Giới chuyên môn nói gì về sắp xếp trường học mô hình liên cấp ở Hà Tĩnh?

(Baohatinh.vn) - Những người nhiều kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ở Hà Tĩnh cho rằng, việc sáp nhập trường trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, hợp lý, đặc biệt là mô hình liên cấp. Tuy nhiên, cần tập trung thực hiện những chính sách, giải pháp mới để đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.

Giới chuyên môn nói gì về sắp xếp trường học mô hình liên cấp ở Hà Tĩnh?

Tại các trường TH-THCS liên cấp mới sáp nhập, các tổ chuyên môn đã triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học (Trong ảnh: Sinh hoạt tổ chuyên môn ở Trường TH-THCS Kỳ Văn)

Nhà giáo ưu tú Đinh Lê Báu - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT: Đội ngũ là mấu chốt làm nên chất lượng trường liên cấp

Việc thực hiện mô hình trường liên cấp tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) ở Hà Tĩnh, theo tôi, là một hướng đi hợp lý. Bởi ưu thế của việc sáp nhập là mở rộng quy mô trường lớp, cơ sở vật chất được đầu tư tập trung và học sinh ở cả 2 bậc học cũng không phải đi quãng đường quá xa. Ngoài ra, sáp nhập thành công sẽ giảm đầu mối, tinh giản đội ngũ quản lý, hành chính.

Tuy nhiên, để chất lượng giáo dục đạt được hiệu quả như mong muốn, theo kinh nghiệm, tôi thấy mấu chốt vẫn là vai trò của hiệu trưởng và sự tâm huyết của đội ngũ giáo viên. Hiệu trưởng phải là người biết dung hòa mọi mối quan hệ trong nhà trường, phải có kiến thức chuyên môn vững chắc, hiểu sâu, hiểu rõ về sự khác biệt của 2 cấp học từ tâm lý, độ tuổi đến chương trình để có sự quan tâm chỉ đạo hợp lý. Đối với đội ngũ giáo viên, ngoài năng lực phải yêu nghề, yêu học sinh, hiểu rõ hoàn cảnh, năng lực của từng em để từ đó động viên các em phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Có như thế chất lượng giáo dục sau khi sáp nhập mới có thể được cải thiện.

Giới chuyên môn nói gì về sắp xếp trường học mô hình liên cấp ở Hà Tĩnh?

Hiệu trưởng Trường TH-THCS Kỳ Hoa thường xuyên theo sát chuyên môn cấp tiểu học

Thầy Phạm Khắc Sơn - Hiệu trưởng Trường TH – THCS Kỳ Hoa (1 trong 8 trường liên cấp trong toàn tỉnh hiện nay): Trường liên cấp trên một địa bàn có nhiều ưu điểm

Qua 2 năm thực hiện mô hình liên cấp ở trường TH - THCS Kỳ Hoa, bậc tiểu học vẫn giữ vững là một trong những trường có chất lượng tốt; bậc THCS đứng tốp đầu về giáo dục đại trà cũng như mũi nhọn của thị xã Kỳ Anh. Từ đó cho thấy, thực hiện sáp nhập trường không ảnh hưởng tới chất lượng dạy - học, chất lượng giáo dục của 2 bậc học trong một ngôi trường.

Từ thực tiễn trường chúng tôi cho thấy, việc nhập trường liên cấp có nhiều cái được. Thứ nhất, chỉ một bộ máy hành chính của trường tiểu học, khi nhập thêm 1 điểm của Trường THCS Tân Hoa cũng đủ đảm nhận công việc của 2 cấp học, như vậy là tinh giản bộ máy. Thứ 2, khi 2 bậc học hòa làm một thì nhà quản lý sẽ theo sát được tình hình học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, không mất thời gian cho giai đoạn bàn giao, tiếp nhận từ bậc TH lên THCS, đồng thời bổ cứu, điều chỉnh kịp thời các giải pháp để tránh mất gốc từ lớp bé, chất lượng khi vào bậc THCS sẽ đồng đều hơn. Thứ 3, trường liên cấp trên cùng địa bàn sẽ nhận được sự quan tâm, sát sao, tập trung hơn của chính quyền địa phương.

Theo tôi, có 2 điều cần lưu ý đối với người đứng đầu trường liên cấp. Trước hết, người hiệu trưởng phải nắm được phương pháp dạy học và giáo dục chung ở cả 2 cấp. Trên cơ sở đó, có cách quản lý, điều hành để phát huy các đầu mối chuyên môn, từ tổ trưởng các tổ chuyên môn cho đến 2 đồng chí hiệu phó phụ trách 2 cấp học.

Giới chuyên môn nói gì về sắp xếp trường học mô hình liên cấp ở Hà Tĩnh?

Với sự đầu tư về cơ sở vật chất, chương trình học mang tính hệ thống và liên thông, Trường Phổ thông liên cấp Albert Einstein đã có giải pháp chiến lược để giải quyết những yêu cầu đặt ra đối với trường liên cấp

Ông Nguyễn Việt Hùng - Chủ tịch Hội đồng Trường Phổ thông liên cấp Albert Einstein Hà Tĩnh: Giải quyết được các vấn đề đặt ra để sáp nhập trường đi đến thành công

Theo quan điểm cá nhân tôi, việc sáp nhập các trường trên cùng một địa bàn để hình thành các trường phổ thông liên cấp là cần thiết đối với hệ thống các trường công lập hiện nay ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, để việc sáp nhập đạt được kết quả thực chất, cần nhìn nhận rõ những bất cập để giải quyết tốt các vấn đề đặt ra như: Vấn đề quản lý và điều hành hiệu quả của ban giám hiệu ở cả 2 cấp học; ứng dụng các phương pháp mới trong công tác quản lý, xây dựng chương trình dạy học và giáo dục để giải quyết những khó khăn xảy ra trong một ngôi trường có học sinh nhiều độ tuổi; đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ để tránh sự xung đột trong quá trình học và vui chơi cho trẻ khác độ tuổi. Cũng cần lưu ý rằng, một sự sáp nhập khiên cưỡng sẽ là vấn đề lớn đối với chất lượng giáo dục.

Thực tế, mô hình liên cấp đối với hệ thống tư thục đã dễ dàng giải quyết các vấn đề đặt ra ở trên như: Phân quyền quản lý các cấp học hiệu quả; chương trình học mang tính hệ thống và liên thông, đặc biệt là với các bộ môn được đầu tư nhiều như Tiếng Anh, kỹ năng sống... có nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nhất là sân chơi cho các cấp học.

Tôi tin rằng, các nhà quản lý giáo dục ở Hà Tĩnh sẽ đủ tâm và tầm để giải quyết những vấn đề đặt ra, thực hiện thành công đề án sắp xếp trường học trên địa bàn tỉnh.

Qua thực tiễn tôi nhận thấy rằng, việc nhập trường đồng cấp chỉ thực sự thành công khi khoảng cách giữa các xã không quá xa nhau. Các địa phương được sáp nhập có phong tục tập quán, có sự phát triển về kinh tế, văn hóa xã hội một cách tương đồng, như thế mới tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Sau khi nhập trường, điều cốt yếu việc dạy và học phải quy về một mối để tránh tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu thống nhất trong khoản thu, đầu tư của chính quyền địa phương. Như huyện Can Lộc vừa thực hiện thành công việc sáp nhập 8 trường đồng cấp thành 4 trường là hợp lý với thực tiễn quy mô trường lớp ngày càng nhỏ hẹp và cũng phù hợp với đề án sáp nhập xã mà huyện đang triển khai.

NGƯT Trần Đình Sửu - Nguyên Trưởng phòng GD&ĐT huyện Can Lộc

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.