả văn bản hiện hành thì trường hợp này không thể cấp đất được. Việc xử lý được chúng tôi thực hiện khá cẩn trọng, có đủ căn cứ pháp lý, làm đúng quy trình, đảm bảo quy định và có sự hỗ trợ từ chuyên môn cấp trên”.

“Ngoài đôn đốc, chỉ đạo thực hiện hoàn trả tài chính và các vấn đề khác để đảm bảo quyền lợi cho công dân thì UBND huyện cũng đang xem xét các vấn đề về sai sót, sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình cấp đất, thu tiền, sử dụng tiền, cấp GCNQDĐ cho ông Tuấn. Qua đó, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật” - ông Hoàng Tiến Anh cho biết thêm.

Thiếu sót của công dân đã rõ, các sai phạm, tắc trách của chính quyền địa phương cũng không thể phủ nhận. Bởi vậy, các cấp, ngành ở Nghi Xuân cần tập trung vào cuộc xử lý vụ việc theo hướng “thấu lý, đạt tình”; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bên cạnh vận dụng các chủ trương, chính sách, quy định để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho công dân thì cần tích cực đối thoại, hướng dẫn, chia sẻ để hạn chế phát sinh kiện tụng và các tình huống phức tạp khác.

Chủ đề Bạn đọc Báo Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói