Gửi tiết kiệm không lãi suất, phụ nữ Kỳ Phong giúp nhau vốn làm ăn

(Baohatinh.vn) - Ở xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), 10/10 chi hội đã xây dựng và vận hành quỹ tiết kiệm với tinh thần tương thân, tương ái.

Gửi tiết kiệm không lãi suất, phụ nữ Kỳ Phong giúp nhau vốn làm ăn

Chị Duấn đều đặn gửi tiền tiết kiệm hàng tháng

Chị Võ Thị Duấn làm nghề kinh doanh dịch vụ ở thôn Hòa Bình (Kỳ Phong) chia sẻ: “18 năm qua, tôi đều đặn góp tiền hàng tháng mà không nhận tiền lãi nhằm tạo vốn cho hội viên khó khăn hơn vay”.

Chị Duấn là một trong những thành viên đầu tiên của Quỹ Tiết kiệm (QTK) Chi hội phụ nữ thôn. Có điều kiện kinh tế nhỉnh hơn mặt bằng chung, chị Duấn luôn sẵn lòng chia sẻ với những chị em có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Vì vậy, khi QTK ra đời (năm 2000) đến nay, mỗi tháng chị đều đặn gửi tiết kiệm 2 - 3 triệu đồng. Gửi tiền cho quỹ không lấy lãi suất, thế nhưng lúc cần vay lại quỹ khi có việc cần thiết, chị Duấn vẫn trả tiền lãi đầy đủ để lấy kinh phí hoạt động cho chi hội thôn.

Chị Duấn và hàng trăm hội viên tích cực khác ở Kỳ Phong đã tham gia gửi tiết kiệm với lãi suất bằng 0 trong nhiều năm qua để QTK phụ nữ mỗi ngày thêm lớn mạnh, huy động tiền cho các hội viên có nhu cầu vay. Riêng năm 2018, các QTK ở 10 chi hội phụ nữ ở Kỳ Phong đã huy động tiết kiệm được số tiền 970 triệu đồng, cho 116 lượt chị em vay vốn làm ăn.

Gửi tiết kiệm không lãi suất, phụ nữ Kỳ Phong giúp nhau vốn làm ăn

Các tổ QTK phụ nữ thường tổ chức sinh hoạt ngay sau buổi sinh hoạt chi hội

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ Phong - Hoàng Thị Liên: "Hội giao quyền độc lập huy động, quản lý QTK cho các chi hội. Tuy nhiên, hội tham gia giám sát việc ghi chép, triển khai cho vay một cách công khai. Việc bình chọn đối tượng được vay, mức tiền cho vay và mức lãi suất đối với từng người cũng được thực hiện một cách dân chủ, minh bạch".

Các thành viên gửi tiền đều đồng thuận không lấy lãi và số lãi người vay trả được sử dụng vào các hoạt động của các chi hội phụ nữ. Ngoài ra, nhằm đảm bảo an toàn nguồn vốn, cứ đến tháng 12, các chi hội thu hồi toàn bộ vốn vay để hạch toán cụ thể trước khi tiếp tục huy động và cho vay vòng vốn mới.

Gửi tiết kiệm không lãi suất, phụ nữ Kỳ Phong giúp nhau vốn làm ăn

Chị Đặng Thị Tình ở thôn Hà Phong mở quầy tạp hóa từ số tiền vay của QTK phụ nữ

Chi hội trưởng thôn Hòa Bình, chị Phan Thị Hòa cho biết, với sự tự nguyện, đồng thuận cao của chị em, cùng cách quản lý nguồn vốn chặt chẽ, số vốn huy động tiết kiệm của quỹ tăng hàng năm, đạt mức khoảng 300 tiệu đồng/năm. Như năm 2018, với số vốn huy động 310 triệu, có 64 lượt thành viên đã được vay vốn. Hộ được vay nhiều nhất là 30 triệu đồng, hộ ít nhất là 5 triệu đồng. Cứ đến ngày 12 hàng tháng, chi hội đồng thời sinh hoạt hội gắn với giao ban hoạt động quỹ, vì vậy chị em tham gia thường rất đông đủ.

Cùng huy động tiết kiệm để cho hội viên vay, tùy vào điều kiện và nhu cầu, mỗi chi hội phụ nữ có một cách làm khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung đó là QTK phụ nữ đều ưu tiên trước hết cho chị em có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn vốn cộng với sự đồng hành, hỗ trợ của các chi hội đã giúp nhiều hội viên có thêm động lực để phát triển sản xuất, kinh doanh, vượt qua đói nghèo.

Gửi tiết kiệm không lãi suất, phụ nữ Kỳ Phong giúp nhau vốn làm ăn

Chị Phan Thị Hồng (bên trái) đã thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của nguồn vốn QTK phụ nữ

Chị Phan Thị Hồng, một hội viên thuộc diện hộ nghèo ở thôn Hòa Bình, qua nhiều năm được tiếp cận nguồn vốn để sản xuất, chăn nuôi, đến vòng vay thứ 5 đã chính thức được ra khỏi danh sách hộ nghèo vào cuối năm 2018. Chị nói: “Với hoàn cảnh, điều kiện của tôi nếu không có nguồn vốn tại chỗ với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản và sự đồng hành thường xuyên của chị em trong chi hội thì không thể nào hết khó khăn. Sự tiếp sức trường kỳ của QTK chi hội phụ nữ đã giúp gia đình tôi thoát nghèo. Năm mới 2019 này, với tài sản tích lũy là 3 mẹ con bò trong tay, chúng tôi sẽ chăm chỉ làm ăn để nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống”.

Ở một địa bàn khá sôi động về hoạt động kinh doanh dịch vụ như xã Kỳ Phong, sự ra đời của QTK phụ nữ trong những năm qua thực sự đã bắc chiếc cầu nối giữa chị em có tiền nhàn rỗi với những hộ còn khó khăn, thiếu vốn. Nhờ đó, góp phần giúp hàng trăm hội viên phụ nữ ở Kỳ Phong thoát nghèo, vươn lên khá giả; đồng thời qua đó, hoạt động của các chi hội phong phú, hấp dẫn, có sức hút mạnh mẽ đối với hội viên.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.