Giá bò hơi giảm sâu, người chăn nuôi “treo chuồng” vì thua lỗ

(Baohatinh.vn) - Giá bò hơi giảm mạnh và neo ở mức thấp từ năm 2022 tới nay khiến người chăn nuôi ở Hà Tĩnh chồng chất khó khăn. Người nuôi đang phải giảm đàn, "treo chuồng" để tránh thua lỗ.

HTX Chăn nuôi bò Đồng Môn (xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) hiện chỉ còn 2 thành viên duy trì chăn nuôi bò.

HTX Chăn nuôi bò Đồng Môn (xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) trước đây có 13 thành viên chăn nuôi bò 3B vỗ béo với tổng đàn khoảng 100 con. Tuy nhiên, do vài năm trở lại đây, giá bò hơi giảm mạnh nên gặp không ít khó khăn.

Ông Đặng Đình Lương – Giám đốc HTX cho biết: “Trước đây, bò hơi có những thời điểm giá 100.000 đồng/kg nhưng khoảng từ năm 2022 tới nay, giá sụt giảm chỉ còn dưới 80.000 đồng/kg. Đợt tháng 3/2024, chúng tôi bán lứa bò thịt giá chỉ 75.000 đồng/kg. Để thích ứng với thị trường, chúng tôi chuyển qua nuôi bò sinh sản; đồng thời giảm tổng đàn xuống còn khoảng 30 con. Ngoài ra, HTX cũng tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có như rơm rạ, cỏ, phụ phẩm nông nghiệp và tận dụng lao động nông nhàn để giảm thiểu chi phí đầu vào đến mức thấp nhất”.

Thay vì nuôi bò vỗ béo, hiện nay HTX Chăn nuôi bò Đồng Môn chuyển qua nuôi bò sinh sản để cầm chừng.

Gia đình chị Vũ Thị Hạnh, trú tại thôn Thống Nhất, xã Nam Điền (Thạch Hà) chuyên nuôi bò sinh sản nhiều năm nay. Thời điểm này, gia đình có 6 con bò mẹ và 6 con bê chuẩn bị đến kỳ xuất bán nhưng giá trên thị trường ở mức thấp khiến chị Hạnh không khỏi lo lắng.

Chị Hạnh chia sẻ: “Gần 2 năm nay, tình hình chăn nuôi của gia đình gặp khó khăn do giá bò giảm mạnh và không có chiều hướng cải thiện. Mặc dù đã tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi song nhiều khi bán ra, chúng tôi chỉ hòa vốn. Gia đình tôi đang vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi nên việc giá bò neo ở mức thấp thực sự là áp lực rất lớn".

Việc chăn nuôi của gia đình chị Vũ Thị Hạnh gặp khó khăn do giá bò giảm mạnh trong thời gian dài.

Việc giá bò hơi xuống thấp kéo dài đã khiến người nông dân trên địa bàn gặp không ít khó khăn. Hầu hết hiện nay người chăn nuôi đang phải xoay xở bằng cách như giảm đàn, tận dụng lao động nông nhàn để giảm chi phí nhân công, tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ như các phụ phẩm nông nghiệp và nguồn giống từ bò mẹ sinh sản.

Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, một con bò 3B nuôi hơn 1 năm mới xuất chuồng bán được. Với chi phí giống ban đầu từ 18 - 20 triệu đồng, chi phí nhân công, thức ăn, điện, nước, thuốc thú y… thì giá bán bò thịt phải đạt mức 80.000 đồng/kg trở lên mới có lãi. Trong khi đó, giá bò hơi trong hơn 2 năm nay chỉ nằm ở mức 65 – 75.000 đồng/kg.

Các hộ chăn nuôi cho rằng, bò nhập ngoại vào Việt Nam quá nhiều trong thời gian qua dẫn đến nguồn cung vượt cầu là nguyên nhân chính khiến giá bò nuôi trong nước giảm mạnh. Giá bán ra thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng cao nên nuôi càng nhiều càng lỗ. Bởi vậy, nhiều hộ chăn nuôi phải tạm thời “treo chuồng” chờ tín hiệu từ thị trường.

Người chăn nuôi tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp để giảm thiểu chi phí.

Bà Trần Thị Đào (xã Cổ Đạm, Nghi Xuân) cho hay: “Trước đây gia đình tôi nuôi bò thịt bán nhưng đã ngừng nuôi gần 1 năm nay do nuôi không có lãi. Giá bò hơi những năm trước dao động khoảng 90.000 - 95.000 đồng/kg, cao điểm lên đến 110.000 đồng/kg nhưng hiện nay chỉ còn khoảng dưới 75.000 đồng/kg. Đã từng có thời điểm, 1 con bò gia đình tôi bán đến gần 40 triệu đồng nhưng cũng với trọng lượng như vậy, năm ngoái bán chưa đầy 30 triệu đồng. Không chỉ giá thấp mà còn khó tiêu thụ, thương lái vào xem nhưng không mua hoặc ép giá thấp. Giá bò hơi vẫn ở mức thấp nên gia đình tôi chưa tính đến việc nuôi trở lại”.

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, tổng đàn bò toàn tỉnh hiện nay đạt hơn 164.000 con, bằng 97,88% cùng kỳ năm trước và chủ yếu là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Tổng đàn bò giảm do một phần thời gian qua giá giảm mạnh nên người chăn nuôi gặp khó khăn, phải chấp nhận giảm đàn. Đây cũng là tình trạng chung ở các địa phương trên cả nước hiện nay.

Trong bối cảnh khó khăn, người dân cần rà soát, cải thiện công tác quản lý chăn nuôi, tiếp tục theo dõi thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp. Đồng thời, cần sử dụng hiệu quả, tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có để giảm giá thành sản xuất; chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh để giảm thiểu thiệt hại.

Ông Lê Hà Giang – Phó Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói