Giáo viên Hà Tĩnh linh hoạt trong thay thế ngữ liệu sách Cánh Diều

(Baohatinh.vn) - Trong khi chờ điều chỉnh nội dung trong bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều, các trường học ở Hà Tĩnh đã chủ động thay thế một số ngữ liệu dạy học phù hợp.

Giáo viên Hà Tĩnh linh hoạt trong thay thế ngữ liệu sách Cánh Diều

Bộ sách Cánh Diều đã được đưa vào nhiều trường học ở Hà Tĩnh.

Bài đọc dài, một số bài học có nội dung khó hiểu, không phù hợp với học sinh lớp 1, sách sử dụng phương ngữ quá nhiều thay cho từ phổ thông…. Đó là nhận xét chung của một số phụ huynh có con em đang học lớp 1 khi đề cập đến cuốn sách Tiếng Việt thuộc bộ sách Cánh Diều.

Tuy nhiên qua quá trình nghiên cứu, việc dạy học bộ sách này ở Hà Tĩnh đang được triển khai linh hoạt, phù hợp với năng lực của học sinh.

Giáo viên Hà Tĩnh linh hoạt trong thay thế ngữ liệu sách Cánh Diều

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Sơn Tây (Hương Sơn) đã linh động trong việc thay đổi ngữ liệu cho phù hợp.

Cô Hồ Thị Na, giáo viên lớp 1C Trường Tiểu học Sơn Tây (Hương Sơn) cho biết: “Thời gian qua, tổ chuyên môn của trường đã linh hoạt trong việc điều chỉnh một số ngữ liệu trong sách Tiếng Việt để học sinh dễ tiếp nhận hơn”.

Cụ thể, ở một số bài tập đọc, cô Na cùng đồng nghiệp đã họp chuyên môn đánh giá để quyết định việc thay thế các ngữ liệu. Chẳng hạn: bài đọc có sử dụng phương ngữ là tiếng miền Nam, các cô vẫn dạy bình thường, đồng thời giải thích, đưa từ cùng nghĩa mà người miền Trung, miền Bắc hay dùng để các em hiểu nghĩa và học được thêm từ vựng; hay ở những từ chưa được học như: “nhờ thỏ bê ti vi”, do các cháu chưa học từ ti vi nên các cô cũng đã thay thế bằng từ “nhờ thỏ bê đồ”…

“Việc thay đổi ngữ liệu cùng với những hình ảnh minh họa tương tự được các giáo viên soạn thảo và giảng dạy trên giáo án powerpoint. Vì vậy, sau 3 tháng, học sinh tích cực trong các hoạt động, các em biết đọc nhanh hơn, mở rộng vốn từ nhiều hơn so với chương trình cũ. Ở lớp tôi có khoảng 2/3 học sinh đã đọc được những bài đọc dài” - cô Na cho biết thêm.

Giáo viên Hà Tĩnh linh hoạt trong thay thế ngữ liệu sách Cánh Diều

Đến nay, nhiều học sinh lớp 1 đã đọc được những văn bản dài...

Là một trong 3 địa phương có 100% trường tiểu học lựa chọn bộ sách Cánh Diều, tại huyện Can Lộc việc triển khai giảng dạy bộ sách này cũng đang được triển khai một cách linh hoạt.

Cô Hoàng Thị Ái Khanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) cho biết: “Ngoài việc thường xuyên duy trì sinh hoạt tổ chuyên môn hàng tuần để nghiên cứu, thống nhất những ngữ liệu thay thế, chúng tôi cũng đã tổ chức những hoạt động giáo dục, những giờ dạy mời phụ huynh lớp 1 tham gia. Sau những giờ dạy ấy phụ huynh đã cùng dự tọa đàm với giáo viên để giải quyết kịp thời những băn khoăn, thắc mắc; đồng thời, cung cấp thêm cho phụ huynh những kỹ năng khi hướng dẫn con học tại nhà”.

Giáo viên Hà Tĩnh linh hoạt trong thay thế ngữ liệu sách Cánh Diều

Các em tích cực trong các hoạt động, viết chữ khá thành thạo, mở rộng vốn từ nhiều hơn so với chương trình cũ (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Sơn Tây).

Cùng với việc linh hoạt trong việc thay thế ngữ liệu, các giáo viên lớp 1 ở Hà Tĩnh cũng đã có sự chủ động trong việc giảng dạy phù hợp với năng lực của học sinh.

Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên lớp 1B Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) cho biết: "Ngữ liệu trong phần tập đọc ở sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều nhiều và dài hơn so với sách cũ. Do đó, chúng tôi không phải tìm thêm ngữ liệu ngoài như trước mà chỉ thay đổi những bài tập đọc có thể gây khó hiểu cho học sinh.

Việc dạy học trong chương trình mới phải linh động, phù hợp với năng lực của người học, nên đối với những em đọc tốt, tôi sẽ cho đọc hết cả bài. Những em gặp khó khăn hơn trong việc đọc sẽ chỉ phải đọc 2-3 câu hoặc đọc lại những từ chứa âm, vần mà các em đã được học…”.

Giáo viên Hà Tĩnh linh hoạt trong thay thế ngữ liệu sách Cánh Diều

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) hào hứng với nhiều hoạt động trong giờ học.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Anh cho biết: “Mục tiêu của giáo dục ở chương trình phổ thông mới là phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chương trình cũng không quy định cứng nội dung từng bài học tương ứng với thời gian của buổi học, tuần học mà chỉ quy định thời lượng và yêu cầu cần đạt của cả năm học đối với từng môn. Do đó, giáo viên có thể chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và phân bổ các tiết dạy cho phù hợp với đối tượng học sinh”.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, Sở sẽ chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh và toàn xã hội hiểu hơn về chương trình giáo dục phổ thông mới. Qua đó tạo sự đồng thuận, chung tay trong việc dạy dỗ, chăm sóc học sinh và thực hiện tốt mục tiêu giáo dục đề ra.

Bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều là một trong 5 bộ sách được Bộ GD-ĐT phê duyệt sử dụng từ năm học 2020-2021. Đây cũng là bộ sách xã hội hóa đầu tiên viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Tại Hà Tĩnh, bộ sách Cánh Diều được 60% trường tiểu học lựa chọn để giảng dạy, trong đó có 3 huyện lựa chọn 100% bộ sách này đó là Hương Sơn, Hương Khê và Can Lộc.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Thủ tướng chỉ đạo 3 vấn đề nóng trong giáo dục

Thủ tướng chỉ đạo 3 vấn đề nóng trong giáo dục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 61/CĐ-TTg ngày 10/5/2025 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bảo đảm biên chế giáo viên mầm non, phổ thông và nghỉ hè cho trẻ em, học sinh năm 2025.
Đảm bảo các kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế

Đảm bảo các kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng đề nghị các sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thi tốt nghiệp THPT tại Hà Tĩnh diễn ra an toàn, nghiêm túc, minh bạch, đúng quy chế.
Bồi đắp lòng yêu nước cho trẻ

Bồi đắp lòng yêu nước cho trẻ

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các trường học tại Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để khơi dậy, bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Học song ngành – Nhân đôi cơ hội việc làm

Học song ngành – Nhân đôi cơ hội việc làm

Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, nhiều sinh viên ở Hà Tĩnh lựa chọn học song ngành như một cách để mở rộng tri thức, trang bị kỹ năng và nhân đôi cơ hội việc làm trong tương lai.