Từ ngày 15 - 18/7, toàn tỉnh chủ yếu chịu chi phối của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc và Trung Trung Bộ nên trời chuyển nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông (lượng mưa phổ biến 80 - 150mm). Nền nhiệt độ giảm mạnh, cao nhất trong ngày giảm còn 30 - 32 độ C.
Từ đêm 15 - sáng 16/7, nhiều khu vực trên toàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to. Đặc biệt, khu vực các xã vùng cao Hương Sơn mưa 50 - 120mm, các xã vùng thấp Hương Sơn và Đức Thọ 20 - 50mm, huyện Hương Khê 68 mm;…
Mưa xuất hiện không chỉ không khí được giải nhiệt mà còn "cắt" hạn một số vùng. Suốt 2 ngày nay, bà con nông dân ở vùng cuối kênh, cao cưỡng tại các xã như Đồng Môn, Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh); Cẩm Hà, Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên); Kỳ Khang, Kỳ Phú (Kỳ Anh); Việt Tiến (Thạch Hà)… vui mừng khi đón mưa "vàng".
Chị Nguyễn Thị Mai (thôn Quyết Tiến, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Vùng này nằm ở cuối nguồn tưới Kẻ Gỗ cùng với đợt nắng hạn gay gắt kéo dài cả tháng khiến cây lúa vàng vọt, nước bốc hơi nhanh nên dù có bơm tưới bao nhiêu cũng không đủ. Những trận mưa vừa qua đã "cứu" cây, xuất hiện trùng khi gia đình bón thúc đòng, đúng là “mưa tháng 6 máu rồng”.
Hơn 9.000 ha lúa hè thu của huyện Cẩm Xuyên đang cần tích lũy nhiều dinh dưỡng trong giai đoạn làm đòng. Sau những cơn mưa, các cánh đồng lấy lại màu xanh tươi mát. Bà Nguyễn Thị Hạnh (thôn Đông Đoài, xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên) cho biết: “Một trận mưa như liều thuốc dinh dưỡng quý giá cho cây lúa nên bà con rất phấn khởi. Sau mưa tôi sẽ tranh thủ thăm đồng, bón thúc thêm 1 đợt để cây có đủ sức làm đòng, cho năng suất tốt vào cuối vụ”.
Hiện nay, lúa hè thu 2024 tại Hà Tĩnh giai đoạn phân hóa đòng, sinh trưởng phát triển tốt, dự kiến thời gian trổ tập trung từ ngày 5 - 10/8. Đây là giai đoạn rất quan trọng đối với cây lúa, thời kỳ hình thành số hạt/bông lúa, quyết định năng suất cuối vụ. Vì thế, những cơn mưa xuất hiện cung cấp thêm nguồn nước tưới, giảm áp lực tưới trên toàn hệ thống hồ đập, bổ sung nguồn đạm tự nhiên quý giá cho cây phát triển tốt.
Đợt mưa không chỉ giúp cây lúa được cung cấp nguồn đạm, nguồn nước tự nhiên mà còn "cắt” cơn hạn, hồi sinh hàng nghìn ha cam, chè, bưởi,… tại các huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh,…
Chiều ngày 15 đến sáng 16/7, trên địa bàn huyện Hương Khê đã có mưa to với tổng lượng mưa đạt trên 68 mm. Chị Nguyễn Thị Nga (thôn 7, xã Hà Linh, huyện Hương Khê) cho biết: “Cam đang vào thời kỳ dưỡng quả, do đó, việc cung cấp đủ nước rất quan trọng, quyết định chất lượng, năng suất cuối vụ. Nắng nóng đỉnh điểm, độ ẩm thấp nên dù đã rất cật lực để bơm tưới song cũng không ăn thua. Cơn mưa quý giá 2 ngày qua đã giúp cây cam “tỉnh” hẳn, tươi xanh trở lại, đất được bổ sung thêm nước, có độ ẩm tự nhiên”.
Trận mưa lớn cũng đã “hồi sinh”, bổ sung nguồn nước tưới cho gần 300 ha chè nguyên liệu đang dần khô héo của các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh. Ông Nguyễn Văn Tuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Trung cho biết: “Trận mưa lớn thực sự quý giá đối với người trồng chè khi thời gian qua vất vả, xoay xở đủ đường tìm cách ứng phó với hạn hán. Sau đợt mưa, đất tơi xốp hơn, độ ẩm tăng lên, chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con tiến hành cắt tỉa những cành cây bị cháy, xới đất, tấp ủ gốc để giữ độ ẩm cho cây”.
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đợt mưa từ ngày 15 - 18/7 xuất hiện đúng thời điểm, cung cấp thêm lượng nước đồng đều ở các địa bàn trong tỉnh, “cắt” đợt nắng nóng kéo dài thời gian qua. Nguồn nước tự nhiên quý giá sẽ giúp lúa sinh trưởng tốt nhất trong giai đoạn đón đòng. Hàng nghìn ha cây ăn quả bưởi, cam,… ở thời điểm dưỡng trái được “giải nhiệt”, góp phần tăng năng suất, chất lượng quả.
Ngày 19 - 20/7 dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc và Trung Trung Bộ hoạt động yếu nên mưa có xu hướng giảm, chỉ còn mưa rào rải rác và có nơi có dông, ngày có lúc trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ ngày đêm dao động từ 27 - 33 độ C. Thời tiết dịu mát thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, đời sống.