Tệ nạn, ghen tuông mù quáng... là những nguyên nhân dẫn đến bạo hành gia đình. Minh họa: Internet
Bạo lực - nguyên nhân khiến gia đình tan vỡ
Trong một ngày hè tháng 6/2020, chúng tôi tìm đến thôn 7 (xã Xuân Hồng, Nghi Xuân), nơi xẩy ra vụ thảm án chồng giết vợ, vừa được Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử. 8 tháng sau ngày xẩy ra vụ án, người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng. Bà Trần Thị B. (70 tuổi), người cùng thôn “dè dặt” dẫn chúng tôi đến trước cổng ngôi nhà nạn nhân.
Trái với hình dung của chúng tôi, đó là một ngôi nhà 2 tầng khang trang bậc nhất của làng. Chỉ có điều, bao trùm lên ngôi nhà của chị Dương Thị H. - nạn nhân xấu số trong vụ án là sự ảm đạm thê lương. Bởi, chính trong căn nhà ấy, kẻ thủ ác là người chồng đã đoạt đi mạng sống của vợ khi chị mới 36 tuổi.
Ngôi nhà của chị Dương Thị H., nạn nhân xấu số trong vụ án chồng giết vợ tại thôn 7 (Xuân Hồng, Nghi Xuân) vào tháng 10/2019.
Hiện, bà Nguyễn Thị V. (61 tuổi, mẹ chị H.) đến ở để chăm sóc 3 đứa con của chị. Bà V. nghẹn ngào kể về cuộc hôn nhân của con gái mình: “Chúng nó lấy nhau là do cả hai tự yêu đương, tìm hiểu. Khi mới cưới, vợ chồng cũng hòa thuận nhưng đến khi con gái tôi bắt đầu có bầu đứa thứ 2 thì chồng nó trở chứng đánh đập vợ. Bạo lực gia đình ngày một nhiều khiến con gái tôi nhiều lần sống dở chết dở. Tuy vậy, vì con cái, H. đã nhiều lần tha thứ”.
Trước đó, trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đã xẩy ra một số vụ án nghiêm trọng có nguyên nhân từ bạo lực gia đình như: vợ giết chồng ở xã Xuân Phổ (Nghi Xuân) tháng 7/2018; chồng giết vợ ở xã Cương Gián (Nghi Xuân) tháng 2/2019; chồng dùng kéo đâm vợ trọng thương ở phường Hưng Trí (TX Kỳ Anh) tháng 9/2019…
Phiên tòa cuối tháng 5/2020, xử Lê Anh Chiến (Xuân Hồng, Nghi Xuân) hung thủ giết vợ. Ảnh: Thùy Dương
Ngoài những vụ án hình thì số vụ án dân sự giải quyết ly hôn do bạo lực gia đình những năm qua cũng tăng cao và có xu hướng ngày càng tăng. Từ năm 2008-2018, các tòa án trên địa bàn Hà Tĩnh xét xử 9.192 vụ ly hôn, trong đó, trên 6.434 vụ ly hôn do bạo lực gia đình, chiếm tỷ lệ 70%.
Riêng năm 2019, có 1.257 vụ và 6 tháng đầu năm 2020, hơn 400 vụ việc dân sự do bạo lực gia đình được các tòa án trên toàn tỉnh thụ lý.
Nhận thức về hạnh phúc - sai một ly đi một dặm
Là một thẩm phán từng tham gia xét xử hàng trăm vụ án dân sự liên quan đến bạo lực gia đình, bà Nguyễn Thị Bích Đào - Chánh Tòa dân sự, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Phải hiểu bạo lực gia đình bao gồm: bạo lực về tinh thần, bạo lực về thể chất hay thể xác, bạo lực về kinh tế và bạo lực về tình dục.
Hầu hết các vụ án liên quan đến bạo lực gia đình đều có nguyên nhân từ: ghen tuông, tệ nạn xã hội và nhận thức của các đối tượng về hành vi bảo vệ hạnh phúc gia đình. Trong đó, chính thái độ của người phụ nữ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực kéo dài”.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Đào (Chánh Tòa dân sự, TAND Hà Tĩnh): Nhận thức đúng đắn về hạnh phúc là cách tháo gỡ “quả bom” bạo lực gia đình.
Tôi tình cờ gặp lại chị Phạm Thị T. (40 tuổi, ở thôn Đông Thịnh, xã Hồng Lộc, Lộc Hà) trong dịp chị về quê gần đây. Nhìn sự trẻ trung, khỏe mạnh của chị T., mọi người trong làng rất bất ngờ. Bởi, cách đây 6 năm, lúc nào chị cũng ốm yếu, mới ngoài 30 tuổi nhưng khuôn mặt già nua.
Đó là quãng thời gian 14 năm chị chung sống với người chồng bạo hành. Sau nhiều lần tha thứ vì nghĩ đến con cái, năm 2014, chị T. quyết định ly hôn với anh X. (chồng chị) và vào Bình Dương lập nghiệp. Cuộc sống dù vất vả, khó khăn nhưng chị T. đang có một đời sống tinh thần thoải mái và các con được lớn lên trong những ngày tháng không phải chứng kiến hình ảnh xấu xí về bố mẹ chúng.
Nói về giải pháp để tránh bạo lực gia đình, bà Nguyễn Thị Bích Đào cho rằng: Cần tăng cường tuyên truyền pháp luật với người chồng, người vợ; trang bị kiến thức và các biện pháp tự bảo vệ cho phụ nữ khi bị bạo hành; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể cơ sở…
Để giữ gìn hạnh phúc cần có sự chung tay của cả người vợ lẫn người chồng. (Trong ảnh: Gia đình hạnh phúc của anh Hoàng Ca tại xã Ích Hậu, Lộc Hà)
Thời gian qua, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã triển khai các mô hình phòng chống bạo lực gia đình như: “Tổ hòa giải”, “Địa chỉ tin cậy”, “Ngôi nhà hoa hồng”... Điển hình như mô hình Địa chỉ tin cậy ở các xã: Cương Gián (Nghi Xuân), Phù Lưu, Hộ Độ (Lộc Hà)… Chị Lê Thị Lý - Chủ tịch Hội LHPN xã Cương Gián cho biết: “Là 1 địa phương từng xẩy ra nhiều vụ bạo lực gia đình dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, trong 2 năm qua, chúng tôi đã thành lập mô hình “Địa chỉ tin cậy” để hỗ trợ các nạn nhân.
Hiện tại, bên cạnh tuyên truyền thường xuyên, thiết lập đường dây nóng, tại 15 thôn đều có cộng tác viên. Với phương châm “dập lửa ngay khi bắt đầu nhen nhóm”, cộng tác viên đã phát hiện kịp thời những mâu thuẫn tại các gia đình để từ đó báo cáo tổ hòa giải theo dõi và can thiệp”. Mô hình này cũng đang được Hội LHPN tỉnh khảo sát, nhân rộng ở các địa phương khác.