Từng tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc năm 1977, ông Hoàng Văn Thường (SN 1949) đang là một trong những cựu chiến binh tiêu biểu của thôn Kim Sơn, xã Kỳ Bắc, Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Năm 1982, sau khi trở về từ chiến trường, ông Thường tập trung sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi trâu, bò để phát triển kinh tế.
Năm 2018, trong một lần đi thực tế tham quan mô hình nuôi chim trĩ tại xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh), ông Thường ấn tượng với loài chim dễ nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vốn là người có thú nuôi chim, ông Thường quyết định xây dựng mô hình nuôi chim trĩ tại nhà với số vốn ban đầu khoảng 50 triệu đồng.
"Để thực hiện ý tưởng nuôi chim trĩ, tôi đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng nuôi rộng 100m2, sau đó, mua 10 cặp chim giống với giá 700.000 - 800.000 đồng/con để thử nghiệm" - ông Thường kể.
Do chưa có kinh nghiệm chăm sóc chim trĩ, thời gian đầu, ông Thường được người con trai hỗ trợ tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trên toàn quốc, sau đó áp dụng vào thực tế. Ông Thường cho biết: "Chim trĩ vốn là loài dễ nuôi, nhưng đây cũng là động vật nhạy cảm, sức đề kháng kém, do vậy, bên cạnh việc lựa chọn con giống đảm bảo, cần tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm phòng định kỳ; vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi hằng ngày".
Sau quá trình chăm sóc 2 năm, lứa chim trĩ đầu tiên của ông Thường bắt đầu sinh sản. Lúc này, ông Thường đầu tư thêm hệ thống lò ấp để đảm bảo điều kiện nhiệt độ và độ ẩm phù hợp; kèm theo đó là hệ thống máy phun nước làm mát chuồng nuôi. Với hơn 15 cặp chim sinh sản, ông Thường tiếp tục mở rộng diện tích lên 300m2. Đến năm thứ 3, mô hình chim trĩ bắt đầu đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
"Con giống ở độ tuổi từ 1 - 3 tháng được bán ra với giá 1,6 triệu đồng/cặp; từ 4 - 7 tháng tuổi có giá 2,2 triệu đồng/cặp; chim trưởng thành trên 2 năm có giá 6 triệu đồng/cặp. Năm 2023, mô hình nuôi chim trĩ của tôi mang về doanh thu hơn 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 90 triệu đồng" - ông Thường cho biết.
Sở dĩ chi phí nuôi chim trĩ thấp là bởi loài chim này ăn ít, chủ yếu ăn các nguyên liệu có sẵn như: ngô nghiền, lúa, cám, rau muống, thân cây chuối,... Trung bình mỗi ngày, ông Thường vệ sinh chuồng nuôi, cho chim ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều tối để đảm bảo chim phát triển khoẻ mạnh, thay lông đẹp.
Hiện tại, mô hình của ông Thường cung cấp chim trĩ cho khách hàng ở nhiều tỉnh thành như: Bắc Ninh, Hà Nội, Khánh Hoà, Quảng Ngãi... Khách hàng mua chim trĩ chủ yếu để chơi cảnh, một số hộ gia đình mua giống để phát triển chăn nuôi. Dù là động vật dễ nuôi, tuy nhiên, ông Thường cho biết, việc nuôi chim trĩ cũng đối diện với nhiều khó khăn như: giá cá biến động liên tục; thời tiết nắng nóng khiến chim sinh sản kém.
"Thời điểm này, chim trĩ đang vào mùa thay lông. Với hơn 80 con, gồm chim trưởng thành và chim con, tôi tiếp tục mở rộng, tích cực chăm sóc để đáp ứng nhu cầu chim trĩ ngày càng cao của thị trường" - ông Thường nói.
Mô hình nuôi chim trĩ của hội viên Hoàng Văn Thường là một mô hình độc đáo, được triển khai từ năm 2018. Với đức tính cần cù, chịu khó của bộ đội Cụ Hồ, hội viên Hoàng Văn Thường là một trong những cựu chiến binh điển hình về phong trào tăng gia sản xuất, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống.
Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh huyện Kỳ Anh thường xuyên tổ chức cho các hội viên tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu trên địa bàn. Bên cạnh đó, phối hợp với Ngân hàng chính sách huyện Kỳ Anh hỗ trợ các hội viên vay vốn để phát triển kinh tế, nhân rộng các mô hình tiêu biểu, cho thu nhập cao.
Ông Lê Đình Vinh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Kỳ Anh