Mưa giải nhiệt, nông dân Hà Tĩnh tích cực chăm sóc lúa hè thu

(Baohatinh.vn) - Những cơn mưa dông xuất hiện đã cung cấp nguồn dưỡng chất quý giá cho đồng ruộng, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân Hà Tĩnh chăm sóc lúa giai đoạn làm đòng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
IMG_7359.jpg
Nông dân thị trấn Nghèn (Can Lộc) làm cỏ bờ, chăm sóc lúa hè thu.

Sau trận mưa dông chiều 6/7, bà Trần Thị Thuần (tổ dân phố 10, thị trấn Nghèn, Can Lộc) đã tranh thủ xuống đồng dọn dẹp cỏ bờ, bón phân để "thúc" cho lúa làm đòng thuận lợi. Bà Thuần chia sẻ: “Những ngày qua thường có mưa dông vào buổi chiều, lượng tuy không quá lớn nhưng cũng đủ làm cả cánh đồng lúa “dịu mát” hơn, cây nhận được nguồn đạm quý từ thiên nhiên nên phát triển rất tốt”.

Mưa xuất hiện đúng vào giai đoạn lúa hè thu cần nguồn nước tưới, dưỡng chất lớn để làm đòng nên bà con nông dân Hà Tĩnh rất vui mừng. Ông Nguyễn Xuân Hạnh (thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc) chia sẻ: “Ở vùng này, mưa xuất hiện chủ yếu trong 2 ngày vừa qua, chỉ diễn ra khoảng thời gian ngắn nhưng mưa dày hạt, dồn dập nên đồng ruộng vẫn nhận được một lượng nước đáng kể. Nhờ đó, tôi gặp thuận lợi khi bón thúc đợt 2, phun thuốc trừ sâu cho hơn 1 mẫu lúa của gia đình”.

IMG_7330.jpg
Gần 4.000 ha lúa hè thu của huyện Đức Thọ đang phát triển tốt.

Tại huyện Đức Thọ, gần 4.000 ha lúa hè thu đã bước vào giai đoạn đứng cái, làm đòng thuận lợi nhờ được cấp đủ nước thường xuyên. Ngay từ đầu vụ, huyện cũng đã chủ động cơ cấu các loại giống chất lượng cao tại các vùng thâm canh như: Nếp 98, BT09, VNR 20…; điều tiết sản xuất hợp lý nên lúa phát triển tốt theo đúng các mốc sinh trưởng.

“Gia đình tôi vụ này sản xuất hơn 1 mẫu, các trà lúa khá đồng đều. Tranh thủ sau đợt mưa dông, tôi đã bón thúc thêm 1 đợt để lúa đón đòng thuận lợi" - chị Phạm Thị Mai (xã Lâm Trung Thủy, Đức Thọ) cho biết.

Đối với người dân huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang… những trận mưa chưa thể “cắt” hoàn toàn nguy cơ hạn hán nhưng đã góp phần giảm nhiệt độ sau đợt nắng nóng gay gắt, mang lại không khí mát mẻ, dễ chịu cho các vùng. Đồng thời, cung cấp lượng nước, nguồn đạm tự nhiên giàu dưỡng chất để cây lúa phát triển trong giai đoạn chăm sóc quan trọng này.

IMG_7380.jpg
Nông dân Hà Tĩnh bón thúc đòng, cung cấp dưỡng chất cho lúa hè thu.

Ông Trần Đăng Hoàn (thôn Nam Trung, xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê) chia sẻ: “Trong điều kiện nắng nóng liên tục kéo dài, cây lúa nhiều nơi đã bị vàng lá, kém hấp thu dưỡng chất. May mắn là trong 3 ngày liên tiếp từ 3 - 5/7, khu vực này đã có mưa dông với lượng khá lớn, làm không khí trở nên dịu mát hơn rất nhiều; cây lúa cũng trở nên xanh tốt thấy rõ. Bà con nông dân đang tranh thủ bón thúc đòng theo đúng thời vụ để đảm bảo cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt”.

Ông Trần Hoài Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê cho hay: "Hiện nay, các trà lúa tại địa phương đang phát triển tốt nhờ đủ nước, ít sâu bệnh. Mấy ngày trở lại đây địa phương đã có mưa kèm sấm sét, cung cấp nguồn đạm quý giá cho các chân ruộng, nhiệt độ giảm xuống, phù hợp cho giai đoạn sinh trưởng của lúa. Ngành chuyên môn cũng trực tiếp cử cán bộ thường xuyên thăm đồng, theo dõi sự phát triển và thông báo tình hình sâu bệnh, khuyến cáo bà con phun phòng đúng thời điểm, nhất là đối với các đối tượng như sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng...".

z5606344297087_c37b9fff2f71c7e38f5b5aac93828b0d.jpg
Nông dân cần phải lưu ý phun phòng sâu cuốn lá nhỏ giai đoạn lúa làm đòng.

Theo Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay, lúa hè thu 2024 giai đoạn đứng cái, một số diện tích gieo cấy sớm tại các vùng ven biển huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, ngoài đê Đức Thọ, thượng Can Lộc... giai đoạn phân hóa đòng, sinh trưởng phát triển tốt, dự kiến thời gian trổ tập trung từ ngày 5 - 10/8. Đây là giai đoạn rất quan trọng đối với cây lúa, thời kỳ hình thành số hạt/bông lúa, quyết định năng suất cuối vụ.

Ở giai đoạn này cây lúa cần tích lũy nhiều dinh dưỡng để nuôi đòng, nuôi cây. Vì thế, bà con nông dân cần lưu ý bón thúc đòng phù hợp, cân đối chất dinh dưỡng giúp cho lá lúa cứng, thẳng đứng, tăng cường khả năng chống chịu trước sự tấn công của dịch bệnh.

Ngoài cung cấp thêm dưỡng chất, bà con nông dân phải đảm bảo đủ duy trì được mực nước trong ruộng luôn đạt từ 5 - 7cm; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện các đối tượng dịch hại như: khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ và chủ động phun phòng trừ khi thấy sâu bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast