Giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Thạch Liên (Thạch Hà), bắt nhịp kịp thời với chương trình mới.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; chỉ đạo của Bộ GD&ĐT; Tỉnh ủy; UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng các phương án tổ chức dạy học, vừa dạy trực tiếp, kết hợp dạy trực tuyến với các thời lượng khác nhau, phù hợp với điều kiện thực tiễn và tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Căn cứ cấp độ dịch bệnh, các cơ sở giáo dục chủ động tham mưu ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của địa phương và cấp có thẩm quyền quyết định hình thức dạy học phù hợp.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các trường học thực hiện nghiêm túc quy định 5K. (Ảnh: TrườngTHPT Phan Đình Phùng -TP Hà Tĩnh).
Ngành đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tận dụng tối đa “thời gian vàng” để dạy học trực tiếp những nội dung trọng tâm, cốt lõi các môn học, hoạt động giáo dục; vận dụng linh hoạt các phương pháp, kĩ thuật dạy học phù hợp để đảm bảo thực hiện đúng chương trình, nội dung dạy học theo quy định của Bộ GD&ĐT; khai thác và vận dụng hiệu quả các học liệu, tư liệu để giúp học sinh (HS) nâng cao chất lượng học tập.
Tại các cơ sở giáo dục có tổ chức dạy học trực tiếp, ngành đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc phân luồng khi HS đến trường và ra về; chia HS học theo 2 ca sáng và chiều; quản lý HS chặt chẽ trong từng lớp học; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định hiện hành, tuân thủ thực hiện “5K” trong phòng chống dịch… để khi tình huống nếu có HS F0, F1 ở lớp nào thì chỉ liên quan đến lớp đó; còn các lớp khác, trường khác trên địa bàn vẫn tổ chức hoạt động dạy học trong tình hình mới, theo phương châm “chỉ cách ly ca nhiễm, không đóng cửa trường học”.
Giáo viên, học sinh TrườngTHCS Lê Bình (TP Hà Tĩnh) tăng cường tối đa sự tương tác trong những giờ học trực tiếp.
Song song với việc linh hoạt tổ chức dạy học, ngành còn có nhiều giải pháp hỗ trợ HS ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức qua các tiết học trên chương trình “Đến lớp cùng HTTV” do Sở GD&ĐT và Đài PT-TH Hà Tĩnh phối hợp tổ chức phát sóng trực tiếp 6 số/tuần vào buổi chiều với các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh cho HS lớp 9, lớp 12.
Sở chỉ đạo các nhà trường tìm hiểu, nắm rõ hoàn cảnh gia đình của từng HS, chia HS thành các nhóm theo điều kiện học tập để có các giải pháp hỗ trợ thêm như: chuyển giao nhiệm vụ học tập qua tin nhắn SMS, Zalo, Facebook, gửi tài liệu đến các em HS. Ngành đã hướng dẫn phụ huynh kèm cặp, hỗ trợ các em học tập ở nhà; tham mưu với chính quyền địa phương để huy động sự giúp đỡ của hội phụ nữ, đoàn thanh niên, mặt trận,... phân công giáo viên kèm cặp, phát động phong trào “Đôi bạn cùng tiến” để giúp đỡ các em học tập.
Giáo viên Trường THCS Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh) duy trì song song hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến, tạo điều kiện để học sinh vùng cách ly y tế không bị gián đạn việc học.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc dạy học trực tiếp còn nhiều khó khăn, thách thức: hệ thống đường truyền internet chưa đáp ứng dung lượng, nhiều HS thiếu trang thiết bị học tập trực tuyến, chưa có đủ phần mềm bản quyền, một số giáo viên gặp khó khăn trong việc khai thác, sử dụng các phần mềm dạy học... Để giải quyết những vấn đề trên, các trường học đã chủ động kêu gọi các tổ chức và cá nhân giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn không có thiết bị để học trực tuyến (máy tính, điện thoại, sim điện thoại…). Đến nay, đã huy động được số thiết bị trị giá khoảng 1,2 tỉ đồng và hơn 500 triệu đồng tiền mặt tiến hành trao cho một số em ở các địa phương.
Bên cạnh đó, ngành cũng triển khai các giải pháp hỗ trợ học tập khác, nên đã đảm bảo 100% HS đều được tham gia học tập. Chỉ đạo các trường học tạo điều kiện cho HS các tỉnh mắc kẹt tại Hà Tĩnh do dịch COVID-19 được học tập tại nơi cư trú; có văn bản đề nghị sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố hỗ trợ HS Hà Tĩnh mắc kẹt được tham gia học tập tại địa phương; chỉ đạo các trường bố trí bổ trợ kiến thức cho HS bị mắc kẹt tại các tỉnh có dịch trở về…
Cán bộ, giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên) hỗ trợ kiến thức cho học sinh trở về từ vùng dịch.
Để đảm bảo và nâng cao chất lượng dạy học trong tình hình mới, ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành mục tiêu của kế hoạch năm học 2021-2022. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; triển khai thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức tập huấn hướng dẫn dạy trực tuyến cho 100% giáo viên dạy tiểu học, THCS; chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn trực tuyến theo hướng nghiên cứu bài học.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng các video bài giảng, giáo án e-learning; tăng cường công tác truyền thông, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; tiếp tục tận dụng tối đa thời gian dạy học trực tiếp để dạy các vấn đề cốt lõi, xây dựng kế hoạch ôn tập, bổ sung kiến thức, ôn thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp THPT... cho HS một cách chủ động.
Ngành cũng sẽ tổ chức giao ban, sơ kết, đánh giá các hoạt động đổi mới, chia sẻ những kinh nghiệm của các cá nhân và tập thể điển hình trong việc tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục có hiệu quả trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Với phương châm “chủ động, sáng tạo, đảm bảo an toàn, giữ vững chất lượng” tin tưởng rằng ngành GD&ĐT Hà Tĩnh sẽ gặt hái được nhiều kết quả cao, tiếp tục giữ vững chất lượng dạy học.