Cô Bùi Thị Như Quỳnh (Trường MN Gia Phố - Hương Khê) hướng dẫn trẻ làm kèn bằng lá chuối
Ở nhà với con trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly toàn xã hội, cô Nguyễn Thị Mỹ Dung - giáo viên Trường Mầm non Nam Hồng (Hồng Lĩnh) luôn trăn trở khi thấy con mải mê hết làm bạn với tivi rồi điện thoại.
Cô Dung - giáo viên Trường Mầm non Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh) hướng dẫn con gái thực hiện trò chơi chiếc cốc thông minh để quay clip chia sẻ cho học sinh
Suy nghĩ giúp các con và cho cả học sinh của mình có được niềm vui trong những ngày này đã khiến nhiều ý tưởng hình thành trong suy nghĩ của cô giáo trẻ. Cũng từ tinh thần chỉ đạo của Bộ, của Sở những ý tưởng của cô đã trở thành hiện thực.
Clip đầu tiên về thí nghiệm hoa nở trong nước được cô Dung hoàn thiện và chia sẻ trên Youtube, trên các nhóm Zalo, facebook vào ngày 4/4 đã thu hút hàng ngàn lượt người quan tâm.
Cô Dung cho biết: “Để học sinh khỏi nhàm chán trong kỳ nghỉ dịch, trước đó tôi đã chia sẻ những tiết dạy của mình qua các vi deo. Từ đầu tháng 4, tôi bắt đầu làm các clip, đến nay tôi đã hoàn thiện 7 clip, trong đó có một số clip như vẽ bóng con vật, chiếc cốc vui nhộn... đã nhận được sự phản hồi tích cực của các bậc phụ huynh”.
Để đảm bảo một clip có chất lượng tốt về hình ảnh, nội dung, cô Dung đã tự mày mò, học hỏi qua nhiều kênh thông tin khác nhau.
Cũng từ sự khởi xướng đầu tiên của cô Dung, phong trào làm clip chia sẻ các hoạt động trải nghiệm vui chơi cho học sinh của giáo viên mầm non trên địa bàn TX Hồng Lĩnh đã lan tỏa thành phong trào hoạt động chuyên môn sôi nổi.
Dưới bàn tay khéo léo của các cô giáo, những hộp giấy, các loại vỏ hộp cũ đã được tận dụng tạo nên thế giới đồ chơi hấp dẫn. Việc làm bổ ích này của các giáo viên, nhà trường đã được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo phụ huynh.
Học sinh Trường Mầm non Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh) hào hứng với trò chơi những chiếc cốc thông minh
Cùng với mong muốn cho trẻ không quên cô, không quên lớp, ngay sau khi có chỉ đạo của Vụ trưởng Vụ giáo dục Mầm non về việc tổ chức các hoạt động cho trẻ mầm non qua kênh truyền hình VTV7, các cô giáo ở huyện Nghi Xuân cũng đã bắt tay thực hiện những ý tưởng mới của mình.
Phương châm hướng tới những đồ chơi có sẵn, dễ tìm kiếm đã được các cô giáo vận dụng triệt để hướng dẫn các em những trò chơi đơn giản nhưng không kém phần cuốn hút, hấp dẫn học sinh. Đó là các hoạt động xâu vòng, làm các đồ chơi bằng những loại lá có sẵn trong vườn nhà như lá dứa, là dừa, hoa nở trong nước…
Từ sự hướng dẫn của các giáo viên qua clip, phụ huynh ở Nghi Xuân cũng đã tham gia cùng con trong các trò chơi
Cô Đặng Thị Mai Lan - chuyên viên mầm non Phòng GD&ĐT Nghi Xuân cho biết: “Mỗi tuần, chúng tôi làm hướng đến một chủ đề chung. Tuần 1 là các hoạt động trải nghiệm thì tuần 2 sẽ là nội dung hướng dẫn trò chơi....
Đến nay, ở 19 trường đã có hơn 100 clip được gửi về để phòng giáo dục lựa chọn, điều chỉnh nội dung cho phù hợp rồi sau đó được chia sẻ đến các phụ huynh tạo điều kiện cho con em giải trí”.
Ở huyện miền núi Hương khê, ngoài các clip về vui chơi giải trí, như trò chơi bóng tay, đếm bi… chủ đề xuyên suốt được các cô giáo gửi gắm qua các clip đó là những điều trẻ được làm và không được làm trong mùa dịch. Theo đó, đã có nhiều clip nhắc lại các bé cách rửa tay, rửa mặt đúng cách, gấp quần áo, thể dục…
Giáo viên Trường Mầm non Phúc Trạch sôi nổi với phong trào làm clip
Với tinh thần mỗi giáo viên đều phấn đấu có sản phẩm và mỗi trường từ 2 đến 3 clip/tuần, chỉ trong tuần đầu tiên phát động phòng GD&ĐT huyện Hương Khê đã nhận được hơn 50 clip có chất lượng tốt được lựa chọn từ hàng trăm clip ở 21 trường trên địa bàn.
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết – phụ huynh ở thị trấn Hương Khê chia sẻ: “Con tôi rất vui khi được nhìn thấy cô giáo của mình trong clip. Cháu rất say mê thực hiện những hướng dẫn của cô, clip cũng được cháu xem đi xem lại nhiều lần và khoe với những người thân trong gia đình về cô giáo của mình. Từ những sản phẩm này, chúng tôi cũng cảm nhận được tâm huyết, tình yêu nghề, yêu trẻ của các cô giáo”.
Học sinh Trường Mầm non Phúc Trạch hào hứng khi được nhìn thấy cô giáo của mình
Đến nay, hơn 250 trường mầm non ở 13 huyện, thành, thị trên địa bàn toàn tỉnh đều thực hiện hoạt động này. Các video clip thông qua vòng lựa chọn của các trường, các phòng giáo dục được gửi đến Sở GD&ĐT Hà Tĩnh để được góp ý, hoàn thiện về nội dung nên chất lượng rất tốt.
Cô Lưu Thị Phương - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT) cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Vụ giáo dục Mầm non, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đầu tiên có sản phẩm gửi về nhóm zalo của Vụ Giáo dục. Các sản phẩm của giáo viên Hà Tĩnh cũng được Vụ trưởng và nhiều địa phương đánh giá cao về chất lượng, số lượng và nội dung phong phú. Đến thời điểm hiện tại, việc chia sẻ clip hoạt động vui chơi trải nghiệm hay những câu chuyện mang ý nghĩa giáo dục của các cô đến các cháu đã trở thành nề nếp. Học sinh mầm non Hà Tĩnh đang có những niềm vui mới trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội”.