Bệnh nhân đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - BVĐK Hà Tĩnh
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, BVĐK Hà Tĩnh đã can thiệp kịp thời bằng biện pháp hỗ trợ đặt ống thở máy, lọc máu. Sau 3 ngày điều trị tại Khoa Cấp cứu - chống độc, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực với triệu chứng nặng như: hôn mê sâu có rối loạn chuyển hóa, có dấu hiệu tổn thương não, phù não.
Hiện bệnh nhân đang được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế như: chống suy hô hấp, thở máy, chống rối loạn điện giải, rối loạn chuyển hóa, các biện pháp chống phù não, dinh dưỡng, chăm sóc chống loét.
Theo người nhà cho biết, bà Nga có tiền sử uống rượu nhiều từ 2 năm nay. Bệnh nhân bị ngộ độc, nằm hôn mê tại nhà 1 ngày mới được hàng xóm và họ hàng phát hiện, đưa đi cấp cứu. Do nhập viện muộn nên tình trạng bệnh nhân rất nặng.
BS Nguyễn Bá Trọng – Khoa Cấp cứu chống độc cho biết: Tuy chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng trung bình mỗi tháng, khoa tiếp nhận từ 7 - 8 bệnh nhân bị ngộ độc Methanol, còn số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu Ethanol nói chung thì lớn hơn nhiều.
Cũng theo bác sỹ Trọng, bệnh nhân khi bị ngộ độc rượu Methanol sẽ có các triệu chứng như đau đầu dữ dội, nhìn mờ, rối loạn tiêu hóa nôn, buồn nôn, kích thích, vật vã, hôn mê, tụt huyết áp.
Bệnh nhân bị ngộ độc rượu Methanol thường để lại hậu quả rất nặng nề. Vì vậy, để phòng ngộ độc rượu, người dân cần thực hiện các khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm như: Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong. Người dân cũng không nên uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đặc biệt, người dân không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, không rõ nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; uống khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia. |