Giẫm đạp ở Ấn Độ, gần 100 người thiệt mạng

Nhiều người chen chúc và giẫm đạp lên nhau trên cây cầu bên ngoài ngôi đền Ratangarh ở quận Daita, bang Madhya Pradesh, miền bắc Ấn Độ hôm qua, làm 91 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

91 người đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp xảy ra hôm qua trên cây cầu bên ngoài ngôi đền Ratangarh ở Ấn Độ. Ảnh: AFP.
91 người đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp xảy ra hôm qua trên cây cầu bên ngoài ngôi đền Ratangarh ở Ấn Độ. Ảnh: AFP.

"Số người chết đã lên tới 91, còn 10 người khác đang trong tình trạng nguy kịch", AFP dẫn lời D. K. Arya, Phó Tổng thanh tra cảnh sát địa phương hôm qua cho biết. Lực lượng cảnh sát cảnh báo thương vong có thể còn gia tăng do các nhân viên y tế gặp khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường.

"Vụ việc xảy ra khi xuất hiện những tin đồn cho rằng cây cầu sập do bị xe kéo va vào", ông Arya nói. "Nhiều người hoảng sợ và ngã xuống sông". Theo những nguồn tin khác từ cảnh sát, có khoảng 20.000 người trên cây cầu bắc qua sông Sindh khi vụ giẫm đạp xảy ra. Ngoài ra còn có 400.000 tín đồ Hindu giáo ở trong hoặc xung quanh ngôi đền.

Khu vực đền Ratangarh cách thủ phủ Bhopal của bang Madhya Pradesh 350 km về phía bắc. Đám đông bắt đầu tập trung về đây từ sáng sớm hôm qua để chuẩn bị cho buổi lễ kết thúc lễ hội Navaratri. Đây là lễ hội kéo dài 9 ngày thờ vị thần Durga trong đạo Hindu, kết thúc bằng nghi thức ngâm tượng thần Durga xuống sông vào ngày 14/10. Buổi lễ thu hút hàng triệu tín đồ đến các ngôi đền, đặc biệt là ở miền bắc Ấn Độ.

Nhân chứng ở hiện trường cho biết vụ việc trở nên nghiêm trọng hơn khi lực lượng cảnh sát sử dụng gậy gỗ nặng để ổn định đám đông.

"Cảnh sát dùng gậy lathis xử lý hỗn loạn khiến tình hình càng trở nên tồi tệ, làm nhiều người phải nhảy khỏi cầu", Manoj Sharma, 28 tuổi nói với The Times of India. Sharma sống ở thị trấn Bhander gần đó và đang trên đường đến ngôi đền cùng với những người bạn. Tuy nhiên, D.K. Arya khẳng định "không có chuyện cảnh sát sử dụng gậy lathis như vậy xảy ra".

"Cảnh sát Datia không rút ra được bài học nào sau thảm họa năm 2006", tiêu đề một bài viết trên The Hindustan Times, nhấn mạnh rằng nhà chức trách "thiếu khả năng đảm bảo an toàn và an ninh cho các tín đồ". Vụ giẫm đạp năm 2006 từng làm 50 người thiệt mạng cũng xảy ra ở khu vực đền Ratangarh khi các tín đồ tranh nhau vượt sông Sindh. Sau đó, chính quyền địa phương tiến hành xây dựng cây cầu.

Uma Shankar Gupta, giám đốc sở Nội vụbang Madhya Pradesh, cho biết nhà chức trách chưa xác định được chính xác nguyên nhân xảy ra sự hỗn loạn nhưng phản đối ý kiến cho rằng an ninh chưa tốt.

"Chúng tôi đã có những biện pháp đảm bảo an toàn tại chỗ, đây là sự kiện diễn ra hàng năm", ông Gupta nói với các phóng viên. "Chúng tôi chưa có thông tin về nguyên nhân vụ việc và đang tập trung vào các nỗ lực cứu hộ".

Ashok Argal, một nghị sĩ liên bang, đổ lỗi cho đám đông vì quá vội vàng qua cầu. "Nếu nói đó là lỗi của chính quyền thì không đúng. Lực lượng chức năng đã thực hiện những biện pháp cần thiết cho người dân để tránh sự cố đáng tiếc", ông nói với AFP. "Tuy nhiên, mọi người lại ít hợp tác và thiếu bình tĩnh, dẫn tới thảm kịch này".

Shivraj Singh Chouhan, Thủ hiến bang Madhya Pradesh cho biết chính quyền sẽ hỗ trợ 150.000 rupie cho gia đình nạn nhân thiệt mạng và 50.000 rupie cho người bị thương. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trong cùng ngày đã có lời chia buồn về thảm kịch. "Trong lễ hội hôm nay, trái tim và lời cầu nguyện chúng ta cùng hướng về các nạn nhân và gia đình họ", ông chia sẻ trong một thông báo.

Ấn Độ là quốc gia từng xảy ra nhiều vụ giẫm đạp chết người trong các lễ hội tôn giáo. Hồi tháng 2, 36 người đã thiệt mạng khi những người hành hương quay trở về nhà từ lễ hội tôn giáo Kumbh Mela bên bờ sông Hằng. Tháng 1/2011, 102 người theo đạo Hindu cũng đã bị chết trong trong vụ giẫm đạp ở bang Kerala, tây nam Ấn Độ.

Thi thể những tín đồ Hindu thiệt mạng trong vụ giẫm đạp được đưa lên xe tải. Ảnh: AFP.
Thi thể những tín đồ Hindu thiệt mạng trong vụ giẫm đạp được đưa lên xe tải. Ảnh: AFP.
Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.