Cán bộ Ban CHQS huyện Thạch Hà quán triệt, hướng dẫn công tác sơ tuyển quân tại xã Thạch Văn.
Tốt nghiệp ngành điện lạnh Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức (TP Hà Tĩnh), thanh niên Hoàng Văn Anh (SN 2004, ở thôn Đồng Lợi, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà) đã tìm được cho mình việc làm ổn định ở TP Hồ Chí Minh với mức thu nhập 10 - 12 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, khi có lệnh gọi điều sơ khám ở xã, Anh vẫn xin nghỉ việc để về quê tham gia khám sức khỏe và sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự vì đó là trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của mỗi công dân.
Cán bộ Ban CHQS huyện Hương Sơn đến nắm tình hình, động viên anh Hồ Phúc Tuấn (ngồi đầu bên phải).
Chàng trai Hồ Phúc Tuấn (SN 2004, dân tộc Mán, ở thôn Khe Năm, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn) là con thứ 2 trong gia đình có 5 anh em. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mới học hết lớp 9, Tuấn đã tạm gác việc học hành để kiếm việc làm, phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống. Hiện, Tuấn đã tìm được việc làm ổn định ở tỉnh Bình Dương với mức thu nhập gần 8 triệu đồng/tháng, nhưng khi đến dịp tuyển quân, Tuấn đã tạm gác việc làm, tình nguyện viết đơn nhập ngũ.
Chị Phạm Thị Vui (mẹ anh Hồ Phúc Tuấn) thổ lộ: “Khi con viết đơn tình nguyện nhập ngũ, gia đình rất phấn khởi vì quân đội là môi trường tốt để cháu học tập, rèn luyện và trưởng thành. Đặc biệt, khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cháu sẽ có cơ hội đi học các trường nghề, mở ra tương lai sau này cho cháu”.
Ban CHQS huyện Vũ Quang kiểm tra hồ sơ công tác tuyển quân ở xã Quang Thọ.
Năm 2023, Hà Tĩnh có chỉ tiêu tuyển chọn và giao 1.200 công dân nhập ngũ vào các đơn vị quân đội. Để bảo đảm tuyển đủ chỉ tiêu được giao, đã có hơn 6.000 thanh niên nhận được lệnh gọi sơ tuyển ở các xã, phường, thị trấn.
Trong bối cảnh số thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ diện tạm miễn, tạm hoãn, đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động chiếm tỷ lệ tương đối lớn (có những địa phương lên đến trên 70%), Bộ CHQS tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ các khâu, các bước. Ngoài ra, lực lượng quân sự cũng đã cùng cả hệ thống chính trị ở cơ sở tập trung vào cuộc theo phương châm “đến từng nhà, rà từng ngõ, gõ từng cửa” gắn với tuyên truyền, gặp gỡ, trao đổi, ký cam kết...
Các thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự ở xã Thạch Trị (Thạch Hà) kiểm tra danh sách sơ tuyển.
Với vai trò của mình, Bộ CHQS tỉnh cũng đã chủ động tham mưu kiện toàn hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp; thành lập hội đồng khám sức khỏe đúng, đủ thành phần; phân công trách nhiệm cho từng thành viên gắn với bảo đảm đủ trang thiết bị, vật tư y tế; cử cán bộ, nhân viên y tế có nhiều kinh nghiệm, đủ năng lực, trình độ tham gia khám tuyển; chỉ đạo các địa phương thực hiện quy trình khám tuyển dân chủ, công khai, công bằng, chính xác, không để xảy ra tiêu cực...
Các ban CHQS cấp huyện cũng tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao. Thượng tá Trần Đình Biểu – Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Lộc Hà thông tin: “Chúng tôi đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đổi mới phương pháp, quy trình, các bước sơ tuyển. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng chú trọng phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chi đoàn, chi hội phụ nữ, cựu chiến binh, hội người cao tuổi, họ tộc, giáo lý... nên công tác sơ tuyển ở Lộc Hà đã được triển khai nghiêm túc, đạt kết quả tốt”.
Hội đồng nghĩa vụ quân sự xã Thạch Trị tổ chức khám sơ tuyển công dân nhập ngũ tại trạm y tế xã.
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Thông - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh: “Bộ CHQS tỉnh đã tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện “tròn khâu” trong tuyển quân với tinh thần “tuyển người nào chắc người đó”, tuyển đủ số lượng và bảo đảm chất lượng, chú trọng tuyển gọi những công dân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, đào tạo nghề... Đến thời điểm hiện nay, cơ bản 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh hoàn thành công tác khám sơ tuyển, đang chờ lệnh điều khám cấp huyện”.