Sắp xếp hệ thống trường học ở Hà Tĩnh - giảm đầu mối, tăng chất lượng: Kỳ Anh “đi sớm nhưng không vội”

(Baohatinh.vn) - Địa bàn chia cắt, khoảng cách giữa các xã liền kề khá xa là thực tiễn đòi hỏi huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lựa chọn phương án sáp nhập liên cấp tiểu học (TH) - trung học cơ sở (THCS).

Trước khi hoàn thành đề án sắp xếp trường học trên địa bàn, huyện đã đi sớm một bước với việc sáp nhập 2 trường liên cấp ở xã Kỳ Văn và Kỳ Hải ngay trong năm học 2018 - 2019.

Sắp xếp hệ thống trường học ở Hà Tĩnh - giảm đầu mối, tăng chất lượng: Kỳ Anh “đi sớm nhưng không vội”

Mùa tựu trường đầu tiên của Trường liên cấp Tiểu học - THCS Kỳ Văn

Gỡ vướng tâm tư

Nhận quyết định thành lập Trường TH - THCS Kỳ Văn khi khai giảng đã cận kề (ngày 20/8), trong bộn bề công việc, điều quan tâm hàng đầu của Ban Giám hiệu là tổ chức, bố trí hài hòa các hoạt động tại cả 2 điểm trường để giáo viên các khối làm quen, trao đổi cởi mở, từng bước gắn kết và xây dựng sự đoàn kết trong guồng máy quản lý mới.

Sáp nhập 2 trường thành trường liên cấp, về đội ngũ cán bộ quản lý, hành chính, Trường TH - THCS Kỳ Văn có thuận lợi khi hiệu trưởng trường tiểu học cũ và 1 cán bộ văn thư về hưu. Hiện trường còn 6 cán bộ hành chính, dù còn phải tiếp tục giảm nhưng trước mắt để ổn định tư tưởng cán bộ, giáo viên, con số này đang được giữ nguyên.

Sắp xếp hệ thống trường học ở Hà Tĩnh - giảm đầu mối, tăng chất lượng: Kỳ Anh “đi sớm nhưng không vội”

Mục tiêu đầu tiên của các trường sau sáp nhập là xây dựng nền nếp hoạt động, triển khai hiệu quả việc dạy - học (Trong ảnh: Sinh hoạt tổ chuyên môn ở Trường TH- THCS Kỳ Văn)

Theo quan điểm của Hiệu trưởng Trường TH - THCS Kỳ Văn Lê Thanh Nghị, ưu tiên hàng đầu sau sáp nhập là xây dựng nền nếp hoạt động, triển khai hiệu quả việc dạy - học. Tiếp đó là tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu quy mô trường lớp tăng đáng kể sau sáp nhập. Việc tinh giản bộ máy hành chính sẽ được thực hiện khi có điều kiện phù hợp, tránh gây xáo trộn về tư tưởng trong tập thể cán bộ, giáo viên.

Làm tốt công tác tư tưởng cũng là giải pháp mở đường cho sự ra đời của Trường TH - THCS Kỳ Hải (trên cơ sở nhập Trường TH Kỳ Hải và một bộ phận Trường THCS Kỳ Hà). Đặc biệt, đối với điểm Trường THCS Hải Hà (nhập 2 trường liên xã giai đoạn trước) nằm ở địa bàn xã Kỳ Hải lâu nay vốn gặp nhiều khó khăn, trước khi tiến hành sáp nhập vào Trường TH - THCS Kỳ Hải, lãnh đạo huyện Kỳ Anh đã lắng nghe, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của từng giáo viên. Vì vậy, 14 giáo viên tại điểm trường này khi tiến hành nhập vào Trường TH - THCS Kỳ Hải đều hết sức yên tâm, phấn khởi.

Ngay sau sáp nhập, huyện Kỳ Anh bố trí ngân sách đầu tư sửa chữa các hạng mục, nhà học ở khu vực dạy học khối THCS để giúp Trường TH - THCS Kỳ Hải nâng cao chất lượng dạy - học.

Đưa 2 cấp học hòa chung 1 trường

Tại 2 trường liên cấp đầu tiên được sáp nhập ở huyện Kỳ Anh, khi nêu câu hỏi 2 cấp học khác nhau có khó hoạt động trong 1 bộ máy, những người đứng đầu đều khẳng định: Khó nhưng nếu linh hoạt và cởi mở về tư tưởng thì sẽ có cách làm.

Sắp xếp hệ thống trường học ở Hà Tĩnh - giảm đầu mối, tăng chất lượng: Kỳ Anh “đi sớm nhưng không vội”

Cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy - học đang tiếp tục được đầu tư, nâng cấp ở Trường TH- THCS Kỳ Hải

Theo lãnh đạo các nhà trường, cái khó nằm ở chỗ 2 cấp học có độ tuổi khác nhau, tâm lý khác nhau, thời gian mỗi giờ học, giờ chơi đều chênh nhau nên không dễ tổ chức, sắp xếp hợp lý. Vì vậy, khi vận hành phải hết sức linh hoạt, sáng tạo để giải quyết từng điểm mâu thuẫn, từng bước xây dựng nền nếp sinh hoạt, học tập phù hợp, hiệu quả.

Hiệu trưởng Trường TH - THCS Kỳ Văn dẫn một ví dụ: Thứ 2 chào cờ, khối THCS bắt đầu từ 7 giờ kém 15 phút, còn khối TH phải chậm hơn 30 phút, vì vậy, không thể rập khuôn tổ chức một lần. Trường tổ chức cho 2 cấp học triển khai giờ chào cờ riêng, trong đó, nghi lễ diễn ra ngắn gọn và phần lớn thời gian thực hiện một hoạt động ngoại khóa phù hợp với từng cấp học.

Chuẩn bị kỹ cho bài toán cán bộ ở những trường học đầu tiên sáp nhập, huyện Kỳ Anh bố trí 2 thầy hiệu trưởng có năng lực, kinh nghiệm. Hiệu trưởng Trường TH - THCS Kỳ Văn Lê Thanh Nghị nhiều năm đứng đầu các trường học, lại từng công tác ở Phòng GD&ĐT huyện nên rất “cứng tay” trong cả công tác quản lý và lãnh đạo chuyên môn; Hiệu trưởng Trường TH - THCS Kỳ Lạc (một trong 2 ngôi trường liên cấp được sáp nhập giai đoạn trước) - với kinh nghiệm thực tiễn dày dặn được điều động về xây dựng trường liên cấp ở xã Kỳ Hải. Vì vậy, dù mới chỉ khoảng 2 tuần dạy học nhưng guồng máy mới đã vận hành khá thông suốt và các giải pháp nâng cao chất lượng chuyên môn đã được triển khai.

Sắp xếp hệ thống trường học ở Hà Tĩnh - giảm đầu mối, tăng chất lượng: Kỳ Anh “đi sớm nhưng không vội”

Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy- học đã sớm được các trường học triển khai

Theo Hiệu trưởng Trường TH - THCS Kỳ Văn: “Trường hiện có 5 tổ chuyên môn ở 2 cấp học, trong đó, riêng tổ Anh Văn - Thể dục - Mỹ thuật tập hợp giáo viên cả 2 cấp và có sự bổ sung, hỗ trợ các tiết dạy lẫn nhau. Với quan điểm nâng cao chất lượng phải bắt đầu từ lớp học, cấp học đầu tiên, trường đã bố trí 2 giáo viên giỏi chuyên môn của khối THCS sang bổ sung cho khối TH”. Còn tại Trường TH - THCS Kỳ Hải, “việc ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi huyện đã được bắt tay ngay sau 1 tuần khai giảng với sự tập trung giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm ở cả 2 bậc học” - Phó Hiệu trưởng Nguyễn Đức Luyến cho hay.

Nhận thấy thực tế ở Kỳ Văn và Kỳ Hải hội tụ đủ các điều kiện cần thiết, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch, trình HĐND huyện thông qua và tập trung sáp nhập 3 trường học cùng 1 điểm lẻ thành 2 trường liên cấp. “Đi sớm nhưng không vội”, huyện Kỳ Anh đang xây dựng lộ trình sắp xếp trường học một cách bài bản, căn cơ nhằm mục tiêu giảm đầu mối nhưng đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh Đinh Sỹ Quân

(Còn nữa)

Chủ đề Sáp nhập xã ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.