Cần thiết xây dựng trường học chuyên biệt cho trẻ khuyết tật tại Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh hiện có hơn 1.000 học sinh khuyết tật đang học hòa nhập tại các nhà trường. Trong đó, tại TP Hà Tĩnh có 102 em, chủ yếu thuộc nhóm rối loạn về trí tuệ, tự kỉ, tăng động, hạn chế khả năng học tập, giao tiếp.

Cần thiết xây dựng trường học chuyên biệt cho trẻ khuyết tật tại Hà Tĩnh

Chiều 12/8, UBND thành phố tổ chức hội nghị tư vấn phát triển giáo dục cho trẻ khuyết tật và định hướng xây dựng cơ sở giáo dục chuyên biệt tại Hà Tĩnh.

Tham dự hội nghị có bà Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT); ông Lee Seok Hee - Viện trưởng, Chủ nhiệm dự án hợp tác (Học khu Gyeongnam Hàn Quốc) và các thành viên đoàn cố vấn cao cấp Viện Giáo dục đặc biệt thuộc Học khu Gyeongnam Hàn Quốc.

Về phía Hà Tĩnh có Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) Đào Thị Anh Nga; đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT; lãnh đạo thành phố Hà Tĩnh và một số sở, ngành liên quan.

Theo thống kê, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 1.000 học sinh khuyết tật đang học hòa nhập tại các nhà trường. Trong đó, tại TP Hà Tĩnh có 102 em (71 học sinh tiểu học và 31 em THCS), chủ yếu thuộc nhóm rối loạn về trí tuệ, tự kỉ, tăng động, hạn chế khả năng học tập, giao tiếp (gọi chung là khuyết tật trí tuệ).

Để hỗ trợ, đồng hành cùng với các nhà trường và tạo điều kiện để các em học sinh khuyết tật tiếp cận giáo dục, HĐND thành phố Hà Tĩnh cũng đã ban hành nghị quyết hỗ trợ giáo viên giảng dạy lớp có học sinh khuyết tật học hòa nhập (mỗi tháng 300.000 đồng/giáo viên).

Cần thiết xây dựng trường học chuyên biệt cho trẻ khuyết tật tại Hà Tĩnh

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Duy Đức báo cáo tình hình học sinh khuyết tật học hòa nhập tại TP Hà Tĩnh.

Việc tổ chức giáo dục học sinh khuyết tật học hòa nhập tại TP Hà Tĩnh được bố trí vào các lớp của trường học chính quy với mỗi lớp không quá 2 học sinh khuyết tật.

Giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh khuyết tật, chú trọng vào việc phát triển các kĩ năng. Nội dung chương trình học được các nhà trường điều chỉnh, giảm nhẹ phù hợp với đối tượng học sinh.

Cần thiết xây dựng trường học chuyên biệt cho trẻ khuyết tật tại Hà Tĩnh

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hồng Cường: Hiện nay, nhu cầu từ thực tiễn về trường học chuyên biệt cho trẻ khuyết tật ở Hà Tĩnh là rất bức thiết. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT rà soát toàn bộ hệ thống trường học có học sinh khuyết tật học hòa nhập để có phương án bền vững, lâu dài. Việc TP Hà Tĩnh chủ động đề xuất triển khai mô hình này trên địa bàn đã thể hiện được tâm huyết, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền đối với công tác phát triển giáo dục nói chung và giáo dục đặc biệt nói riêng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện giáo dục cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn gặp khó khăn như: hầu hết trẻ khuyết tật đều thuộc nhóm khuyết tật trí tuệ, những biểu hiện ít biểu lộ, do đó nhiều em có xu hướng tăng nặng, gây khó khăn cho việc tiếp cận giáo dục khi đến trường học. Một số học sinh khuyết tật có biểu hiện bất thường về tâm sinh lý, gây ảnh hưởng đến hoạt động, chất lượng của lớp học.

Tâm lý phụ huynh học sinh khuyết tật còn thiếu hợp tác, thừa nhận. Trên địa bàn chưa cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho giáo dục chuyên biệt ở các trường học chưa đầy đủ, đồng bộ…

Cần thiết xây dựng trường học chuyên biệt cho trẻ khuyết tật tại Hà Tĩnh

Đoàn công tác Bộ GD&ĐT và Viện Giáo dục đặc biệt thuộc Học khu Gyeongnam Hàn Quốc lắng nghe những chia sẻ, đề xuất của TP Hà Tĩnh về triển khai mô hình giáo dục đặc biệt tại Hà Tĩnh.

Tại hội nghị, các đại biểu thành phố đề nghị Bộ GD&ĐT ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn việc thành lập, phân cấp quản lý và hoạt động của hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt; có giải pháp hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh và các địa phương trong việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật; hỗ trợ kêu các chương trình, dự án về giáo dục đặc biệt.

Cần thiết xây dựng trường học chuyên biệt cho trẻ khuyết tật tại Hà Tĩnh

Ông Lee Seok Hee - Viện trưởng, Chủ nhiệm dự án hợp tác (Học khu Gyeongnam Hàn Quốc) đánh giá cao sự quan tâm của Hà Tĩnh đối với giáo dục đặc biệt. Đoàn cố vấn sẽ đồng hành, hỗ trợ và tư vấn với tỉnh và thành phố trong việc xây dựng trường học chuyên biệt có hiệu quả, đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Đối với tỉnh, TP Hà Tĩnh đề nghị HĐND tỉnh cần ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên làm công tác giáo dục trẻ khuyết tật; chính sách hỗ trợ học sinh khuyết tật học hòa nhập; UBND tỉnh xây dựng đề án thành lập và xây dựng trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật; tổ chức chuyên đề, hội thảo, bồi dường giáo viên giảng dạy học khuyết tật.

Cần thiết xây dựng trường học chuyên biệt cho trẻ khuyết tật tại Hà Tĩnh

Bà Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT): Đánh giá cao sự chủ động, tiên phong của TP Hà Tĩnh về việc quan tâm đề xuất xây dựng trường học chuyên biệt nhằm đáp ứng nhu cầu học và phát triển của học sinh khuyết tật. Cùng với việc hoàn thiện các hệ thống cơ sở pháp lý, Vụ Giáo dục thường xuyên sẽ là đầu mối kết nối với các chuyên gia Viện Giáo dục đặc biệt thuộc Học khu Gyeongnam Hàn Quốc để hỗ trợ địa phương trong quá trình thực hiện. Đồng thời, đoàn tiếp thu các đề xuất của TP Hà Tĩnh trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, làm cơ sở trình Chính phủ về các cơ chế, chính sách trong công tác giáo dục cho học sinh khuyết tật.

Tại buổi làm việc, đoàn cố vấn cấp cao Viện Giáo dục đặc biệt thuộc Học khu Gyeongnam Hàn Quốc đã chia sẻ các thông tin về mô hình trường học chuyên biệt tại Hàn Quốc; tư vấn thêm về các cơ chế chính sách phát triển giáo dục đặc biệt; phương án triển khai, cơ sở xây dựng trường chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật; cơ cấu nhân sự, giáo viên tham gia giảng dạy giáo dục đặc biệt…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Hiếu bày tỏ cảm ơn đến Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) đã quan tâm, hoàn thiện hệ thống pháp lý về xây dựng cơ sở giáo dục chuyên biệt cũng như kết nối với các chuyên gia Học khu Gyeongnam Hàn Quốc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho các giáo viên trên địa bàn về giáo dục đặc biệt.

Cần thiết xây dựng trường học chuyên biệt cho trẻ khuyết tật tại Hà Tĩnh

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Hiếu phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch UBND thành phố cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp, tư vấn tâm huyết từ các chuyên gia đoàn cố vấn cấp cao Viện Giáo dục đặc biệt thuộc Học khu Gyeongnam Hàn Quốc, làm cơ sở bước đầu để địa phương đề xuất triển khai mô hình giáo dục chuyên biệt tại Hà Tĩnh. Thời gian tới, TP Hà Tĩnh mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ các chuyên gia với các kế hoạch, chương trình, dự án cụ thể. UBND thành phố tiếp thu các ý kiến góp ý để đề xuất UBND tỉnh xây dựng trường giáo dục chuyên biệt đảm bảo đúng quy hoạch, nhu cầu thực tiễn, đáp ứng yếu tố nhân văn trong công tác xã hội và giáo dục cho trẻ khuyết tật.

Khẳng định sự cần thiết xây dựng trường học chuyên biệt cho học sinh khuyết tật, Chủ tịch UBND thành phố đề xuất với Bộ GD&ĐT và các cơ quan cấp tỉnh nghiên cứu, có cơ chế chính sách đối với giáo dục đặc biệt, nhất là trong việc thu hút nguồn nhân lực đối với Hà Tĩnh nói chung và thành phố nói riêng. Sở GD&ĐT cần tham mưu UBND tỉnh đưa vào quy hoạch xây dựng trường chuyên biệt tại Hà Tĩnh; đề xuất định hướng xây dựng trường chuyên biệt liên cấp. TP Hà Tĩnh sẽ đồng hành cùng các chuyên gia và sở, ngành chuyên môn nhằm tiến tới xây dựng trường giáo dục chuyên biệt tại Hà Tĩnh, đáp ứng nhu cầu bức thiết hiện nay trong ngành giáo dục cũng như tâm lý của phụ huynh học sinh.

Cần thiết xây dựng trường học chuyên biệt cho trẻ khuyết tật tại Hà Tĩnh

Cũng trong chiều nay (12/8), Bộ GD&ĐT phối hợp Viện Giáo dục đặc biệt thuộc Học khu Gyeongnam Hàn Quốc bế giảng và trao chứng chỉ cho 82 cán bộ quản lý, giáo viên tham gia khoá bồi dưỡng giáo dục đặc biệt dành cho giáo viên tại Việt Nam năm 2022.

Khóa bồi dưỡng diễn ra trong 5 ngày (8-12/8), các học viên là cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường học trên cả nước được 13 chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục của Viện Giáo dục đặc biệt thuộc Học khu Gyeongsangnam trực tiếp giảng dạy.

Các nội dung chính gồm: Tập huấn các vấn đề về chính sách, quản trị cơ sở giáo dục có học sinh khuyết tật, giáo dục hòa nhập; xây dựng văn hóa khuyết tật đồng cảm và chia sẻ kinh nghiệm giáo dục đặc biệt tại Hàn Quốc; bồi dưỡng, tập huấn các vấn đề liên quan tới phương pháp giảng dạy cho học sinh khuyết tật; hướng dẫn giao tiếp thiết bị bổ trợ, hỗ trợ giao tiếp; cải cách chương trình giáo dục đặc biệt; tạo và làm tài liệu giáo dục đặc biệt và thiết bị hỗ trợ giảng dạy; giáo dục hướng nghiệp cho học sinh khuyết tật.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast