Giải bài toán rác thải Hương Khê (bài 1): Rác bủa vây phố núi!

(Baohatinh.vn) - Thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh) đang bị rác bủa vây. Rác tràn ngập khắp các địa bàn, trở thành “vấn nạn” ám ảnh người dân. Một khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt tập trung đủ quy chuẩn là niềm mong thường trực của chính quyền và người dân nơi đây.

Rác ngập phố núi, rác theo tàu vào Nam

Năm 2017, bãi chôn lấp rác tự phát ở xứ đồng Trại Lợn quá tải, buộc phải đóng cửa. Bắt đầu từ thời điểm đó, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Hương Khê không có “đầu ra”, dẫn đến ứ đọng, khắp đường làng, ngõ xóm… thành bãi rác bất đắc dĩ.

Những người có ý thức thì còn tìm cách xử lý tạm thời hoặc cố gắng hạn chế nguồn rác thải phát sinh. Tuy nhiên, có nhiều người do “quẫn bách”, không có phương án xử lý rác tại gia đình nên “tiện đâu vứt đó”. Thậm chí, hiện tượng người dân treo rác lên các đoàn tàu, gửi ra Bắc, vào Nam đã từng trở thành tâm điểm của dư luận cả nước.

Năm 2017, bãi chôn lấp rác tự phát ở xứ đồng Trại Lợn quá tải, buộc phải đóng cửa ...

Theo anh Phan Đăng Lâm ở thị trấn Hương Khê thì: Ngay trong thị trấn, có trung tâm hành chính huyện mà rác thải ngập tràn, chất đống cạnh các trụ sở, trường học. Rác tràn cả xuống hồ Bình Sơn, dọc đường Hồ Chí Minh, đến đâu cũng gặp rác.

“Sống trong môi trường thế này, chúng tôi làm sao có thể an tâm học tập, làm việc. Rất mong chính quyền các cấp có giải pháp để xử lý tình trạng rác thải bừa bãi”, ông Lâm bức xúc.

... từ đó, thị trấn Hương Khê ngập tràn rác thải.

Chị Phan Thị Hằng ở thị trấn Hương Khê cho biết: “Gần 2 năm nay, gia đình tôi phải phận loại rác thải tại nhà, những chất thải rắn được bỏ vào bao, đưa về nhà ông bà ngoại (xã Hương Vĩnh) xử lý. Vườn nhà ông bà rộng, có thể đốt hoặc chôn lấp. Nhưng để đốt, nhiều thứ phải phơi cho khô rất phiền phức, mất thời gian. Đó là chưa nói, về lâu dài thì đất để chôn lấp rác thải cũng không còn và nguy cơ ô nhiễm môi trường sống là luôn hiện hữu”.

Rác tràn lan khắp tuyến đường Hồ Chí Minh...

Chủ tịch UBND thị trấn Hương Khê - Hoàng Quốc Nhã thông tin, địa bàn có hơn 3.500 hộ dân, trong đó có 1.400 hộ kinh doanh, buôn bán. Mỗi ngày, thị trấn phát sinh gần 12 – 13 tấn rác nhưng vì không có chỗ xử lý rác nên người dân phải “tập kết” ra hai bên đường.

Không chỉ thị trấn Hương Khê mà các xã lân cận cũng chịu chung “thảm cảnh”. “Ngoài lượng rác thải của gia đình chưa biết giải quyết thế nào thì lượng rác từ các nơi khác đổ về khiến chúng tôi sống trong môi trường rác. Cứ vài ngày, dọc tuyến đường từ thị trấn về Hương Thủy lại mọc lên hàng chục đống rác. Thôi thì đủ thứ, từ chất thải rắn sinh hoạt đến cả xác động vật bốc mùi hôi thối nồng nặc” – anh Trần Quốc Toàn ở xã Hương Thủy bức xúc.

Sau mỗi trận mưa, rác xuôi về hồ Bình Sơn biến nới đây thành một “hồ nước rác”.

Đi tìm lời giải

Nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường vì rác thải, thời gian qua, UBND huyện và UBND thị trấn Hương Khê đã trích ngân sách để thuê các đơn vị môi trường chở rác đi xử lý; số tiền thuê xử lý rác từ đầu năm 2018 đến nay hơn 3,5 tỉ đồng.

“Đây là một số tiền đã phải bỏ ra rất lớn so với điều kiện thu ngân sách của huyện. Điều đáng nói, đây cũng chỉ mới là giải pháp tạm thời, chưa và không bao giờ là lời giải đúng cho bài toán xử lý rác thải trên địa bàn Hương Khê” – Q. Trưởng phòng TN&MT huyện Hương Khê Nguyễn Xuân Quyền cho biết.

Trung bình mỗi ngày, riêng thị trấn Hương Khê thải ra 12 - 13 tấn rác nhưng không có “đầu ra” nên phải chất đống bên đường.

Theo tính toán, lượng rác thải trung bình năm của giai đoạn 2019 – 2033 của thị trấn Hương Khê và 8 xã (Gia Phố, Phú Phong, Hương Xuân, Hương Thủy, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Long, Hương Bình) khoảng 7.535 tấn/năm (20,6 tấn/ngày).

“Hiện, lượng rác thải này chưa có giải pháp xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Do đó, việc đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt tập trung tại địa bàn là rất cần thiết và cấp bách” – ông Quyền cho biết thêm.

Ban đầu, dự án Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt của huyện Hương Khê được khảo sát tại vùng Khe Nác, xã Gia Phố.

Tìm lời giải cho bài toán này, đầu năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung của huyện Hương Khê tại khoảnh 6, Tiểu khu 208, xã Hương Thủy.

Theo đó, khu xử lý có tổng diện tích 14.143 m2, sử dụng Lò đốt SANKYO GF 1500 công suất 1000kg/giờ công nghệ Nhật Bản, với tổng mức đầu tư: 23.317 triệu đồng.

Dự án được phê duyệt, vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải đã có hướng xử lý. Bà con nhân dân khấp khởi vui mừng, chính quyền địa phương thở dài nhẹ nhõm. Thế nhưng...

(Còn nữa...)

Chủ đề Ô nhiễm môi trường

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói