Hà Tĩnh đảm bảo đội ngũ giáo viên, đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong năm học mới

(Baohatinh.vn) - Đẩy nhanh tiến độ tuyển dụng, linh hoạt điều động biệt phái giáo viên… là cách mà ngành GD&ĐT Hà Tĩnh thực hiện để đảm bảo đội ngũ, đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong năm học 2022 - 2023.

Đến thời điểm hiện tại, huyện Can Lộc đã hoàn thành công tác thi tuyển giáo viên (vòng 1 và vòng 2). Huyện cũng đã công bố danh sách giáo viên trúng tuyển vòng 2 và đang chờ ra quyết định tuyển dụng. Can Lộc là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất việc tuyển dụng giáo viên năm học 2022 - 2023 ở Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh đảm bảo đội ngũ giáo viên, đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong năm học mới

Huyện Can Lộc đã hoàn thành việc tuyển dụng giáo viên và công bố danh sách trúng tuyển vào ngày 16/8.

Trưởng phòng Nội vụ huyện Can Lộc Trần Xuân Hoài cho biết: “Năm nay, Can Lộc được tỉnh cho phép tuyển dụng 22 chỉ tiêu giáo viên tiểu học. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong năm học mới, chúng tôi đã triển khai sớm các bước thông báo, tuyển dụng. Qua đó, huyện đã thu được 39 hồ sơ, trong đó có 31 thí sinh tham gia dự thi. Từ ngày 13/8, huyện đã tiến hành tổ chức thi vòng 2 và thông báo kết quả vào ngày 16/8”.

Để bổ sung đội ngũ, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các huyện, thành, thị, năm nay, Hà Tĩnh đồng ý cho tuyển dụng bổ sung 295 giáo viên, trong đó mầm non 43, tiểu học 234, THPT 18 giáo viên. Qua kiểm tra, rà soát của ngành giáo dục, đến thời điểm hiện tại, các địa phương trên toàn tỉnh đã hoàn thành vòng 1 và gấp rút thực hiện các bước tuyển dụng vòng 2. Hoạt động này sẽ phải hoàn thành trước ngày 30/9 theo quy định của tỉnh với mục tiêu bổ sung kịp thời giáo viên ngay trong năm học mới.

Hà Tĩnh đảm bảo đội ngũ giáo viên, đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong năm học mới

Trong tổng số 43 chỉ tiêu mầm non được tuyển dụng năm nay, Thạch Hà có 7 chỉ tiêu (ảnh chụp tại Trường Mầm non Thạch Thắng - Thạch Hà năm học 2021 - 2022).

Song song với công tác tuyển dụng, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cũng đã chủ động tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương biệt phái giáo viên ở tất cả các cấp học. Việc điều động, luân chuyển, biệt phái đối với viên chức giáo dục được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh; đảm bảo công bằng, khách quan, công khai, minh bạch, theo nguyên tắc cân đối viên chức từ nơi thừa đến nơi thiếu, nơi thừa nhiều đến nơi thừa ít, nơi thiếu ít sang nơi thiếu nhiều; có khoảng cách phù hợp và địa điểm thuận lợi về giao thông; không làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của viên chức,

Trên tinh thần đó, trong năm học 2022 - 2023, ngoài thực hiện biệt phái 85 giáo viên THPT từ huyện thừa đến huyện thiếu, ngành còn điều chuyển 13 giáo viên đặc thù (dạy các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh, thể dục) từ bậc THCS sang tiểu học và 14 giáo viên từ tiểu học sang THCS ở các huyện, thị; biệt phái 6 giáo viên tiểu học và 31 giáo viên THCS tăng cường ở những vùng thiếu giáo viên. Và đặc biệt, lần đầu tiên, ngành thực hiện điều động biệt phái 15 giáo viên đặc thù từ bậc THCS sang THPT để phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hà Tĩnh đảm bảo đội ngũ giáo viên, đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong năm học mới

Việc điều động giáo viên biệt phái đã trở thành một trong những giải pháp giảm áp lực về thừa, thiếu giáo viên giữa các địa phương (Ảnh: Trường THPT Lý Tự Trọng - Thạch Hà động viên giáo viên biệt phái năm học 2021 - 2022).

Thầy Thái Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Thạch Hà) cho biết: "Ngay sau khi có quyết định của tỉnh và kế hoạch của sở, chúng tôi đã thông báo rộng rãi đến toàn thể cán bộ, giáo viên. Theo kế hoạch, năm nay, trường có 3 giáo viên ở các bộ môn: Hóa, Tiếng Anh, Giáo dục công dân sẽ thực hiện chủ trương biệt phái. Để tạo tâm trạng thoải mái cho giáo viên và thực hiện các bước điều động theo đúng quy trình, quy định, hiện nay, chúng tôi đã giao các tổ bộ môn họp thảo luận để đề xuất danh sách”.

Cùng chia sẻ áp lực về thiếu giáo viên, ở các vùng trung tâm cũng đã chủ động giải pháp trong việc thực hiện phân luồng tuyển sinh. Cô Trần Thị Thủy Nga - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh chia sẻ: “Để giảm áp lực cho các trường vùng trung tâm, thành phố Hà Tĩnh đã thực hiện phân chia địa bàn tuyển tuyển sinh ở các lớp đầu cấp, từ mầm non đến THCS. Ngoài ra, nhiều trường học cũng đã chủ động thực hiện phương án tăng sỹ số học sinh trên lớp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, trong khi học sinh đầu cấp tăng bởi nguyên nhân cơ học”.

Hà Tĩnh đảm bảo đội ngũ giáo viên, đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong năm học mới

Cùng với công tác tuyển dụng, thời gian này, các trường học đang tăng cường công tác tập huấn, chuyên đề cho đội ngũ giáo viên trước khi bước vào năm học mới. (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Thạch Quý - TP Hà Tĩnh).

Cùng với thành phố, các trường học trên địa bàn Hà Tĩnh cũng thực hiện bố trí giáo viên ở một số môn học đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học có số tiết thực dạy ít hơn quy định làm công tác chủ nhiệm hoặc kiêm nhiệm một số hoạt động khác ngoài dạy học; ưu tiên bố trí giáo viên văn hóa tiểu học có năng lực tốt giảng dạy môn Tiếng Việt, môn Toán cho các lớp trong cùng một khối...

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa, năm học mới sẽ bắt đầu. Với sự quan tâm của tỉnh, sự chủ động của ngành giáo dục trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cân đối giáo viên thừa, thiếu giữa các địa bàn, đã góp phần giảm áp lực về đội ngũ, tạo điều kiện cho các nhà trường trong việc triển khai các hoạt động dạy, học, đặc biệt là việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong 3 năm qua, UBND tỉnh đã có quyết định cho phép Hà Tĩnh tuyển dụng 2.232 giáo viên ở các bậc học. Cụ thể: năm 2020, tuyển dụng 1.167 giáo viên (trong đó mầm non 669, tiểu học 399, THCS 99 giáo viên); năm 2021, tuyển dụng 770 giáo viên (trong đó mầm non 209, tiểu học 514, THCS 47 giáo viên); và năm 2022, tuyển dụng 295 giáo viên (mầm non 43, tiểu học 234, THPT 18 giáo viên). Việc điều động biệt phái giáo viên cũng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu về đội ngũ tại các vùng miền trên địa bàn toàn tỉnh.

Thầy Nguyễn Ngọc Lê Nam - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.