Phú Quang với Hà Nội

Điều kỳ lạ ở Phú Quang là anh cứ liên tục tuôn trào nỗi nhớ của mình thành một vệt các bài hát từ Em ơi! Hà Nội phố (phỏng thơ Phan Vũ) mùa Đông 1988 cho đến tận hôm nay. Cũng là nỗi nhớ, nhưng Phú Quang như đã từng thổ lộ, khi xa Hà Nội, anh nhớ quay quắt, nhớ thường trực, nhớ ngày, nhớ đêm... Đấy là một tình cảm riêng tư của anh với Hà Nội. Một tình cảm chân thành mà ta cần ghi nhận. Nhân dịp kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng ta hãy cùng điểm lại các ca khúc ắp đầy nỗi nhớ Hà Nội của Phú Quang.

1. Có lẽ hiếm có thủ đô nào trên thế giới lại có nhiều bài hát như thủ đô Hà Nội của chúng ta. Cái cách mỗi tác giả rung động để viết ra những cung bậc cảm xúc với Thủ đô của mình cũng hoàn toàn khác biệt nhau. Người thì chọn vào đúng thời điểm Hà Nội mùa Đông 1946 dựng lên chiến lũy đánh Pháp mà tuôn trào thành một trường ca âm thanh như Nguyễn Đình Thi với Người Hà Nội. Người thì tích tụ nỗi nhớ khi xa nơi định cư nhiều năm tháng ở Hà Nội và viết ra nỗi nhớ xa xót ấy trong một dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ đô năm 1984. Đó là Hoàng Hiệp với Nhớ Hà Nội. Cũng như thế nhưng là nỗi nhớ của người Hà Nội chia xa khi đất nước chia cắt sau Hiệp định Genève năm 1954. Đó là Song Ngọc với Hà Nội ngày tháng cũ. Và còn rất nhiều, rất nhiều. Họ giống nhau là chỉ thốt lên cung bậc nhớ của mình có một lần. Một lần thật ấn tượng. Ấn tượng để đời.

Riêng Phú Quang thì sự rung động này có khác. Đó là việc anh cứ liên tục tuôn trào nỗi nhớ của mình thành một vệt các bài hát từ Em ơi! Hà Nội phố (phỏng thơ Phan Vũ) mùa Đông 1988 cho đến tận hôm nay. Trong vệt bài hát, Phú Quang ngoài việc tự thổ lộ nỗi nhớ của mình, cái đáng kể là anh rất giỏi biến nỗi nhớ của nhiều nhà thơ về Hà Nội trở thành nỗi nhớ của mình. Giỏi đến nỗi khi anh chọn bài thơ nào, thì bài thơ đó qua cung bậc nhớ của anh, nó đã hóa thân một cách tự nguyện vào bài hát và để rồi người ta nhớ đến nó chính là nhớ đến cái giai điệu hát nó lên.

Phú Quang với Hà Nội

Nhạc sĩ Phú Quang

Trường ca Em ơi! Hà Nội phố của Phan Vũ là một ví dụ điển hình. Đó là một trường ca rất dài và rất hay của nghệ sĩ lang bạt suốt gần trọn thế kỷ sống và yêu đến tận cùng. Bắt được cái nhịp trì tục “ta còn em” của trường ca, Phú Quang đã chọn lọc một số câu thơ trong trường ca mà làm thành bài hát Em ơi! Hà Nội phố nổi tiếng khi anh rời xa Hà Nội vào Sài Gòn được một thời gian.

Có người mê Phú Quang cứ quả quyết rằng sau Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, là phải nhớ tới Em ơi! Hà Nội phố. Một cực đoan dễ thương. Nhưng quả thật, Em ơi! Hà Nội phố đã làm nên thương hiệu Phú Quang. Và không biết có đúng không, từ đấy nhiều người mới biết đến tác giả thơ Phan Vũ, mặc dù ông đã viết trường ca này từ năm 1972. Đấy là cái lợi hại của âm nhạc. Tuy nhiên, nếu không có thơ Phan Vũ thì chẳng bao giờ có bài hát Em ơi! Hà Nội phố để ta biết đến nhạc sĩ Phú Quang.

Với nỗi nhớ Hà Nội theo kiểu riêng của mình, Phú Quang đã “chộp” rất “trúng” những bài thơ đồng điệu với nỗi nhớ kiểu anh. Có thể kể ra lai láng những cung bậc nhớ ấy. Nào là Chiều hoang, Chiều phủ Tây Hồ phổ thơ Thái Thăng Long. Thái Thăng Long cũng là người Hà Nội “zin” và nỗi nhớ Hà Nội của anh thành thực như chính con người thi sĩ Thái Thăng Long. Phú Quang đã phả vào đấy thật hòa quyện cung bậc nhớ của mình để làm nên tác phẩm âm nhạc đầy ám ảnh. Cũng theo cách đó, phải kể đến Hà Nội ngày trở về (phỏng thơ Thanh Tùng), Nỗi nhớ mùa Đông (thơ Thảo Phương).

Phú Quang với Hà Nội

Còn một cách rất Phú Quang là cách thả rất bâng quơ như sương khói những cung bậc nhớ của mình vào những bài thơ có khi của người ở xa ghé thăm Hà Nội như trường hợp Im lặng đêm Hà Nội, Lang thang của Phạm Thị Ngọc Liên từ Sài Gòn đã thốt lên khi chạm vào Hà Nội.

Có khi lại là một nén lại của chính người Hà Nội đứng chân qua năm tháng ở Hà Nội như Lãng đãng chiều Đông Hà Nội mà Phú Quang phổ thơ Tạ Quốc Chương. Phú Quang nhớ Hà Nội, yêu Hà Nội thật quay quắt, thật đa chiều. Chính năng lượng nhớ này đã cho anh đủ sức vượt qua những rào cản của những bài thơ có thi pháp ấn tượng, tưởng chừng như không thể phổ nhạc được. Đó là trường hợp Tình khúc 24 phổ thơ Dương Tường.

Hai tư phím cầm chiều

Hai tư nhành sương mím

Hai tư tiếng ve sầu

Đại lộ tháng Tư

*

Gửi lại em

Tờ thư hai tư gác mưa

Mùa hoa sữa

Hai tư miền hoài niệm

Cơn mơ chợt hiện chợt tan…

Điệp âm “hai tư” đã chạy theo suốt tác phẩm, gây ám ảnh cho người nghe đến tràn ứa, đến thăng hoa.

2. Nhớ và yêu Hà Nội đến thế, Phú Quang đã trở thành công dân tiêu biểu của Thủ đô từ vài năm trước. Nhưng cũng đã đến lúc, phải có một ghi nhận gì đó với vệt bài hát của anh viết về Hà Nội, làm mưa, làm gió trên sàn diễn Nhà hát lớn Hà Nội suốt bao nhiêu năm qua. “Nghệ thuật dài lâu - Đời người có hạn” mà.

Phú Quang với Hà Nội

Nhiều người bằng nhiều lý do đã từng nói những bài hát Hà Nội của Phú Quang đều ăn theo thơ. Liệu có hơi thiếu công bằng không, khi việc phổ nhạc các bài thơ là việc nhiều nhạc sĩ trên thế giới đã làm như việc rất hiển nhiên. Kể cả khi trích dẫn những câu thơ ấy trong bài viết của mình, thì người viết vẫn hoàn toàn ý thức được rằng đấy là những câu thơ đã được phổ nhạc, không còn là câu thơ chỉ là thơ nữa. Bởi thế, việc khẳng định đóng góp của Phú Quang với Hà Nội là việc cần làm. Và cần làm ngay.

Tôi lại rất thích một bài hát do Phú Quang tự viết lời - bài Ngọn nến. Đấy là một giai điệu đầy thân phận. Còn ca từ thì rất giàu chất thơ.

Khi từng giọt nến

Lặng lẽ rớt vào đêm sâu

Em có thấy

Thời gian đang qua đi vội vã

*

Khi từng giọt nến

Lặng lẽ rớt vào đêm sâu

Ta chợt nghe

Mùa thu trắng trên đầu

*

Sao tình yêu còn dâng trong mắt em

Cho ta nhớ một thời trai trẻ

Sao mùa thu còn vương trong mắt em

Cho ta nhớ tiếc

Một thời xa đến thế

*

Dẫu một mai tình xa trong đắng cay

Sẽ còn mãi những phút giây này

*

Bài thánh ca cho ta cho em

Và ngọn nến mong manh trong đêm

Vâng! Mong manh quá nghệ thuật. Mong manh quá đời người. Làm sao để có thể thanh thản vượt lên tất cả những vụn vặt đời thường, chỉ nhìn thấy trong vắt một sự dâng hiến tận sâu bản thể. Để rồi mỉm cười hồn nhiên thánh thiện…

Theo Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha/TT&VH

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast