Ứng biến linh hoạt, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh đảm bảo chất lượng giáo dục

(Baohatinh.vn) - Năm 2021, với sự đồng hành, chia sẻ của cả cộng đồng, ngành Giáo dục Hà Tĩnh vượt khó, ứng biến linh hoạt để duy trì dạy học, giữ vững chất lượng giáo dục. Giữa những niềm thương, khó khăn dần lùi bước, học sinh vùng đất học lại miệt mài đèn sách, ấp ủ những khát vọng mới.

Khắc phục khó khăn, duy trì dạy học

Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Thị Quỳnh Diệp chia sẻ: Thực hiện lời Bác dạy “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh quyết tâm khắc phục khó khăn, chủ động, linh hoạt tổ chức dạy học, đảm bảo an toàn và kiên trì mục tiêu giữ vững chất lượng.

Ứng biến linh hoạt, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh đảm bảo chất lượng giáo dục

Để đảm bảo việc học cho các em trong vùng bị cách ly y tế, thời điểm tháng 10/2021, giáo viên Trường THCS Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh) duy trì song song hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến.

Theo đó, ngành đã xây dựng phương án tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến với các thời lượng khác nhau. Phương án này đã được các địa phương vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn và diễn biến của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn một cách chủ động, linh hoạt.

“Từ các phương án của sở và tinh thần tận dụng tối đa “thời gian vàng” để dạy học trực tiếp, chúng tôi đã tham mưu UBND thành phố lựa chọn phương án dạy học 5 buổi/tuần đối với tiểu học và 6 buổi/tuần đối với THCS. Các nhà trường xây dựng chương trình hợp lý, lựa chọn những môn học đòi hỏi sự tương tác lớn giữa giáo viên và học sinh, kiến thức cốt lõi để giảng dạy.

Những phần kiến thức còn lại, giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học và duy trì hình thức trực tuyến đối với học sinh THCS. Nhờ đó, dẫu nhiều đợt dịch xâm nhập vào các trường học trên địa bàn nhưng việc học của học sinh không bị gián đoạn, chất lượng giáo dục được duy trì”, cô Trần Thị Thủy Nga - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh cho hay.

Ứng biến linh hoạt, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh đảm bảo chất lượng giáo dục

Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai và phát huy hiệu quả.

Việc linh hoạt hình thức dạy học theo nhiều phương án phù hợp với tình hình dịch bệnh đòi hỏi các nhà trường, tổ bộ môn, giáo viên phải chủ động nghiên cứu, xây dựng chương trình giảng dạy. Vất vả và áp lực, nhưng trên tất cả, các thầy cô đều nỗ lực hết mình để đảm bảo chương trình và học sinh vẫn nắm vững kiến thức cốt lõi của bài giảng.

Tại các trường học ở vùng khó khăn, phương án chia học sinh thành các nhóm theo điều kiện học tập để có các giải pháp hỗ trợ thêm như: giao nhiệm vụ học tập qua tin nhắn SMS, Zalo, Facebook, gửi tài liệu đến các em học sinh; hướng dẫn phụ huynh kèm cặp, phát động phong trào đôi bạn cùng tiến đã được triển khai linh hoạt, hiệu quả.

Đồng hành với việc học trong mùa dịch, các tổ chức, đoàn thể như phụ nữ, thanh niên đã phân công hội viên ở từng thôn xóm tham gia kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, hỗ trợ học sinh duy trì việc học.

Không để học sinh “bị bỏ lại phía sau”

Dịch bệnh bùng phát ngay trước thềm năm học mới khiến gần 1.700 học sinh Hà Tĩnh bị “mắc kẹt” tại các tỉnh, thành phía Nam. Các thầy cô giáo, nhà trường đã thường xuyên gọi điện động viên, thăm hỏi học sinh, tạo điều kiện cho các em đăng ký học tạm thời tại các trường sở tại, hỗ trợ các em học trực tuyến.

Ứng biến linh hoạt, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh đảm bảo chất lượng giáo dục

Các trường học thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch.

Tiếp đó, từ chủ trương nhân văn của tỉnh và sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương, Sở Giao thông vận tải, Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại các tỉnh, thành phía Nam, toàn bộ học sinh bị “mắc kẹt” tại vùng dịch đã được đón về trong niềm yêu thương, sự quan tâm của cả cộng đồng.

Em Mai Hương Trà - học sinh lớp 10A4, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên) từ Vũng Tàu về quê trên chuyến xe 0 đồng, xúc động: “Em đã được trở về nhà và tiếp tục việc học sau thời gian cách ly. Với sự giúp đỡ của các thầy cô giáo, bạn bè, đến nay em đã dần bắt nhịp với chương trình. Đi qua những tháng ngày khó quên ấy, em thấm thía hơn những ân tình của quê hương, thầy cô, bè bạn. Đó cũng là động lực để em không ngừng cố gắng trong học tập”.

Ứng biến linh hoạt, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh đảm bảo chất lượng giáo dục

Học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Liễn trở về từ vùng dịch được hỗ trợ kiến thức theo nhóm dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo và sự hỗ trợ của bạn bè.

Chia sẻ với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cả cộng đồng đã chung tay, góp sức để mua thiết bị cho các em học trực tuyến. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” huy động được hơn 4 tỷ đồng (gồm tiền mặt và hiện vật) từ hơn 3.000 tổ chức, cá nhân ủng hộ qua Ủy ban MTTQ tỉnh và qua kênh kêu gọi của các nhà trường đã giúp hàng nghìn học sinh không bị gián đoạn việc học.

Em Trần Việt Thắng - lớp 12A3, ở tổ dân phố Tây Trinh, phường Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh) xúc động: “Chiếc Smartphone mà các thầy cô giáo trao tặng đã tạo thuận lợi cho em trong học tập, tiếp thêm động lực giúp em vượt qua thời điểm khó khăn, phấn đấu đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới”.

Ứng biến linh hoạt, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh đảm bảo chất lượng giáo dục

Huyện Hương Sơn huy động các nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ phương tiện giúp học sinh nghèo học trực tuyến.

Một năm với những biến cố chưa từng có trong tiền lệ đã qua đi với những ký ức, cảm xúc không thể nào quên. Hình ảnh các thầy cô giáo ở Trường THPT Kỳ Anh (TX Kỳ Anh) biến phòng cách ly thành “bục giảng”; nhiều trường học trong vùng phong tỏa duy trì song song việc dạy học trực tiếp cho học sinh ở lớp, vừa kết nối máy tính để học sinh trong vùng cách ly học online; giáo viên Trường Phổ thông liên cấp Albert Einstein (TP Hà Tĩnh) tình nguyện ở lại trường chăm sóc học sinh trong quá trình thực hiện cách ly và rất nhiều thầy cô giáo khác đã và đang tranh thủ mọi thời gian bổ sung kiến thức cho học sinh trở về từ vùng dịch…

Tất cả đã trở thành những hình ảnh khó quên, bồi đắp thêm những giá trị cao đẹp của tình thầy trò, tạo động lực cho các em học sinh vươn tới những khát vọng mới.

Năm học 2020 - 2021, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong các tỉnh xếp tốp đầu toàn quốc về tỷ lệ đoạt giải tại Kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia với 89/100 học sinh dự thi đạt giải (chiếm tỷ lệ 89%). Ngành giáo dục cũng đã hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 với sự bứt phá đáng ghi nhận về chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn. Toàn tỉnh có 578 điểm 10 và 613 học sinh đạt từ 27 điểm trở lên; điểm bình quân các môn của thí sinh Hà Tĩnh là 6,56, xếp thứ 18 cả nước, tăng 7 bậc so với mùa thi trước.

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast