Trước đây, anh Phạm Khánh Tuấn (SN 1981, thôn Hoa Trung, xã Kỳ Hoa) từng theo học ngành vận hành máy thi công tại Trường Cao đẳng cơ điện Việt Xô (Ninh Bình). Năm 2005, sau khi tốt nghiệp, anh Tuấn làm công việc lái máy xúc gần 10 năm. Trong suốt thời gian đó, anh luôn ấp ủ ý định được phát triển, gây dựng mô hình kinh tế trên chính mảnh đất quê hương Kỳ Hoa của mình.
Năm 2016, nhận thấy lợi thế nguồn nước ngọt sông Trí đoạn qua địa bàn thuận lợi cho việc nuôi cá, anh Tuấn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 10 lồng nuôi cá diêu hồng với nguồn vốn khởi nghiệp 700 triệu đồng. Ban đầu, anh thả giống với mật độ 36 con/m3, toàn bộ 10 lồng có tổng thể tích mặt nước 100 m3, thả hơn 3.600 con.
Quá trình thả nuôi và thu hoạch cá thuận lợi trong 4 năm đầu, đến năm 2021, một biến cố lớn xảy ra với gia đình anh. Thời điểm đó, tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, thời tiết bất thuận, kèm theo đó là việc chủ quan khi thay đổi nguồn thức ăn cho cá, hàng chục tấn cá sắp thu hoạch của anh Tuấn mất trắng, thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng.
Không nản chí, năm 2022, anh Tuấn vay vốn của Ngân hàng Agribank Chi nhánh Kỳ Anh để gây dựng lại sự nghiệp, xây dựng 22 lồng bè với 1,5 ha nuôi trồng mặt nước. Bên cạnh đó, nhằm tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, anh Tuấn đã mạnh dạn đầu tư thêm các loại máy móc như: máy đảo nước, máy sục khí cung cấp oxi cho cá và tạo dòng chảy; gia cố, sửa sang lồng bè.
Anh Tuấn chia sẻ: “Cá diêu hồng là giống dễ nuôi, có sức đề kháng tốt. Với nguồn giống ban đầu chất lượng, kèm theo kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh định kỳ đảm bảo, cá sẽ sinh trưởng nhanh, khỏe mạnh, tỷ lệ sống lớn hơn 90%”. Trung bình mỗi ngày, anh Tuấn cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều tối. Công việc do 2 vợ chồng đảm nhiệm. Vào mùa cao điểm thu hoạch, gia đình phải thuê thêm 2 - 3 công nhân thời vụ cùng hỗ trợ.
Năm 2023, anh Tuấn thu hoạch được gần 27 tấn cá diêu hồng, giá bán ra khoảng 55.000 – 60.000 đồng/kg, doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận mang lại khoảng 500 – 600 triệu đồng.
Theo chia sẻ của anh Tuấn, cá diêu hồng được thương lái trực tiếp thu mua tại bè nên không phải lo lắng về đầu ra. Cá của anh không chỉ bán tại địa bàn Hà Tĩnh mà còn được nhiều thương lái, nhà hàng tại Quảng Bình, Nghệ An… lựa chọn.
Bên cạnh cá diêu hồng, anh Tuấn còn nhân rộng mô hình với hơn 10 lồng cá lăng. Với thời vụ nuôi khoảng 1,5 năm, cá lăng cho thu hoạch trên 15 tấn, giá bán ra khoảng 90.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 1,3 tỷ đồng/vụ.
Năm 2023, mô hình nuôi cá diêu hồng của anh Phạm Khánh Tuấn đã được Hội Nghề cá Việt Nam, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản Việt Nam cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo về thực hành nuôi trồng thủy sản tốt – VietGAP. Bên cạnh đó, sau khi tiến hành khảo sát, đánh giá, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với UBND xã Kỳ Hoa lựa chọn mô hình của anh Tuấn là mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện tại, bên cạnh mô hình nuôi cá trên sông Trí, anh Tuấn còn kết hợp chăn nuôi hơn 200 con gà, 2 vạn con ếch và trồng hơn 1.000 gốc mai. Sự chăm chỉ, cần cù đã giúp anh Tuấn gây dựng sự nghiệp, vươn lên làm giàu bền vững trên chính quê hương của mình. Song song với đó, anh Tuấn cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản tại các hội nghị, giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã Kỳ Hoa nói riêng và TX Kỳ Anh nói chung cùng nỗ lực phát triển kinh tế.
Anh Phạm Khánh Tuấn là nông dân tiêu biểu của xã Kỳ Hoa. Với sự mạnh dạn, chăm chỉ, anh Tuấn đã phát triển mô hình nuôi cá diêu hồng đem lại lợi nhuận cao, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện tại, trên toàn xã Kỳ Hoa có 3 hộ dân nuôi cá diêu hồng, bước đầu cho thấy mô hình này phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của vùng. Thời gian tới, UBND xã sẽ tiến hành tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm để đảm bảo hoạt động nuôi trồng thủy sản đúng quy trình kỹ thuật, nâng cao hiệu quả, đồng thời giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương của mình.
Ông Nguyễn Mạnh Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa