Sáng 8/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cùng đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra công tác PCTT&TKCN, PCCCR trên địa bàn huyện Hương Khê.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và đoàn công tác đã đến kiểm tra thực trạng xuống cấp tại hồ Khe Cọi (xã Hà Linh), hồ Cha Chạm (xã Gia Phố); công tác vận hành của Nhà máy Thủy điện Hố Hô; công tác PCCCR tại xã Hà Linh.
Năm 2023, trên địa bàn huyện Hương Khê không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới đã gây ra mưa lớn trên diện rộng, gây hư hỏng một số công trình giao thông, nhà cửa, hoa màu... với thiệt hại ước tính hơn 150 tỷ đồng.
Để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai năm 2024, các địa phương, đơn vị trên địa bàn Hương Khê đã sớm xây dựng phương án, giao chỉ tiêu, ký hợp đồng nguyên tắc để chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, chống thiên tai; đảm bảo công tác PCTT&TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đối với các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ, lụt; vùng có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, các địa phương đã phân công cán bộ cấp xã, thôn phụ trách địa bàn kịp thời tuyên truyền, cảnh báo để người dân biết và chủ động phòng tránh.
Huyện cũng đã chủ động kiểm tra, bố trí kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng ca nô, thuyền máy phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn; tổ chức kiểm tra mực nước các hồ, đập; xây dựng phương án phòng, chống hạn cho sản xuất và dân sinh năm 2024; chỉ đạo thu hoạch cây trồng vụ xuân; triển khai sản xuất hè thu xong trước 10/6/2024 để thu hoạch trước 10/9/2024.
Đối với công tác bảo vệ rừng và PCCCR, Hương Khê là một trong những địa phương có diện tích lớn nhất Hà Tĩnh với 100.172 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó: rừng đặc dụng hơn 17.337 ha, rừng phòng hộ 30.900 ha, còn lại rừng sản xuất.
Để bảo vệ rừng trong mùa nắng nóng, cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể ở các xã, thị trấn cùng lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng Nhà nước... đã tập trung vào cuộc, bố trí đủ lực lượng, phương tiện, trang bị, phương án ngăn chặn cháy rừng. Cùng với công tác thông tin, tuyên truyền, ký cam kết cho các hộ dân, địa phương cũng đã chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các chủ rừng bảo vệ rừng tại gốc, lấy “phòng” làm chính, sẵn sàng “4 tại chỗ” để chữa cháy kịp thời.
Từ thực tế tại địa phương, lãnh đạo huyện Hương Khê đề nghị đoàn kiểm tra công tác PCTT&TKCN tỉnh một số nội dung cấp bách như: hỗ trợ kinh phí sửa chữa, khắc phục khẩn cấp một số công trình trọng điểm, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, lũ như: hồ chứa nước Khe Cọi (xã Hà Linh); hồ Cây Chanh (xã Hương Trạch); hồ Cha Chạm (xã Gia Phố).
Quan tâm, chỉ đạo Nhà máy Thủy điện Hố Hô thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa được phê duyệt; phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện và các xã vùng hạ du để tổ chức vận hành xả lũ tránh gây thiệt hại cho các xã trong vùng; tăng cường kiểm tra, giám sát công trình thủy điện Hố Hô trước, trong mùa mưa lũ để đảm bảo an toàn cho công trình và Nhân dân.
Đối với công tác bảo vệ rừng và PCCCR, địa phương mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cấp trong việc hỗ trợ nguồn kinh phí để mua sắm thêm các thiết bị chữa cháy.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, năm nay, thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng luôn thường trực, do đó, công tác phòng, chống phải được thực hiện bài bản, kịp thời; không được chủ quan, lơ là. Địa phương cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của đoàn công tác tại buổi làm việc, chuẩn bị chu đáo về nguyên tắc "4 tại chỗ"; rà soát phương án sát với thực tiễn; bố trí, huy động lực lượng đủ số lượng và chất lượng đảm bảo công tác PCCCR…
Đối với công tác PCTT&TKCN, địa bàn Hương Khê thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai và dự báo sẽ diễn biến phức tạp trong mùa mưa bão năm 2024. Do đó, địa phương cần tập trung cao hơn nữa trong công tác phòng, chống; chủ động thực hiện các giải pháp, nhất phương án “4 tại chỗ”; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về PCTT&TKCN đến tận từng người dân.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với đơn vị thủy lợi trong việc vận hành hồ đập khi có mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du; rà soát các vị trí xung yếu, dễ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất để cảnh báo kịp thời cho người dân. Bên cạnh đó, cần rà soát lại công trình đang thi công để có phương án đẩy nhanh tiến độ; tập trung cao cho sản xuất vụ hè thu…